Thời cơ thị trường tranh Việt
Vào ngày 10/12/2019, theo dự kiến, tại Paris sẽ khởi động cuộc bán đấu giá với số lượng lớn tác phẩm nghệ thuật Việt Nam nhân kỷ niệm 2 năm ngày thành lập nhà đấu giá R&C. Nhân dịp này, hai nhà đấu giá Romain RUDONDY & Yonathan CHAMLA đã có cuộc trò chuyện cởi mở với chúng tôi.
Ông có thể giới thiệu vài nét về R&C?
CHAMLA: R & C thành lập vào cuối năm 2017, được lấy từ hai chữ cái đầu của RUDONDY và CHAMLA. Chúng tôi hiện là hai nhà đấu giá trẻ đã có chỗ đứng tại Paris. Trước đó, cả hai đều đã tốt nghiệp cử nhân luật và cử nhân lịch sử nghệ thuật. Ở Pháp hiện có tất cả 350 đấu giá viên, mổi năm lại có thêm 20 thành viên mới gia nhập, thế nhưng hiện nay chỉ có 5 người dám “lội ra biển cả” để thành lập công ty như R&C.
Với tư cách giám đốc điều hành R&C, ông nhận định như thế nào về thị trường tranh Việt?
RUDONDY: Đối với thị trường tranh Việt Nam, các nhà sưu tập để tránh mạo hiểm, chỉ thường mua tranh của các bậc thầy của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mà bỏ qua các trường phái khác ở miền Nam. Trong khi đó, Trường vẽ Gia Định được thành lập năm 1913, trước cả trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Hoặc khi tiếp cận tranh của các hoạ sĩ Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Văn Minh, Lê Văn Đệ, Ngô Viết Thụ, Lê Văn Mậu… ít ai nghĩ rằng họ được đào tạo từ Trường Quốc gia cao đẳng Mỹ thuật được thành lập tại thành phố Sài Gòn năm 1954. Ở miền Trung, Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế được thành lập năm 1957, tuy kém tuổi đời hơn, nhưng cũng là nơi ươm tạo không ít tài năng. Nhiều tên tuổi của trường như các hoạ sĩ Tôn Thất Đào, Đinh Cường, Nguyên Khai, Phạm Đăng Trí, Phan Xuân Sanh và Mai Trung Thứ... một thời đã hâm nóng bầu không khí mỹ thuật Huế và miền Nam… Nói chung, thị trường tranh Việt khá tiềm năng và phong phú.
Còn cách thức tuyển chọn các hiện vật nghệ thuật để thiết lập một cuộc bán đấu giá, thưa ông?
RUDONDY: Chúng tôi làm rất nhiều quảng cáo trên mạng xã hội, trên các báo địa phương của nước Pháp và nhất là tại Paris để truy tìm kho báu. Từ các cuộc di dân đến Pháp, nhiều hiện vật nghệ thuật mà phần lớn là tranh nghệ thuật của các hoạ sĩ nổi tiếng từ Việt Nam đã được đem về Pháp và vì vậy, chúng tôi có thể quả quyết rằng có một nguồn cung cấp tranh Việt dồi dào ở Pháp, nhưng không chỉ giới hạn ở Pháp, chúng tôi còn có những chuyến điền dã đến Anh, Ý, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha để tìm. Có thể nói, ở Pháp đã có một văn hóa truyền thống đấu giá và điều này khiến người bán tranh nước ngoài rất tin tưởng khi giao phó lô hàng cho các nhà đấu giá Pháp.
Làm thế nào để định giá được một bức tranh này hơn một bức tranh khác?
CHAMLA: Thị trường đấu giá là một thị trường theo cung - cầu thuần túy. Bạn có thể chắc chắn đạt được giá cao với một nghệ sĩ hoặc một tác phẩm nào đó nếu giao tiếp đã được phối hợp hoàn hảo. Và điều chắc chắn là ngày nay, đối với một thị trường tranh nghệ thuật như Việt Nam, tranh của người họa sĩ được đánh giá cao nhờ tài năng và tư duy hiện đại của họ. Thị trường này không có sự đầu cơ như chúng ta thường thấy trong nghệ thuật đương đại của một số nghệ sĩ trẻ.
Hiện nay, theo ông, những nhà sưu tập nào dành nhiều quan tâm đến tác phẩm nghệ thuật Việt Nam?
CHAMLA: Ngày nọ, chúng tôi có đọc quyển sách với tựa đề Art Business của tác giả Judith Benhamou-Huet nói rằng, người Pháp thường mua đồ vật Pháp, người Nga mua đồ vật của Nga, người Trung Quốc mua đồ vật Trung Quốc và thời điểm đó, chúng tôi đã chắc chắn điều đó cũng giống với nghệ thuật Việt Nam. Nhưng may mắn thay, ở châu Âu, chúng tôi lại có thể thu thập tất cả mọi thứ, và vì vậy cả Pháp và châu Âu đều trong tư thế có thể sưu tập các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam. Việt Nam gợi lên cảm hứng như một giấc mơ, cánh đồng lúa, cảnh quan làng quê và cư dân Việt.
Lời khuyên nào dành cho các nhà sưu tập Việt Nam về khả năng truy tìm nguồn gốc của bộ sưu tập của họ?
RUDONDY: Với các nhà sưu tập, họ nên giữ tối đa thông tin về các tác phẩm của mình: nguồn gốc, hình ảnh, tài liệu, hóa đơn... Điều này sẽ đảm bảo tính trung thực của tác phẩm và cho phép truy tìm trong trường hợp giao lưu và kinh doanh.
Xin chúc cuộc đấu giá của R&C diễn ra thành công tốt đẹp!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận