24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Hùng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thời bình, doanh nhân vẫn cần nhất là "được bảo vệ"

Tại cuộc gặp với Thủ tướng sáng 17-6 ở Hà Nội, một doanh nhân đã nhắc lại hàng loạt từ khoá mà Thủ tướng từng nêu ra để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đó là "bình đẳng", "được bảo vệ", "khích lệ", "trao cơ hội". Theo doanh nhân này, thứ mà họ cần nhất bây giờ là "được bảo vệ".

Vì sao trong thời bình, doanh nhân, doanh nghiệp lại cần "được bảo vệ" đến thế? Các doanh nghiệp cho biết, họ luôn mong mỏi có được một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và công bằng. Để làm được điều đó, cần phải có một hệ thống pháp lý hiệu lực, hiệu quả. Nhưng kể cả khi các quy định pháp luật có đủ rồi, cũng cần phải có lực lượng thực thi công minh, chính trực.

Trên thực tế, vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải không chỉ là một nền tư pháp thiếu và yếu, mà cả những yếu tố tiêu cực, tham nhũng, cách hành xử không đúng mực từ phía lực lượng thực thi công vụ.

Chỉ vài ngày trước, dư luận đã bàng hoàng khi một đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị bắt quả tang vòi tiền, nhận hối lộ một cách công khai khi đang làm nhiệm vụ tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngay cả cán bộ thanh tra mà còn hành sự như thế thì ai còn tin vào các cơ quan "cầm cân nảy mực"?

Trong con mắt của doanh nghiệp, các hoạt động thanh tra, kiểm tra, từ lâu nay thay vì để phát hiện sơ hở, sai sót, giúp thực hiện đúng quy định của pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân lại bị biến tướng thành hành vi nhũng nhiễu với đủ hình thức, muôn hình vạn trạng mà vụ việc ở Vĩnh Phúc vừa qua chỉ là một ví dụ.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM, đưa ra một con số đáng giật mình: có 52% trong số 10.000 doanh nghiệp được khảo sát xác nhận phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra.

Đương nhiên, khi doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền một cách có chủ ý cho cán bộ thanh tra là họ muốn được bỏ qua những "sai sót". Nhưng cũng có những doanh nghiệp làm ăn tử tế đã phải điêu đứng vì sự soi mói của lực lượng thực thi dựa vào hệ thống luật lệ phức tạp, không rõ ràng và thiếu minh bạch.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kể, có những doanh nhân "tố" với ông rằng, trong vòng 3 tháng, công ty của họ bị thanh tra, kiểm tra tới hơn 20 lần.

Mặc dù Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20 năm 2017 yêu cầu "không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá một lần mỗi năm đối với doanh nghiệp", song theo các báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), do VCCI tiến hành cho thấy, tỉ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong những năm qua vẫn còn tới 40%.

Vụ thanh tra hệ thống cửa hàng Con Cưng gần đây cũng là một trường hợp điển hình, để lại nhiều tai tiếng về cách hành xử của lực lượng chức năng, với tổng cộng 195 cuộc kiểm tra, niêm phong, thu giữ hàng trăm ngàn sản phẩm. Điều đáng nói là các cuộc thanh tra rất kỹ lưỡng này xuất phát từ khiếu nại của một khách hàng khi nghi ngờ, sản phẩm áo thun mà người này mua bị cắt tem nhãn gốc, thay thế bằng tem xuất xứ "Made in Thái Lan".

Sau các hoạt động thanh tra, kiểm tra, thu giữ, niêm phong rầm rộ được công bố rộng rãi trên truyền thông, thậm chí được tường thuật trực tiếp trên mạng, đoàn kiểm tra kết luận rằng doanh nghiệp đã "cơ bản chấp hành đúng pháp luật", và chỉ có một vài sai sót về nội dung tem nhãn.

Được vạ thì má đã sưng. Con Cưng cho biết đợt kiểm tra vừa qua đã khiến doanh nghiệp lao đao, doanh số giảm 1-2 tỉ/ngày, lượng khách giảm ngay 20%. Còn hai lãnh đạo của đoàn thanh tra thì chỉ bị "phê bình" và "rút kinh nghiệm".

Không phải ngẫu nhiên mà vị doanh nhân tiêu biểu được mời tới gặp Thủ tướng hôm 17-7 lại chọn cụm từ "được bảo vệ" là thứ mà họ thấy cần thiết nhất hiện nay, ngay trong thời bình này. Trao đổi với Thủ tướng, các doanh nghiệp cam kết, "nếu được tạo thuận lợi", kinh tế tư nhân có thể đóng góp tới 80% GDP chứ không chỉ 40% như hiện nay. Các doanh nhân mong muốn Chính phủ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng để doanh nghiệp phát triển.

Để có được sự công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp, thì không chỉ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, mà cần nhất là sự liêm chính của những người thực thi pháp luật.

Các doanh nghiệp nhiều lúc đã phải chua chát thốt lên rằng, chỉ cần cán bộ công chức trong bộ máy chính quyền không nhũng nhiễu, hù doạ, vòi vĩnh… cũng đã là "tạo thuận lợi" rất nhiều cho doanh nghiệp rồi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả