Thời của “kỳ lân” công nghệ Việt đã qua?
Việt Nam vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Tân Sửu với làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 khi những ca nhiễm ở Hải Dương bùng phát và lan rộng. Các trường học, trước và sau Tết tại nhiều địa phương buộc phải chuyển sang học trực tuyến. Một lần nữa, ZoomMeeting (thường gọi là Zoom) và một số công cụ học tập hay hội nghị trực tuyến khác lại... gặp thời.
Zoom tỏa sáng nhờ... ăn may?
Quả thật, cho dù trong thời khắc muộn hơn của năm Covid-19 thứ nhất, Google (NASDAQ:GOOGL) Meet hay Microsoft (NASDAQ:MSFT) Team vượt tốc trong cuộc đua cung ứng ứng dụng thảo luận trực tuyến thì Zoom vẫn là cái tên không thể bỏ qua. Nói vậy là bởi sau những ngày đầu Zoom được “ôm ấp” như một giải pháp kịp thời của thời giãn cách, thông tin cảnh báo về độ bảo mật của ứng dụng này liên tục rộ lên. Cuối cùng, thay vì bỏ Zoom miễn phí vì sợ rủi ro, dân chúng thời đại dịch chuyển sang dùng Zoom bản quyền. Vì thế, Zoom gần như vẫn tiếp tục giữ vị trí thống soái, dù thị phần có chia sẻ bớt ít nhiều.
Vậy nên, có thể nói dịch Covid-19 là “thời” của Zoom. Khác với các nhà sản xuất vaccin, nơi mà cuộc cạnh tranh dù rất khốc liệt thì vẫn chỉ bắt đầu sau khi cơn dịch bùng phát; Zoom được cho là “phất” lên do... “ăn may” khi quyết định “đánh” vào thị trường này từ trước đó. Rồi ngay cả khi vaccin có thể “trị” tất cả các biến thể của virus Sars-CoV-2 đã “rộ” lên, và thời của giãn cách không còn thì Zoom vẫn có thể kỳ vọng không thể bị bỏ rơi mỗi khi có ai đó cần, vì lựa chọn đó đã là “niềm tin” như những gì đã diễn ra trong vòng hơn một năm qua.
Đương nhiên, dàn lãnh đạo của startup này đã không bỏ lỡ cơ hội để trở thành “một phần lựa chọn không thể thiếu” của các công ty, trường học, đơn vị và hội nhóm trong vòng hơn một năm qua. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử, Zoom chính thức xuất hiện vào năm 2013 từ một ý tưởng lãng mạn có từ hơn mười năm trước đó của nhà sáng lập.
Đến năm 2015, Zoom đã có trong tay một ngàn khách hàng doanh nghiệp với mười triệu người dùng và một tỉ phút họp. Đến năm 2017, Zoom được định danh là một “kỳ lân” trị giá hơn 1 tỉ đô la Mỹ và đạt mốc 16 tỉ đô la trong ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2019. Những gì diễn ra tiếp theo không đơn giản chỉ là hàng trăm triệu người dùng mỗi ngày trong “thời” Covid-19 mà là sự gia tăng giá cổ phiếu của Zoom cũng trở thành hiện tượng “Zoombombing”.
Có lẽ, Zoom không đơn giản chỉ... chờ thời mà còn kịp chuẩn bị, chỉ cần thời đến là “phất”. Điều này có thể được nhận thấy ở hai điều. Một, khác với các ứng dụng cùng thời như Viber, Skype, Whatapps..., Zoom đã sớm sáng suốt tạo ra độ xác tín (trust) trong cuộc hội thoại bằng cách thức giao tiếp trực diện (eyes-to-eyes) đầy sống động. Hai, Zoom đã không lơ là, bỏ qua và thiếu đầu tư chiều sâu vào thị trường hẹp về giao tiếp trực tuyến để rồi thành kẻ... đến sau.
Thực tế, khi mất đi vị thế tiên phong (frontier), các chàng khổng lồ Google, Microsoft... nghiễm nhiên trở thành kẻ yếu dù kịp bừng tỉnh để “bơm” mạnh GoogleMeet, Microsoft Team... vào sàn đấu. Dự báo thị trường, nhu cầu và xu thế phát triển luôn tìm kiếm “con mắt” nhìn tinh tường là vì vậy.
Startup Việt phải làm gì một khi lỡ đánh rơi một nhịp?
Nhưng điều đó cũng không có nghĩa, kẻ đến sau mất luôn niềm hy vọng. Nhiều người trông chờ các ứng dụng Việt, không thuần Việt thì ít ra cũng là ứng dụng mang dòng máu Việt dù có phát khởi từ vòng xoáy đổi mới sáng tạo của Thung lũng Sillicon (Mỹ), One-North (Singapore) hay bất kỳ một nơi nào khác.
Đúng lúc cơn dịch bùng phát trở lại, Quickom - một ứng dụng cho đào tạo từ xa và hội nghị trực tuyến như thế, xuất hiện và có... cơ may để quảng bá rộng rãi. Lật giở hồ sơ, quả thật, cái tên sáng lập viên chẳng phải “tay” vừa: William H. Nguyễn, tiến sĩ về khoa học tính toán tại Viện Nghiên cứu quốc gia Lawrence Livermore (Mỹ) và nghiên cứu sau tiến sĩ tại tổ chức Alfred P. Sloan tại Trường Y thuộc Đại học Harvard.
Đương nhiên, có thể rất “nóng” ở thời Covid-19 nhưng ngoài Quickom, The Beowulf Platform đã là một startup “mẹ” về dịch vụ đám mây phi tập trung với nhiều ứng dụng công nghệ được tung ra trước đó, như D’apps (công nghệ blockchains cho kinh doanh), BeowulfOS (hệ điều hành dành cho doanh nghiệp) hay Hana (nền tảng cung cấp dịch vụ y tế từ xa mà Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng). Nhưng dù gì thì cũng không thể phủ nhận rằng, Quickom đã xuất hiện đúng “điểm rơi” và hiện tại người dùng không khó để có thể “Google” và tải về sử dụng.
Bỏ qua yếu tố kỹ thuật, vì thật ra để cạnh tranh, đội ngũ kỹ sư IT của bất kỳ một sản phẩm nào cũng đều phải lưu ý điều này, lẫn những bất lợi của... người đến sau, Quickom hay bất kỳ một “apps” nào khác cũng cần phải đủ khôn ngoan để tận dụng tối đa lợi thế thị trường lẫn đặc thù mô hình kinh doanh.
Tạm bỏ qua tính “Việt”, Quickom dù gì cũng là một startup công nghệ quốc tế khi tất cả mọi phát khởi đều từ Thung lũng Sillicon và đang chờ cấp bằng sáng chế tại Mỹ. Ngay cả khi đẩy mạnh chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam bằng chính ngôn ngữ Việt, hay khu vực Đông Nam Á đi chăng nữa, thì Quickom cũng không thể dễ dàng bỏ qua tính quốc tế này để định vị kích cỡ thị trường (market size) cho sản phẩm là toàn cầu.
Chắc chắn, “cho không biếu không”, có thể chỉ ở những ngày đầu, cũng không thể bị xem là hoang phí. Tất cả những điều này đang dần mở ra một con đường mới cho Quickom, lẫn các ứng dụng Việt như đã nói.
Nếu như Zoom xem Covid-19 là thời của mình - ít ra cũng trong vòng mười hai tháng qua thì làn sóng bùng dịch lần thứ 3 có thể mở ra một cơ hội mới để các startup mới, trong đó có cả các startup Việt... xuất chiêu trong năm nay hay những năm sau nữa.
Không nắm bắt được cơ hội như người ta thì “trái đắng” của sự lơ là này âu cũng là một dịp để các startup Việt ngộ ra tầm quan trọng trong việc nắm bắt thiên thời kịp lúc. Cho dù có thể lội ngược dòng cũng đâu dễ thành công bằng việc có đủ “binh lính” để tung liên hoàn cước ngay từ đầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận