Thời 'zero-fee': Môi giới truyền thống thất thế, cố vấn đầu tư lên ngôi?
Ngành Hoạch định tài chính (Financial planning) và Quản lý gia sản (Wealth management) đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và được dự báo sẽ bùng nổ với việc cung cấp những giải pháp tài chính toàn diện hơn cho khách hàng. Hai lĩnh vực này hiện được các ngân hàng, các định chế tài chính phi ngân hàng (công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm) đặc biệt quan tâm phát triển.
Xu thế toàn cầu bắt nguồn từ áp dụng công nghệ
Sự phát triển của công nghệ thông tin (IT) và Internet đã làm thay đổi nhiều ngành công nghiệp trên phạm vi toàn cầu và cũng làm thay đổi cách thức giao dịch chứng khoán. Nếu trước đây việc giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư thường thông qua các hình thức gửi mail, điện thoại cho người môi giới chứng khoán (oker) thì ngày nay nhà đầu tư hoàn toàn có thể tự mình thực hiện giao dịch online thông qua website hoặc các ứng dụng do các công ty chứng khoán cung cấp. Chính việc này đã giúp việc giao dịch chứng khoán nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch và với chi phí thấp hơn nhiều các phương thức truyền thống. Các hệ thống giao dịch đã thay thế một phần vai trò của người môi giới chứng khoán truyền thống (oker), từ đó mở ra một loại hình môi giới chứng khoán mới với chi phí thấp hơn nhiều môi giới truyền thống, gọi là môi giới chiết khấu (discount oker).
Ở Mỹ hay nhiều nước khác, các công ty môi giới chiết khấu này được thành lập và liên tục cạnh tranh hạ các mức phí giao dịch để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân vốn rất nhạy cảm với chi phí, từ đó lôi kéo các công ty môi giới truyền thống nhập cuộc để không bị bỏ lại phía sau. Sau khi Charles Schwab (một trong những công ty môi giới chứng khoán lớn nhất ở Mỹ) khơi mào “cuộc chiến” zero-fee vào quý 4 năm 2019 thì đến nay, hầu hết các nền tảng giao dịch chứng khoán online lớn tại Mỹ đều không còn phí giao dịch (transaction fee). Với zero-fee, chúng ta chứng kiến làn sóng nhà đầu tư cá nhân với số vốn đầu tư nhỏ gia nhập thị trường trên phạm vi toàn cầu kể từ khi đại dịch Covid-19 phát sinh.
Việt Nam đang bắt kịp xu thế
Việt Nam cũng không đi ngoài xu hướng này, làn sóng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán kể từ khi dịch Covid xảy ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Theo báo cáo của Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 6/2023, số lượng tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt 7,25 triệu tài khoản, tương đương khoảng 7,2% dân số (lưu ý là nhiều nhà đầu tư cá nhân sở hữu nhiều tài khoản chứng khoán tại các công ty chứng khoán khác nhau nên số lượng nhà đầu tư thực tế tham gia thị trường chứng khoán sẽ thấp hơn con số này).
Để thu hút lượng nhà đầu tư cá nhân, nhiều công ty chứng khoán đã cạnh tranh bằng cách giảm phí giao dịch, khiến mặt bằng phí giao dịch chứng khoán giảm đáng kể so với trước dịch. Một sự kiện đáng lưu ý là Bộ Tài chính ban hành Thông tư 128/2018/TT-BTC có hiệu lực từ tháng 2/2019 đã chính thức bãi bỏ phí sàn môi giới chứng khoán (mức sàn trước đó là 0,15%). Từ đó các công ty chứng khoán tham gia vào cuộc đua giảm phí không giới hạn với công ty chứng khoán đầu tiên áp dụng mức phí 0% đối với giao dịch cổ phiếu là Pinetree.
Câu chuyện zero-fee của ngành chứng khoán thực sự được chú ý mạnh mẽ khi ông lớn TCBS chính thức miễn phí giao dịch tất cả các hoạt động đầu tư chứng khoán bao gồm cổ phiếu, phái sinh, chứng quyền và chứng chỉ quỹ niêm yết cho nhà đầu tư giao dịch trên nền tảng TCInvest kể từ 1/1/2023. Trong cuộc họp Đại hội cổ đông của Chứng khoán MB (MBS) năm 2023, ông Lưu Trung Thái, hiện là chủ tịch Ngân hàng Quân đội (MB) – cổ đông chi phối MBS, từng chia sẻ: “Các công ty chứng khoán giai đoạn vừa qua cạnh tranh quá khốc liệt, phí môi giới thì đang đang có xu hướng trở về 0 giống như phí chuyển tiền của ngân hàng. Các ngân hàng bây giờ đưa về bằng 0 với giao dịch chuyển tiền. Tôi tin là việc zero-fee của chứng khoán cũng đang tới”. Rõ ràng đây là sẽ xu hướng chính về phí môi giới ở thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Sự bùng nổ của nghề Cố vấn đầu tư (Investment Adviser)
Với mô hình môi giới chứng khoán truyền thống, các oker được trả hoa hồng (commission) trên phí giao dịch chứng khoán của khách hàng. Sự phát triển của các nền tảng giao dịch chứng khoán thuận tiện với zero-fee thì các công ty chứng khoán sẽ không thu phí giao dịch; do đó, các công ty chứng khoán đã áp dụng zero-fee thường sẽ không còn nhân viên môi giới chứng khoán (như TCBS) hoặc cho khách hàng lựa chọn có môi giới và áp dụng phí giao dịch gia tăng hoặc tự giao dịch với mức phí rẻ hơn nhiều.
Ở Mỹ, kể từ khi xu hướng giảm phí giao dịch bắt đầu thì số lượng người chỉ làm môi giới chứng khoán (Broker-dealer representative) giảm liên tục. Việc này xảy ra là do với việc hoa hồng giao dịch bị ảnh hưởng, một bộ phận người làm nghề môi giới mở rộng nghề nghiệp sang lĩnh vực Cố vấn đầu tư (Investment Advisor Representative - IAR) với sự gia tăng mạnh mẽ của người sở hữu cả 2 loại chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư (dual representative).
Ngoài ra, các năm gần đây chứng kiến sự tăng mạnh của các Cố vấn đầu tư (IAR) không sở hữu chứng chỉ chỉ môi giới.
Vậy có thể thấy đang có sự mở rộng phạm vi công việc mạnh mẽ của những người làm nghề môi giới để đa dạng hóa công việc và nguồn thu. Ngoài ra, những người mới vào nghề có xu hướng hướng thẳng đến chứng chỉ Cố vấn đầu tư (Registered Investment Adviser - RIA) mà không qua nghề môi giới.
Cố vấn đầu tư khác gì môi giới truyền thống?
Một cố vấn đầu tư khác biệt so với một môi giới truyền thống ở nhiều mặt.
Thứ nhất, hai ngành nghề này đòi hỏi 2 chuyên môn khác nhau. Ở Mỹ, hai ngành nghề này tương ứng với hai chứng chỉ hành nghề khác nhau là Môi giới chứng khoán (Broker dealer) và Cố vấn đầu tư đăng ký (Registered Investment Adviser - RIA). Trong đó, Cố vấn đầu tư cần vượt qua kỳ thi Series 65 khó hơn kỳ thi theo Series 7 của môi giới, hoặc môi giới đã vượt qua kỳ thi Series 7 sẽ cần vượt qua thêm kỳ thi Series 66 để được chứng nhận RIA (Registered Investment Adviser). Người có các chứng chỉ CFA hay CFP có thể được miễn thi Series 65 này.
Thứ hai là cơ quan quản lý khác nhau. Môi giới (oker) được quản lý bởi Cơ quan quản lý tai chính Mỹ (Finra) còn cố vấn đầu tư (RIA) được quản lý trực tiếp bởi SEC (Ủy ban Chứng khoán ở Mỹ) hoặc Cơ quan quản lý chứng khoán của Bang.
Khác biệt thứ ba nằm ở tiêu chuẩn nghề nghiệp trong quan hệ với khách hàng. Trong đó, môi giới thực hiện Tiêu chuẩn phù hợp nhất (Suitability standard), tức họ đưa ra hành động dựa trên sự phù hợp chứ không phải là lợi ích tốt nhất cho khách hàng, và họ nhận được hoa hồng nhờ vào việc khuyến khích khách hàng giao dịch. Đối với cố vấn đầu tư, họ đi theo Tiêu chuẩn ủy thác (Fiduciary standard), đây là một tiêu chí ứng xử cao hơn nhiều với các hành động của họ đặt lợi ích khách hàng lên trên hết và thường nhận phí cho các tư vấn của mình.
Thứ tư, nếu môi giới chỉ tập trung vào việc tạo điều kiện giao dịch mua bán các chứng khoán thì các cố vấn đầu tư (RIA) có lĩnh vực tư vấn tài chính rất rộng từ tư vấn đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, các lớp tài sản khác cùng với cung cấp các giải pháp về Quản lý gia sản (Wealth management), Quản lý đầu tư (Investment management), hay họ có thể mở rộng tư vấn về Hoạch định tài chính (Financial planning) từ các nghiệp vụ lên kế hoạch tài chính cá nhân, kế hoạch hưu trí, bảo hiểm, thừa kế.
Thứ năm, mô hình thu nhập của các cố vấn đầu tư cũng khác biệt. Nếu các môi giới có nguồn thu nhập chủ yếu từ hoa hồng phí giao dịch, các cố vấn đầu tư lại có nguồn thu chính từ phí quản lý tài sản và thu phí trên tổng tài sản quản lý AUM (management fee), phí dựa trên hiệu suất đầu tư (performance-based fee), phí tư vấn theo giờ (hour-based fee) hay phí tư vấn thu theo khung thời gian hàng tháng, quý hay năm (subscription-based fee).
Có thể thấy, các cố vấn tài chính có nhiều nguồn thu và thường thu mức cao hơn các môi giới truyền thống nhưng cũng đòi hỏi mức độ đầu tư cao hơn về kiến thức tổng quan và mức độ phân tích, tư vấn sâu hơn.
Nghề Cố vấn đầu tư ở Việt Nam và sự bùng nổ cùng ngành Quản lý gia sản
Theo McKinsey, Cố vấn đầu tư (RIA) là mảng nhận được sự hài lòng cao nhất của khách hàng trong mô hình Quản lý gia sản (Wealth management). RIA hiện đang có mức tăng trưởng nhanh nhất trong ngành Quản lý gia sản với mức tăng trưởng kép 12%/năm so với mức trung bình 7%/năm của các mô hình tư vấn truyền thống kể từ năm 2016. Do đó, các ngân hàng lớn tại Mỹ đang nhanh chóng phát triển mảng cố vấn đầu tư này hoặc M&A các công ty có chất lượng RIA tốt để hiện thực hóa tham vọng ngành Quản lý gia sản.
Ở Việt Nam, nghề Cố vấn đầu tư chưa được công nhận chính thức cũng như chưa được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan quản lý thị trường chứng khoán là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay nghề này đã bắt đầu phát triển ở Việt Nam với việc nhiều môi giới truyền thống hướng sang tư vấn rộng hơn và bắt đầu thu phí tư vấn đầu tư theo thời gian hàng tháng, quý, năm (subscription) và đảm nhận vai trò quản lý đầu tư (investment management) cho khách hàng.
Ngoài ra, ngành Hoạch định tài chính (Financial planning) và Quản lý gia sản (Wealth management) đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và được dự báo sẽ bùng nổ với việc cung cấp những giải pháp tài chính toàn diện hơn cho khách hàng. Hai lĩnh vực này hiện được các ngân hàng, các định chế tài chính phi ngân hàng (công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm) đặc biệt quan tâm phát triển. Do đó, với việc đóng vai trò là trung tâm thu hút khách hàng (client-centric) thì các cố vấn đầu tư sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận