Thông tin "nóng" về dự án đường Vành đai 3, tổng đầu tư sơ bộ 75.000 tỷ đồng
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM và các địa phương đã chủ động rà soát cân đối nguồn vốn cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Trường hợp cần thiết sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động thêm nguồn vốn.
Theo chương trình làm việc của Quốc hội, sáng nay (6/6), Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh.
Nói về dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đại biểu Quốc hội, cho rằng dự án đường Vành đai 3 không chỉ là cần thiết mà còn là cấp thiết, cấp bách.
Lý giải, ông Mãi cho biết, dự án này không chỉ giúp TP.HCM và các tỉnh trong khu vực của dự án tháo điểm nghẽn giao thông mà còn tạo động lực mới cho phát triển kinh tế cả vùng phía Nam, từ đó đóng góp nhiều hơn cho cả nước cả về GDP và thu ngân sách, đồng thời phát huy lợi thế tiềm năng trong vùng.
"Đây không chỉ là trục giao thông chiến lược, còn là vành đai phát triển đô thị, phát triển công nghiệp và kết nối vùng. Cho nên việc đầu tư xây dựng cho đường Vành đai 3 cần phải được triển khai ngay", đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TT)
Theo tìm hiểu của Dân Việt, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài đầu tư khoảng 76,34 km, đi qua TP.HCM dài khoảng 47,51 km, đi qua địa bàn thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh.
Vành đai 3 qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11,26 km, đi qua địa bàn huyện Nhơn Trạch; qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 10,76 km, đi qua địa bàn các thành phố: Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An; qua tỉnh Long An dài khoảng 6,81 km, đi qua địa bàn huyện Bến Lức.
Về nguồn vốn, đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư sơ bộ 75.378 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, nguồn vốn để thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.HCM được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, theo đó các địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đảm bảo 50% vốn, riêng Long An 25%, còn lại là trung ương hỗ trợ.
"Đối với TP.HCM và các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Long An chúng tôi đã trình Hội đồng Nhân dân và Hội đồng Nhân dân đã có kế hoạch cân đối bố trí vốn ngân sách địa phương từ trung hạn 2021 – 2025, sẽ bố trí theo tiến độ dự án, theo khối lượng hàng năm để đảm bảo tiến độ của dự án", Chủ tịch TP.HCM cho hay. Ông Mãi khẳng định, đối với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An việc cân đối ngân sách bố trí cho dự án không phải vấn đề khó khăn lớn.
Cũng theo ông Mãi, việc ưu tiến vốn cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và các địa phương sẽ không gặp khó khăn bởi TP.HCM hiện có một khoản chưa dùng hết đó là vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Sắp tới TP.HCM sẽ thực hiện phát hành trái phiếu này để huy động vốn cho dự án.
Bên cạnh đó, theo vị Chủ tịch TP.HCM, ít nhất có 3 nguồn thu đã được TP.HCM và các địa phương tính toán đến để đảm bảo khả năng cân đối vốn, trả nợ cho dự án.
Thứ nhất đó là khai thác quỹ đất ven tuyến. Như TP.HCM, ông Mãi cho biết, có trên 500 ha, có thể bán thu về khoảng 26.000 – 27.000 tỷ đồng.
Thứ 2, các khoản tăng thu của TP.HCM và các địa phương. TP.HCM và các địa phương kể trên đều có điều kiện thu ngân sách tốt trong điều kiện kinh tế phát triển như hiện nay.
Thứ 3, là phát hành trái phiếu.
Chưa kể, sắp tới TP.HCM tiến hành sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa sẽ có nguồn thu hay các nguồn thu từ đất khác.
Tổng thể các nút giao với đường Vành đai 3 TP.HCM.
Cố gắng cuối năm 2023 tiến hành khởi công dự án đường Vành đai 3, TP.HCM
Nói về hai nhiệm vụ khó khăn nhất trong việc triển khai dự án đường Vành đai 3, Chủ tịch TP.HCM cho biết đó chính là việc giải phóng mặt bằng để đảm bảo có mặt bằng sạch đúng tiến độ cho dự án, và việc tổ chức thực hiện dự án.
Riêng giải phóng mặt bằng, TP.HCM và các địa phương đã ngồi lại với nhau lên kế hoạch giải phóng mặt bằng, thống nhất từ chính sách, cách thức triển khai và ngay khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. TP.HCM và các địa phương sẽ triển khai những bước cần thiết để bắt tay vào công tác kiểm kê lên chính sách đền bù và giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, dù cho chính sách bồi thường có tốt đến đâu thì ít nhiều cũng ảnh hưởng tới an cư, sinh kế, xáo trộn công việc cuộc sống của bà con. Nhưng theo ông Mãi, vì lợi ích của dự án để phục vụ cho sự phát triển của vùng, cả nước cho nên bà con sẽ đồng thuận.
"Ở đây có một vấn đề đó là làm sao để đảm bảo tái định cư cho người dân. TP.HCM và các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương có quỹ nhà hiện có có thể dùng để tạm cư. Do đó, chúng tôi có thể dùng quỹ nhà này để tạm cư, thực hiện các thủ tục tái định cư. Các địa phương cũng đã bàn với nhau các chính sách để tái đào tạo nghề nghiệp cũng như hỗ trợ các sinh kế khác để bà con ổn định trong diện tái định cư", Chủ tịch TP.HCM thông tin.
Về tính khả thi của dự án, ông Mãi cho biết theo tờ trình quý I/2024 sẽ hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng nhưng TP.HCM và các địa phương cố gắng hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng để cuối năm 2023 tiến hành khởi công dự án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận