menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trung Nguyên

Thời cơ của dầu mỏ vùng Vịnh đã tới?

Vai trò định hướng thị trường năng lượng của các nhà sản xuất dầu mỏ vùng Vịnh trong cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay gợi nhớ đến vị thế trung tâm của họ trong cuộc Chiến tranh Arab-Israel vào những năm 1970. Sự biến động của giá dầu trong tuần qua là một hiện tượng bị chi phối mạnh bởi những diễn biến đang xảy ra ở Ukraine.

Việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt liên tiếp của phương Tây nhằm bóp nghẹt nền kinh tế nước này đã gây tác động xấu đến thị trường năng lượng toàn cầu. Giá dầu liên tiếp xác lập các mức kỷ lục, trong khi giá khí đốt tự nhiên cũng tăng gần gấp đôi trong vài tuần đầu tiên cuộc xung đột nổ ra.

Các chuyên gia phân tích, kinh tế học và chính trị gia phương Tây bắt đầu đưa ra những đánh giá về sự tương đồng của thị trường dầu mỏ hiện nay với cú sốc "vàng đen" năm 1973. Vào thời điểm đó, 6 thành viên Arab trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã quyết định đình chỉ xuất khẩu dầu tới các khách hàng Mỹ và phương Tây do những nước này ủng hộ Israel trong cuộc Chiến tranh Arab-Israel vào tháng 10/1973.

Cuối năm đó, giá dầu tăng gần gấp 4 lần. Những diễn biến lịch sử này cho thấy vai trò của các nhà sản xuất dầu mỏ vùng Vịnh đằng sau cú sốc "vàng đen" nói trên.

Trở lại tình hình hiện nay, Nga là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới. Vì vậy, khi Mỹ và Anh tuyên bố ngừng nhập khẩu dầu khí Nga, thị trường ngay lập tức bị đẩy giá lên quá cao.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cố gắng thuyết phục các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt của OPEC, đặc biệt là Saudi Arabia, tăng sản lượng để kéo giá "vàng đen" giảm xuống. Tuy nhiên, những nỗ lực này của Mỹ cho đến nay không mang lại kết quả. Saudi Arabia tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận giữa OPEC và các nhà sản xuất đồng minh khác, trong đó có Nga (nhóm OPEC+), nhằm ổn định thị trường năng lượng.

Trong bối cảnh giá dầu leo thang, Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Mỹ Youssef Al-Otaiba đã bất ngờ đưa ra tuyên bố "hạ nhiệt" thị trường. Ngày 9/3 vừa qua, ông Al-Otaiba khẳng định UAE ủng hộ việc tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC xem xét mức sản xuất cao hơn.

Theo nhà ngoại giao UAE, quốc gia này là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy và có trách nhiệm cho các thị trường toàn cầu trong hơn 50 năm qua.

Ông đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng sự ổn định trên thị trường năng lượng là rất quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE ông Suhail Al-Mazrouei đã viết trên Twitter rằng UAE tin tưởng vào giá trị mà OPEC+ mang lại cho thị trường dầu mỏ. Ông nói thêm rằng UAE cam kết tuân thủ thỏa thuận với OPEC+ và cơ chế điều chỉnh sản lượng hàng tháng hiện nay.

Mặc dù thông điệp của của Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE có những điểm đi ngược với tuyên bố của Đại sứ UAE tại Mỹ, song về cơ bản thông điệp này phù hợp với quan điểm của Saudi Arabia là tôn trọng mức sản lượng hiện tại, vốn đã được thống nhất với Nga và các đối tác OPEC khác.

Bất chấp những diễn giải chính trị về động thái của các nhà sản xuất dầu vùng Vịnh, được một số người coi là ủng hộ Nga hơn chính quyền ông Biden, những diễn biến này cho thấy động lực thúc đẩy nguồn cung và nhu cầu trên thị trường năng lượng. Các yếu tố cơ bản về cung và cầu cho thấy quan điểm của OPEC+ vẫn rất thận trọng trước bất kỳ sự gia tăng sản xuất không cần thiết nào, nhân tố có thể dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung và đổ vỡ giá dầu trong tương lai.

Thông điệp trái chiều của UAE cũng khiến một số nguồn dư luận bày tỏ quan ngại về mối quan hệ giữa hai đồng minh UAE và Saudi Arabia. Các phương tiện truyền thông xã hội đối lập đã khai thác luận điểm này, đặc biệt là những tiếng nói ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo. Tuy nhiên, một nguồn thạo tin ở Abu Dhabi đã tiết lộ rằng sự phối hợp giữa Saudi Arabia và UAE vẫn chặt chẽ như thường lệ.

Đối với Mỹ, chính quyền Washington đang lo lắng giá xăng trong nước quá cao sẽ làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng, thúc đẩy lạm phát và có thể khiến đảng Dân chủ phải trả giá đắt trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay. Vì vậy, Mỹ muốn các nước vùng Vịnh tăng sản lượng dầu mỏ để hỗ trợ cho chính quốc gia này.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất vùng Vịnh bị ràng buộc bởi thỏa thuận ổn định thị trường và họ sẽ tôn trọng điều đó. Giới phân tích cho rằng, tuyên bố của Đại sứ UAE tại Mỹ có thể chỉ là động thái để "xoa dịu" người Mỹ, nhưng quyết định thực tế sẽ dựa trên thông tin thị trường và phân tích của các chuyên gia.

Trên thị trường khí đốt, Washington đang liên hệ với Qatar để tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Chưa rõ Qatar liệu có thể bù đắp được bao nhiêu tổn thất về nguồn cung khí đốt của Nga, bởi khả năng cung cấp khí đốt dự phòng tối đa của nước này hiện là khoảng 11 tỷ m3 và ngay cả khi bổ sung công suất dự phòng khoảng 4 tỷ m3 từ Algeria thì đó vẫn sẽ là một phần nhỏ so với những gì châu Âu nhập khẩu mỗi năm từ Nga. Ước tính, châu Âu nhập khẩu gần 40% khí đốt từ Nga và con số này lên tới 360 tỷ m3/năm.

Mặc dù các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt vùng Vịnh có thể trở thành tâm điểm của thị trường giống như năm 1973, nhưng sự so sánh có thể không còn chính xác trên một số khía cạnh. Thứ nhất, thế giới hiện đã có các nguồn năng lượng khác ngoài nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù năng lượng tái tạo vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ 15-20% trong cán cân tiêu thụ năng lượng toàn cầu, song triển vọng đầu tư vào nguồn năng lượng sạch như năng lượng Mặt Trời hay điện Gió vẫn rất tiềm năng.

Thứ hai, trong những năm 1970, việc ngừng xuất khẩu năng lượng xuất phát từ chính các nhà sản xuất vùng Vịnh, trong khi hiện nay chính phương Tây đang tự gây ra sự gián đoạn giao thương năng lượng thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm cô lập Nga. Cuối cùng, vẫn còn sớm để dự đoán liệu giá dầu mỏ và khí đốt có tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới hay không.Tuy nhiên, khi những căng thẳng còn tiếp diễn và các lệnh trừng phạt bắt đầu gây ra ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu - không chỉ ở Nga hay phương Tây, các công ty năng lượng lớn của vùng Vịnh đã và đang thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại