Thói quen thanh toán đã thay đổi
Dù có những 'điểm nghẽn' nhất định nhưng thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là dịch vụ công và trở thành xu hướng tất yếu trong những năm gần đây.
Ông Phạm Tiến Dũng, vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khẳng định như vậy tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương lai", do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng NHNN, Hiệp hội Thương mại điện tử và Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức ngày 12-6.
Ngân hàng số đến rất gần
Dẫn câu chuyện VietinBank cho phép sử dụng điện thoại di động quét mã QR để rút tiền từ ATM và HDBank hợp tác để cung cấp eKYC, ông Phạm Tiến Dũng cho biết nếu làm xong tất cả những việc này, "ước mơ" ngân hàng số trong lĩnh vực thanh toán đã thành sự thực. Đó là người dùng có thể thực hiện từ A đến Z, từ khâu mở tài khoản đến khâu nộp tiền và rút tiền mà không cần tiếp xúc với nhân viên ngân hàng, không cần phải đến ngân hàng.
"Trước kia chúng ta dùng thanh toán điện tử, nay chúng ta dùng thanh toán số. Đó là sự tự động hoàn toàn từ người dùng đến người cung cấp sản phẩm dịch vụ. Ở đây là các siêu kết nối, siêu tích hợp. Để làm được việc này, không chỉ ngân hàng, trung gian thanh toán mà cần sự vào cuộc của tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ" - ông Dũng nhấn mạnh.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng hệ sinh thái thanh toán điện tử đã được hình thành với sự kết nối tới tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ hành chính công...
Theo ông Kim Anh, hầu hết các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán, như phân tích hành vi khách hàng trên dữ liệu lớn (big data), xác thực sinh trắc học, ứng dụng mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc...
Nhờ đó, thanh toán thẻ tiếp tục phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 51,4% về số lượng và 33,8% về giá trị giao dịch trong giai đoạn 2016-2019. Đặc biệt, thanh toán trên mobile cũng tăng trưởng ấn tượng với tốc độ bình quân đạt 85% về số lượng và 158,5% về giá trị giao dịch.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước - Đồ họa: T.ĐẠT
Bước tiến trong dịch vụ công
Đánh giá rất cao sáng kiến của báo Tuổi Trẻ trong việc phối hợp với NHNN tổ chức hội thảo "Xã hội không tiền mặt", ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho hay TP.HCM đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh, và một trong những mục tiêu quan trọng của đô thị thông minh là xây dựng xã hội không tiền mặt.
Kết quả bước đầu khá tích cực với 80% trường học ở TP.HCM không dùng tiền mặt khi thanh toán học phí, trong đó 400 trường học công tổ chức thu phí qua kênh ngân hàng. Với dịch vụ y tế, tỉ lệ này là 50%. Một số bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi Đồng... đã áp dụng phương thức thanh toán điện tử.
Chia sẻ kinh nghiệm về đẩy mạnh nộp học phí không tiền mặt, ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Sacombank, cho biết ngân hàng này đã vào cuộc cách đây 6 năm sau khi có chủ trương của UBND TP và đã được sự chỉ đạo, hỗ trợ từ NHNN chi nhánh TP.HCM và sự song hành, vào cuộc của Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM.
Dù khi triển khai đã vấp phải sự hoài nghi rất lớn, nhưng vượt qua buổi đầu bỡ ngỡ, đến nay việc nộp học phí không tiền mặt đã được tiến hành đến hơn 300 trường với hơn 200.000 thẻ học đường được phát hành và tốc độ tăng thanh toán không tiền mặt mỗi năm đến vài chục lần. "Mục tiêu của chúng tôi là người dùng không chỉ dùng thẻ trong thanh toán học phí, dịch vụ công mà từ đó sẽ góp phần định hướng trong mọi dịch vụ sinh hoạt đời sống" - ông Tâm nói.
Ông Đàm Hồng Tiến, giám đốc khối bán lẻ VietinBank, cho biết bên cạnh dịch vụ điện, nước, học phí, với lĩnh vực y tế, VietinBank đã cung ứng dịch vụ cho hơn 130 bệnh viện, trong đó có 30 bệnh viện lớn như Từ Dũ, Y dược TP.HCM, Bạch Mai... Theo đó, ngân hàng này đang cung cấp 6 nhóm giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho các bệnh viện như chuyển khoản, POS, QR, thanh toán bằng thẻ thăm khám bệnh viện...
"Kinh nghiệm triển khai là cần có sự chung tay của ngành y tế, các bệnh viện. Chẳng hạn, khi làm việc với các bệnh viện, ngân hàng này đưa ra các giải pháp thanh toán giúp người bệnh, người nhà bệnh nhân giảm thời gian xếp hàng thăm khám bệnh cũng như thanh toán viện phí. Đặc biệt, các bệnh viện giảm tải nhân lực trong công tác thu ngân..." - ông Tiến nói.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước - Đồ họa: T.ĐẠT
Cần xử lý những điểm nghẽn
Ông Lê Thành Trung, phó tổng giám đốc HDBank, cho biết hiện ngân hàng này đã đầu tư công nghệ để triển khai thanh toán online, không chạm, mobile banking, đồng thời kết hợp với Vietjet Air, Saigon Co.op tạo nên hệ sinh thái lớn để khách hàng thanh toán online vừa tiện vừa lợi. Ngoài ra, HDBank cũng củng cố, giúp thông tin khách hàng an toàn nhất.
Tuy nhiên, "cần làm cho người tiêu dùng cảm thấy có lợi và tạo thành thói quen, khi đó chẳng ai quay lại với tiền mặt nữa" - ông Trung khẳng định.
Dù vậy, theo ông Phạm Tiến Dũng, thanh toán không tiền mặt vẫn còn điểm nghẽn. Như các bộ ngành chưa có cơ sở dữ liệu tập trung để ngân hàng kết nối vào làm dịch vụ thanh toán.
Một số đơn vị cung cấp dịch vụ chưa sẵn sàng. "Như 6 sở sử dụng 6 phần mềm khác nhau, không theo chuẩn chung. Do vậy cần sự vào cuộc của các sở ban ngành" - ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, phó tổng giám đốc Napas, đơn vị này đang phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ, như sau khi kết nối xong với Tổng cục Thuế, thông tin sẽ được đẩy tới các ngân hàng qua ứng dụng mobile banking để giúp người dân có thể thanh toán online các loại thuế, phí.
"Các ứng dụng này rất dễ sử dụng. Trong tương lai, thanh toán một chạm không giới hạn ở nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy mà mở rộng ra nộp thuế cho thuê nhà, tiền phạt vi phạm giao thông..." - ông Hùng nói.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện, ông Đàm Hồng Tiến đề nghị ngành y tế cần đầu tư hệ thống công nghệ thông tin chung. "Có cơ sở dữ liệu liên thông cấp quốc gia, chỉ cần một thẻ chung, người bệnh có thể khám bệnh ở các bệnh viện trên cả nước" - ông Tiến nói.
Ông Lê Tấn Thiên Vũ (giám đốc quản lý đối tác chiến lược và phát triển kinh doanh, Grab VN):
Công nghệ đa ứng dụng
Ông Lê Tấn Thiên Vũ
Trước đây, mỗi ứng dụng thường sẽ chỉ phục vụ giải quyết một dịch vụ thì xu hướng mới công nghệ đa ứng dụng hay một ứng dụng có thể giải quyết đa dịch vụ từ đi lại, giao hàng, thanh toán, đặt món... tạo ra những tiện ích giải quyết nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dùng.
Sự phát triển của hệ sinh thái này sẽ thúc đẩy phát triển thanh toán di động. Với giao dịch không dùng tiền mặt, người tiêu dùng được tích điểm và quy đổi thành các dịch vụ khác, tăng sự tiện lợi và tính trung thành của người dùng.
Chiến lược phát triển hệ sinh thái trong đó có thanh toán di động là bệ phóng thúc đẩy chiến lược này. Người dùng, đối tác tài xế cũng như các doanh nghiệp nhờ đó có cơ hội tăng thêm thu nhập với lợi ích thanh toán không tiền mặt.
Ông Võ Quang Lâm (phó tổng giám đốc EVN):
Chấm dứt thu tiền điện tại nhà
Ông Võ Quang Lâm
Tỉ lệ hóa đơn tiền điện thanh toán qua ngân hàng, trung gian thanh toán tăng mạnh qua các năm, từ 14,88% số hóa đơn năm 2015 tăng lên 64% và hơn 81% tiền điện, trong đó phương thức không dùng tiền mặt là 54,64% về hóa đơn và 72,32% tiền điện. Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán tiền điện, năm 2019 EVN đã số hóa 100% nghiệp vụ kinh doanh và chăm sóc khách hàng không dùng tiền mặt, cung cấp dịch vụ điện trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngành điện sẽ làm việc với các ngân hàng, trung gian thanh toán để thay thế các điểm thu của điện lực. Ngoài ra, EVN khuyến khích khách hàng mở mới tài khoản và đăng ký trích nợ tự động tại tất cả các điểm giao dịch của điện lực, nhất là khách hàng mới đều sử dụng dịch vụ trích nợ tự động để thanh toán. Trong tương lai, khách hàng có thể thanh toán tiền điện qua cổng dịch vụ công quốc gia, qua QR code, qua mobile money.
Ông Nguyễn Kim Anh (phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước):
Nâng cao nhận thức của cộng đồng
Ông Nguyễn Kim Anh
Đây là năm thứ 2 chương trình Ngày không tiền mặt được tổ chức nhưng đã khẳng định được những ý nghĩa tích cực và nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp, chuyên gia và các cơ quan báo chí.
Đặc biệt hơn nữa, chương trình Ngày không tiền mặt năm nay đánh dấu 5 năm thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại VN giai đoạn 2016-2020, là dịp vừa nâng cao nhận thức của cộng đồng, vừa nhìn lại thành tựu, hạn chế để khắc phục.
Cơ sở pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện, tạo nền tảng cho hoạt động thanh toán nói chung, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ mới trong thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN cũng đã trình Chính phủ ban hành quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money)..., hạ tầng thanh toán tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện.
Ông Lê Thế Chữ (tổng biên tập báo Tuổi Trẻ):
Xây dựng xã hội số minh bạch
Ông Lê Thế Chữ
Nếu năm 2017, thanh toán không dùng tiền mặt còn khá xa lạ thì hiện tại đã rất phổ biến, đến cả gánh hàng rong, người bán bún, bán xôi. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, việc đi tắt đón đầu, sử dụng dịch vụ ngân hàng tương thích, hiện đại này không chỉ mang lại thuận tiện cho người dùng mà còn góp phần phát triển kinh tế VN.
Ngày không tiền mặt năm thứ 2 này diễn ra trong bối cảnh vừa trải qua giai đoạn giãn cách xã hội. Do vậy, việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt càng trở nên quan trọng và ý nghĩa. Chúng tôi tự tin với quyết tâm của Chính phủ cùng với truyền thông chủ động sẽ góp phần thúc đẩy tạo dựng xã hội số minh bạch, thuận tiện, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận