Thông tin người đã mua nhà ở xã hội sẽ được công khai, tránh trục lợi chính sách
Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã có quy định cụ thể công tác xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS.
Trước lo ngại về tình trạng trục lợi chính sách nhà ở xã hội, khiến nguồn cung phân khúc này vốn đã khan hiếm lại đi không đúng đối tượng, các chuyên gia cho rằng vấn đề này đã được hóa giải trong Nghị định số 94/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Nghị định này quy định chi tiết về việc xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Theo phản ánh, thời gian qua, tại nhiều địa phương, tình trạng mua bán nhà ở xã hội diễn ra bất chấp quy định về đối tượng thụ hưởng và thời gian sở hữu tối thiểu để giao dịch. Thậm chí, có những dự án chưa xây xong đã bị môi giới rao bán tràn lan.
Điển hình, khi mở bán dự án Nhà ở xã hội NHS Trung Văn tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) năm 2023, chủ đầu tư đã phát hiện 7 trường hợp không đủ điều kiện mua nhà.
Đây là những trường hợp đã sở hữu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc có nhà đất vượt quá 10m2/người, nhưng vẫn tham gia bốc thăm, làm giảm cơ hội cho những người có nhu cầu thực sự.
Việc minh bạch thông tin người mua nhà ở xã hội cũng là nội dung cử tri tỉnh Hà Nam quan tâm và kiến nghị Quốc hội.
Theo đó, cử tri Hà Nam đề xuất xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin chung về cá nhân đã mua nhà ở xã hội trên cả nước, đồng thời liên thông với cơ sở dữ liệu về nhà ở, đất ở để thuận tiện trong xác minh các đề nghị liên quan đến nhà ở xã hội.
Thực hiện chức năng quản lý, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 24/7, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94.
Theo đó, dữ liệu về cá nhân đã mua, thuê, hoặc thuê mua nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc thuộc hệ thống dữ liệu nhà ở quốc gia. Các thông tin về cá nhân đã mua, thuê tại địa phương cũng được lưu trong dữ liệu về nhà ở địa phương.
Nghị định này cũng quy định biểu mẫu thu thập thông tin, báo cáo, tổng hợp dữ liệu phục vụ xây dựng và khai thác thông tin về các cá nhân mua, thuê, hoặc thuê mua nhà ở xã hội trên toàn quốc.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm định kỳ hàng quý báo cáo Bộ Xây dựng về thông tin các cá nhân được mua, thuê nhà ở xã hội.
Hàng năm, danh sách này phải được công bố công khai để tránh trục lợi chính sách.
Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp thông tin trên phạm vi toàn quốc, phục vụ quản lý nhà nước và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai.
Từ năm 2021 đến cuối tháng 8/2024, cả nước đã khởi động 619 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 561.816 căn.
Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có 79 dự án hoàn thành (40.600 căn), 128 dự án đang xây dựng, và 412 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; đây là con số khiêm tốn so với mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Chính phủ đề ra.
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh dẫn đầu với 6.000 căn nhà ở xã hội đã hoàn thành. Tiếp theo là Hà Nội với 5.200 căn, Bắc Giang 3.778 căn và Khánh Hòa 3.364 căn.
Tính đến cuối tháng 8, tổng diện tích quỹ đất quy hoạch phát triển nhà ở xã hội trên toàn quốc đã đạt khoảng 9.757ha.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận