'Thời sinh viên tiêu 2 triệu, đi làm 15 triệu vẫn thấy ít'
Nếu tiêu tiền theo bản năng, dù lương 100 triệu cũng cảm thấy không đủ.
Một tác giả trong bài viết 'Nỗi sợ cầm trăm nghìn đi chợ, một xíu hết ngay' nói rằng: "Năm 2007, tôi sống ổn với lương tầm hai triệu đồng, năm 2023 lương 20 triệu nhưng chật vật".
Trước hết, tôi đồng cảm với suy nghĩ này, vì tôi cũng từng trải qua cảm giác giống như vậy. Nhưng tôi không đồng tình với việc tác giả cho nguyên nhân là do giá cả hàng hóa gây ra.
Hơn chục năm trước, lúc là sinh viên tôi được gia đình chu cấp 2 triệu đồng một tháng (tôi ở ký túc xá). Bố mẹ tôi nói mỗi tháng chỉ lo được bao nhiêu đó tiền, ráng xài tiết kiệm, muốn tiêu thêm thì tự kiếm việc mà làm, tiêu hết thì cuối tháng đừng xin thêm.
Do bị "cảnh báo" như vậy nên tôi lên kế hoạch chi tiêu từng khoản rõ ràng. Hiếm khi tôi mua sắm phát sinh chi phí. Và bạn biết không, tôi toàn hoàn sống ổn với 2 triệu đồng mỗi tháng, tiền làm thêm, tôi dành dụm mua một chiếc xe máy.
Vậy mà, sau khi tốt nghiệp rồi đi làm, từ mức lương 8 triệu, lên 15 triệu đồng mỗi tháng, tôi vẫn thấy không đủ. Đồng ý là dĩa cơm thời tôi đi học so với bây giờ đã tăng giá, nhưng rõ là thu nhập của tôi cũng đã tăng lên theo kia mà.
Tôi cảm thấy không đủ tiêu ở mức 15 triệu, hay nói cách khác, cầm 15 triệu tiền lương nhưng cảm thấy "nhỏ bé" so với 2 triệu đồng ngày xưa, là bởi vì nhu cầu cá nhân của tôi không còn là nhu cầu cá nhân của một cậu sinh viên nữa. Tôi đi làm, phải tốn tiền mua quần áo chỉnh chu, xe máy, laptop... rồi tiền thuê nhà, tiền ăn uống mỗi ngày. Rồi tiếp đến là tiền cà phê, ăn uống với bạn, tiền đi hẹn hò, tiền cho gia đình, tiền đám tiệc hiếu hỷ...
Hiện nay, vấn đề của mọi người là luôn cảm thấy không hài lòng với tiền lương của mình. Vì lương tăng, nhu cầu chi tiêu tăng nên sẽ không bao giờ cảm thấy đủ cả. Hơn nữa, sau khi đi làm, có gia đình, đồng tiền lương phải gánh gồng quá nhiều khoản chi.
Vậy làm sao để giải quyết? Theo tôi, chỉ có hai cách:
Một, bằng mọi cách, bạn phải trau dồi, nỗ lực tăng lương, tăng thu nhập. Làm hai, ba việc cùng lúc cũng được để tổng thu nhập có thể gánh được chi tiêu và tiết kiệm.
Hai, nếu đã tìm cách tăng lương, tăng thu nhập mà vẫn "bội chi", thì phải rà soát lại những khoản chi và sắp xếp theo thứ tự: tối cần thiết, cần thiết và không cần thiết. Sau đó, phải mạnh dạn cắt bỏ những khoản chi không cần thiết, không có cũng không sao như: đi cà phê chém gió, tiền thuốc lá, tiền ăn vặt...
Thực sự, tôi thấy nhiều người chưa quản lý thu chi nghiêm túc mà đa phần tiêu tiền theo cảm tính, theo nhu cầu vô tận của bản thân. Vậy nên, đến khi lương 100 triệu, họ cũng thấy ít vì "một bữa ăn trong nhà hàng 5 sao tại sao lại tăng giá rồi".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận