24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngô Vũ Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thoát nghèo giữa 'vùng đất chết' nhờ cây thanh long ruột đỏ

Thượng nguồn sông Lam có một vùng đất phía dưới toàn đá, không thể canh tác, khiến nhiều người phải bỏ xứ ra đi. Nhưng nhờ cây thanh long ruột đỏ, những người ở lại đã có thu nhập và thoát nghèo.

Đó là câu chuyện ở thôn Bãi Sở (xã Tam Quang, H.Tương Dương, Nghệ An).

Tìm nguồn sống ở “vùng đất chết”

Bãi Sở là một vùng đất bằng phẳng, nằm ở tả ngạn thượng nguồn sông Lam. Thoạt nhìn, vùng đất này trông có vẻ trù phú, màu mỡ. Thế nhưng, bên dưới lớp đất mỏng là đá.

Ông Tống Văn Chiến, một cư dân của thôn Bãi Sở, người đã đưa cây thanh long ruột đỏ về “vùng đất chết” này, cho biết cư dân của xóm hầu hết là người gốc gác từ các huyện miền xuôi Nghệ An đi kinh tế mới từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Khi gia đình ông di cư đến đây, ông đang là đứa trẻ. “Trồng cây ngô, chỉ một thời gian ngắn, nắng nóng khiến cây chết khô vì thiếu nước. Dân chúng tôi gọi là vùng đất chết, vì trồng cây gì cũng không sống được”, ông Chiến nói.

20 năm trước, cả thôn Bãi Sở chỉ có khoảng 10 hộ có giếng nước. Những gia đình này sống ven rừng, nơi có mạch nước ngầm. Ông Chiến cho biết, để đào được giếng nước ở đây là việc hết sức khó khăn, bởi dưới đất là lèn đá dày hàng chục mét. Sau khi dò được điểm có mạch nước, họ phải thuê người đào cả tháng mới xong. “Thời điểm đó, để đào được cái giếng, chi phí bằng xây một ngôi nhà”, ông Chiến kể.

Thiếu nước sinh hoạt, đất đai khô cằn, sau hơn 20 năm chọn Bãi Sở làm “vùng đất hứa”, nhiều gia đình đã phải ra đi. Theo ông Chiến, sau năm 1990, khoảng một nửa dân của Bãi Sở đã phải bỏ đi, phần lớn vào Tây nguyên lập nghiệp. “Tôi cũng tính sẽ vào Gia Lai, nhưng rồi nấn ná chưa muốn đi vì vốn liếng quá ít”, ông Chiến nói.

Bám trụ lại Bãi Sở, ông Chiến tìm đến nhiều địa phương khác để chọn giống cây phù hợp với mảnh đất này. Thấy loại cây nào khá phù hợp, ông đều mang về thử nghiệm, nhưng đều thất bại. Cuộc sống trở nên khó khăn, ông bươn chải đủ nghề để kiếm sống.

Năm 2000, ông Chiến quyết định chọn cây vải thiều. Ông ra Hải Dương mua hơn 70 cây giống về trồng và hàng ngày hì hục chăm sóc, theo dõi. Để có nước tưới cho cây, ông mua hơn 1,5 km đường ống để dẫn nước từ khe trên núi xuống. Đường ống nước này chạy qua nhiều nhà khác. Vì thiếu nước, người dân ở dọc đường ống chạy qua nhiều lần cắt ống trộm nước. Ông Chiến sau đó phải kêu gọi nhiều hộ dân khác cùng chung tiền để đầu tư đường ống lớn hơn, đủ cho nhiều hộ cùng sử dụng. Tất cả số tiền mua đường ống ban đầu đều do ông Chiến bỏ, người dân sau đó trả dần cho ông.

Cây vải thiều được chăm sóc nên phát triển tốt, sum suê nhưng rất ít quả. 70 gốc vải với bao nhiêu tiền bạc, tâm huyết và sức lực, nhưng mỗi năm chỉ thu được hơn 1 triệu đồng.

Thành công từ thanh long ruột đỏ

Năm 2009, một người quen cho ông Chiến 15 cây thanh long trắng từ Bình Thuận để trồng thử nghiệm. Chỉ sau ít tháng, loại cây này bắt đầu cho quả. Nhận thấy thanh long thích hợp với vùng đất này, ông Chiến bắt đầu tìm tòi. Ông vào Bình Thuận học tập kinh nghiệm.

Năm 2013, ông quyết định đào bỏ 70 gốc vải thiều đã 10 năm tuổi để trồng thanh long ruột đỏ. Năm đầu tiên, gia đình ông bán được 3 triệu đồng, gấp đôi thu nhập của cả vườn vải 70 cây. Năm thứ 2, ông Chiến bán được 30 triệu đồng tiền thanh long. Tiếp tục mở rộng đầu tư, những năm sau đó, thu nhập của gia đình ông tăng lên nhiều lần.

Với 700 cây thanh long, mỗi năm ông Chiến thu hoạch khoảng từ 7 đến 8 lứa, từ tháng 3 đến tháng 11. Trung bình mỗi năm, gia đình ông bán được khoảng 7 tấn thanh long ruột đỏ, thu về khoảng 150 triệu đồng.

Loại quả này đầu ra tốt. Mỗi lần thu hoạch, ông chỉ cần thông báo trên mạng xã hội là có người đến tận nơi thu mua. Giá thanh long trong mấy năm qua khá ổn định, từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Ông Chiến cũng cho biết, khó khăn nhất khi trồng thanh long ruột đỏ là sâu bọ, đặc biệt là ốc sên quấy phá. “Tôi phải thức cả đêm để bắt sâu và ốc sên, dù vất vả nhưng chúng tôi quyết không dùng thuốc trừ sâu”, ông Chiến nói.

Từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Chiến thành công, nhiều hộ khác ở Bãi Sở cũng trồng theo. Đến nay, có gần 50 hộ dân ở Bãi Sở và 2 bản khác ở xã Tam Quang trồng thanh long ruột đỏ với diện tích gần 8 ha.

Bà Kha Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, cho biết thanh long ruột đỏ là loại cây ăn quả kinh tế nhất của xã hiện nay. Cây thanh long đã giúp người dân xóa nghèo, nhiều gia đình đã khấm khá. Gần đây, người dân ở các xã lân cận cũng đến tìm hiểu để trồng loại cây này.

Năm 2020, sản phẩm thanh long Tam Quang đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP. “Chúng tôi đã gửi hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh với mục tiêu nâng tầm giá trị của thanh long ruột đỏ trên vùng đất khó khăn này”, bà Hiền nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả