Thông tin Nike, Adidas... chuyển nhà máy khỏi Việt Nam là sai
Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng tổng quan thị trường dệt may 10 tháng đầu vẫn có những khởi sắc.
Thông tin Nike và Adidas chuyển nhà máy ra khỏi Việt Nam là không chính xác. Thực tế, các nhãn hàng này có hệ thống sản xuất ở Việt Nam trong 2 lĩnh vực may mặc và giày da song không hề đầu tư nhà máy. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết như trên tại buổi họp báo chiều ngày 15-11 giới thiệu Cotton Day Vietnam 2021 - Diễn đàn đặc biệt về bông bền vững do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas)
“Đơn cử, từ tháng 10 khi chúng ta mở cửa trở lại, nhãn hàng Nike sản xuất trong Tổng Công Ty May Việt Tiến cũng chưa chuyển đơn hàng nào ra khỏi nước, bởi không chọn được nhà sản xuất đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của họ về thời gian, chất lượng, hệ thống đánh giá như ở Việt Nam"-ông Giang nói.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng cho biết các nhãn hàng hiện có niềm tin khi Việt Nam tái mở cửa nền kinh tế. Ông cũng tin rằng chỉ khi nào nào áp lực về thời gian giao hàng quá gấp và không thể tính toán cân đối được thời gian bán hàng thì các nhãn mới chuyển đơn hàng đến quốc gia nào đáp ứng được yêu cầu.
Tuy nhiên khi chuyển đơn hàng ra nước ngoài, doanh nghiệp tốn rất nhiều cho chi phí vận chuyển, tổ chức sản xuất và chi phí đánh giá chất lượng nhà máy nên không nhiều doanh nghiệp chuyển giao đơn hàng ra nước ngoài.
Ông Vũ Đức Giang thông tin thêm: Do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội kéo dài, nhất là các tỉnh phía Nam, nhiều doanh nghiệp dệt may không đáp ứng được tiến độ giao hàng. Điều này khiến số lượng đơn hàng bắt buộc phải giao tháng 11, 12 phục vụ Tết 2022 được chuyển đi, ước tính chỉ đạt khoảng 13%-14%.
Mặc dù vậy, nhưng tổng quan thị trường dệt may 10 tháng đầu vẫn có những khởi sắc. Ước tính tổng xuất khẩu dệt may 10 tháng đầu năm đạt 32 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu may mặc đạt xấp xỉ gần 24 tỉ USD, xuất khẩu xơ sợi đạt gần 4,5 tỉ USD và vải các loại đạt gần 1,9 tỉ USD.
Ngoài ra các sản phẩm phụ liệu may các loại, đặc biệt là vải địa kỹ thuật (dùng làm lốp ô tô...) cũng được các nước khó tính như Canada, Mỹ, Ấn Độ nhập khẩu vải của Việt Nam.
"Đây có lẽ là lần đầu tiên, ngành công nghiệp kéo sợi Việt Nam xuất khẩu số lượng sợi các loại lớn đến như vậy và cũng là năm tiên, nước ta xuất khẩu số lượng vải trong 10 tháng đầu tiên lớn đến như vậy"- ông Giang chia sẻ và kỳ vọng, mục tiêu vào năm 2022, ngành dệt may sẽ xuất khẩu khoảng 43,5 tỉ USD.
Mục tiêu này được ông Giang nhấn mạnh là có cơ sở bởi dựa trên đánh giá xu hướng tiêu dùng toàn cầu. Đặc biệt từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về kiểm soát, sống chung với COVID-19 trong tình hình mới, đã có dấu hiệu các đơn hàng quay lại (niên vụ 2022).
Dệt may sẽ khởi sắc khi Việt Nam tái mở cửa
Vị chủ tịch Vitas nhìn nhận, dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen người tiêu dùng. Bằng chứng những đơn hàng veston, sơ mi nam- nữ, đầm đều ghi nhận sự giảm sút trong khi đó thời trang trong nhà, thể thao và các sản phẩm dệt kim... lại tăng cao.
"Chính những thay đổi này đã đặt ra bài toán cho các nhà sản xuất, nhà thiết kế làm sao để bắt kịp xu hướng của người tiêu dùng và những đòi hỏi của thị trường thời trang thế giới để có sự chuyển đổi phù hợp, đồng thời tiến tới đáp ứng các yêu cầu xanh hóa trong sản xuất. Bên cạnh đó việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào cũng là yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý, mà hiện nay bông đang là lựa chọn số 1 cho ngành công nghiệp kéo sợi Việt Nam”- chủ tịch Vitas nói.
Ngoài những giải pháp trên thì bài toán quản trị số, thì việc doanh nghiệp xây dựng nền tảng liên kết chuỗi theo hướng bền vững, trách nhiệm, minh bạch và xanh hóa cũng được các chuyên gia nhấn mạnh.
Nói thêm về điều này, ông Võ Mạnh Hùng, đại diện Cotton USA tại Việt Nam cho biết ngành dệt may và thời trang thế giới đang có những chuyển biến mạnh mẽ hướng đến việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thực tế hiện nay các nhãn hàng đang ngày càng chú trọng đến các nguyên liệu vừa mang tính thời trang, vừa thân thiện với môi trường. Trong đó bông là nguyên liệu được các nhà sản xuất lựa chọn bởi tính thân thiện với môi trường.
"Tuy nhiên, phải là bông được trồng theo quy trình dùng ít tài nguyên như đất, nước, phân bón, thuốc trừ sâu thì mới đáp ứng được tính bền vững trong xu hướng thời trang hiện nay. Trong đó bông Mỹ được trồng theo tiêu chuẩn minh bạch và có thể lượng hóa theo chương trình Trust Protocol là giải pháp giúp các nhãn hàng và chuỗi cung úng thực hiện được mục tiêu bền vững đã đặt ra"- ông Hùng gợi mở.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận