menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Tiến Thành

Thời kỳ “Mỹ bảo, OPEC nghe” đã qua

Không thể có một sự can thiệp chính trị nào từ Mỹ và phương Tây có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+. Nói cách khác, thời kỳ “Mỹ bảo, OPEC nghe” đã qua.

Các quốc gia thành viên OPEC+ đã nhất trí giảm sản lượng khai thác dầu 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022. Đây là mức giảm tối đa trong 2 năm qua. Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, quyết định này sẽ cho phép khôi phục sự cân bằng cung và cầu trên thị trường năng lượng toàn cầu trong giai đoạn bất ổn. Động thái này đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ.

Trước đó, Nhà Trắng đã cố gắng thuyết phục một số thành viên của OPEC+, trước tiên là Saudi Arabia, không cắt giảm sản lượng dầu vì điều này có thể khiến giá nhiên liệu tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Saudi Arabia không có lợi ích kinh tế và chính trị để tuân theo chỉ thị của Mỹ.

Đài Sputnik đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu các vấn đề quan hệ quốc tế và toàn cầu, chuyên gia Nguyễn Hồng Long, về quyết định của OPEC+ và tác động của quyết định đó đối với nền kinh tế toàn cầu.

Đánh giá về quyết định của OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 so với tháng 10/2022, tương đương 2% tổng nguồn cung dầu thế giới, chuyên gia Nguyễn Hồng Long cho rằng đây là điều đã được dự báo sau thất bại trong các chuyến công du của những người đứng đầu chính phủ Mỹ và Đức tới Saudi Arabia thời gian qua. Quyết định này càng cho thấy vị thế của Mỹ và phương Tây ở “rốn dầu” Trung Đông đã suy giảm nghiêm trọng. Về dài hạn, nó cũng báo hiệu sự sụp đổ không tránh khỏi của cơ chế “Petro-Dollar” (cơ chế đổi dầu lấy USD) vốn được Mỹ “phát minh” và duy trì từ ngày 15/8/1971.

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Long, nguyên nhân thứ nhất chính là hiệu ứng “đầu tàu”. Trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp trên thế giới đang trên đà phục hồi sau đại dịch COVID-19, công nghiệp năng lượng mà trong đó đặc biệt là ngành sản xuất dầu mỏ, khí đốt phải là ngành được phục hồi đầu tiên. Nền kinh tế thế giới cần phải có nguồn năng lượng dồi dào mới có thể vận hành được. Ở thời điểm hiện tại, có tới 2/3 cơ sở sản xuất trên thế giới dựa vào năng lượng dầu khí. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu và khí đốt cũng đang trong trạng thái phục hồi. Họ cần nhiều lợi nhuận để bù đắp những thiệt hại do thu hẹp sản xuất từ tác động của đại dịch COVID-19 gây ra trong suốt 2 năm qua. Các hoạt động đó bao gồm việc tái đầu tư để phục hồi sản xuất cũng như mở rộng sản xuất nguồn nhiên liệu chiến lược này.

Thứ hai, xuất phát từ nguyên nhân có tính quy luật ấy, quan điểm “giữ giá” của cộng đồng OPEC và các đối tác không chỉ là vấn đề bảo đảm lợi nhuận và tối ưu hóa lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất các nhiên liệu chiến lược trong khi chi phí sản xuất đã tăng lên sau đại dịch. Việc giữ cho giá dầu ổn định khi thị trường đã thiết lập mặt bằng giá mới có liên quan chặt chẽ đến sự phân chia lợi nhuận và phân chia thị trường một cách công bằng giữa các quốc gia trong khối OPEC cũng như các đối tác, qua đó cũng bảo đảm sự công bằng trong việc chia sẻ lợi ích giữa các quốc gia xuất khẩu dầu với các khách hàng của họ. Chính vì vậy, không thể có một sự can thiệp chính trị nào từ Mỹ và phương Tây có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của toàn khối. Có thể nói, thời kỳ “Mỹ bảo, OPEC nghe” đã qua. Và thời kỳ mà Mỹ thao túng giá dầu để gây sức ép với các đối thủ cạnh tranh chiến lược với Mỹ cũng như với các quốc gia “không nghe lời Mỹ” cũng đã qua.

Nguyên nhân thứ ba là do chính sách tăng lãi suất của Mỹ. Đối với Mỹ, việc tăng lãi suất là hành động bắt buộc để giảm thiểu lạm phát đang đe dọa nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, chính sách đó lại gây ra những thiệt hại cho nhiều lĩnh vực sản xuất trên thế giới, trong đó có lĩnh vực sản xuất dầu. Và để giảm thiểu thiệt hại này, OPEC và các đối tác không còn cách nào khác là phải giảm sản lượng để giữ giá bởi một quy luật đơn giản là khi giá dầu giảm thì sản xuất càng thiệt hại.

Nguyên nhân cuối cùng dẫn tới quyết định giảm sản lượng của OPEC+ là do dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong thời gian trước mắt. Các cơ quan dự báo kinh tế toàn cầu đã hạ mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 và năm tiếp theo từ mức 3,5% xuống 3,1%. Trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng suy giảm, sản xuất bị thu hẹp. Chỉ số PMI ở tất cả khu vực đều giảm. PMI toàn cầu tháng 8/2022 tiếp tục giảm xuống mức 50.3, mức thấp nhất trong vòng 26 tháng qua. Lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao, đặc biệt là ở khu vực châu Âu. Chính sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế toàn cầu là một trong những nguyên nhân khiến OPEC+ quyết định giảm sản lượng khai thác để bảo toàn lợi nhuận của họ.

Dự báo về giá dầu và khí đốt trên thị trường thế giới cũng như sự phục hồi của kinh tế toàn cầu trong thời gian tới, chuyên gia Nguyễn Hồng Long cho rằng trong thời gian trước mắt và lâu dài, giá dầu và khí đốt trên thế giới sẽ tiếp tục giữ mặt bằng giá mới, dao động ở mức từ 85-100 USD/thùng trong điều kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất. Ngược lại, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, giá dầu có thể giảm nhẹ trong ngắn hạn, nhưng OPEC sẽ lại tiếp tục cắt giảm sản lượng để giữ giá ổn định. Mặt khác, giá dầu khí cũng có thể có những biến động lớn, nhưng khả năng giảm giá là rất thấp, ngay cả khi xảy ra những biến động trên chính trường của các quốc gia thuộc OPEC.

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Long, không thể tính đến chuyện phục hồi nền kinh tế toàn cầu nếu ngành sản xuất dầu mỏ, khí đốt và các ngành sản xuất năng lượng khác chưa được phục hồi hoàn toàn. Vì vậy, mọi cố gắng của Mỹ và phương Tây tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc tiêu thụ năng lượng giá rẻ như trước đây để phục hồi phát triển các ngành chế tạo, cơ khí, điện tử, giao thông vận tải và các lĩnh vực dịch vụ không khác gì “đặt cái cày trước con trâu”. Thêm vào đó, tốc độ cũng như năng lực phục hồi của các nền kinh tế trên thế giới là không đều. Nền kinh tế toàn cầu chỉ có thể ổn định và phục hồi một cách vững chắc, công bằng và minh bạch khi khoảng cách và tốc độ phục hồi của các quốc gia được thu hẹp. Với việc OPEC+ giảm sản lượng khai thác dầu, sự phục hồi kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm lại nhưng bền vững hơn, công bằng hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả