Thỏa thuận nâng trần nợ công Mỹ: Sóng gió chưa ngừng
Chỉ còn vài ngày để thông qua dự luật tăng trần nợ công đang ở mức 31.400 tỷ USD, nhưng Quốc hội Mỹ vẫn đang chia rẽ một cách sâu sắc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 28/5 đã hoàn tất thỏa thuận ngân sách với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy để đình chỉ trần nợ 31.400 tỷ USD cho đến ngày 1/1/2025. Theo ông Biden, thỏa thuận này đã sẵn sàng để chuyển sang Quốc hội biểu quyết.
“Đây là tin tốt cho người dân Mỹ”, ông Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng sau cuộc điện đàm với ông McCarthy để hoàn tất thỏa thuận mà họ đã đạt được vào tối 27/5 sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng.
Tuy nhiên, đạt được thỏa thuận là một chuyện, nhưng vượt qua sự chia rẽ chính trị và các rào cản thủ tục tốn thời gian để thông qua luật trước ngày 5/6 là để ngăn Mỹ vỡ nợ là một thách thức hoàn toàn khác.
Phản đối gay gắt
Thỏa thuận đạt được hôm 27/5 đã vấp phải sự phản đối từ các thành viên cả hai đảng ở Hạ viện, làm dấy lên nghi ngờ liệu thỏa thuận này có đảm bảo số phiếu để Quốc hội thông qua và ngăn chặn tình trạng vỡ nợ trước ngày 5/6 hay không.
Các đảng viên Cộng hòa bảo thủ cho biết, dự luật không tạo ra quy mô cắt giảm chi tiêu mà họ mong muốn, trong khi các đảng viên Dân chủ cấp tiến bày tỏ sự khó chịu với các yêu cầu mở rộng đối với chương trình hỗ trợ thực phẩm cũng như các nhượng bộ khác của Nhà Trắng.
Khi được hỏi liệu ông có phải nhượng bộ quá nhiều để nhận được sự đồng ý từ các đảng viên Cộng hòa hay không, Tổng thống Joe Biden chỉ trả lời đơn giản: “Không có”. Ảnh: The Guardian
“Thỏa thuận này là điều điên rồ. Việc tăng trần nợ 4.000 tỷ USD mà hầu như không cắt giảm không phải là điều chúng tôi đã thống nhất. Tôi sẽ không bỏ phiếu để khiến quốc gia phá sản. Người dân Mỹ xứng đáng được nhiều hơn thế”, hạ nghị sĩ Ralph Norman viết trên Twitter.
Hạ nghị sĩ Ralph Norman, một thành viên của nhóm nghị sĩ bảo thủ House Freedom Caucus cho biết, ông sẽ không ủng hộ dự luật và hy vọng đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu bác bỏ nó. “Tất cả những gì cần làm là đưa nó trở lại vòng đàm phán. Thà không có thỏa thuận nào còn hơn là có được một thỏa thuận tồi”, ông Norman phản đối dự luật mới với giọng điệu gay gắt.
Thỏa thuận mới sẽ nâng trần nợ cho đến ngày 1/1/2025, giới hạn chi tiêu ngân sách năm 2024 và 2025, thu hồi các quỹ hỗ trợ Covid-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quy trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và đưa ra các yêu cầu làm việc bổ sung cho các chương trình hỗ trợ lương thực cho người Mỹ nghèo.
“Đây là một chính sách khủng khiếp. Tôi đã nói với ngài Tổng thống là điều này đang nói với những người nghèo và những người đang gặp khó khăn rằng chúng tôi không tin tưởng họ”, bà Pramila Jayapal, đảng viên đảng Dân chủ bức xúc khi nói đến những yêu cầu mới đối với những người nhận hỗ trợ thực phẩm và các chương trình phúc lợi công cộng khác.
Câu hỏi còn bỏ ngỏ
Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện với tỉ số 222-213, trong khi Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện với tỉ số 51-49. Những con số này có nghĩa là những các thành viên ôn hòa ở cả hai đảng sẽ phải ủng hộ dự luật trong trường hợp nó bị những người theo đường lối cứng rắn ở một hoặc cả hai bên phản đối.
“Không ai có được mọi thứ mà mình muốn, nhưng trách nhiệm của những người quản lý là tránh được mối đe dọa của một vụ vỡ nợ thảm khốc”, ông Biden chia sẻ khi kêu gọi các nhà lập pháp phê chuẩn thỏa thuận.
Khi được hỏi liệu ông có nhượng bộ quá nhiều để nhận được sự đồng ý từ các đảng viên Cộng hòa hay không, ông Biden chỉ trả lời đơn giản: “Không có.”
Trong khi đó, ông McCarthy đã bác bỏ các mối đe dọa chống đối trong nội bộ đảng của mình, cho rằng hơn 95% đảng viên Cộng hòa “vô cùng phấn khích” về thỏa thuận này.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho rằng hơn 95% đảng viên Cộng hòa “vô cùng phấn khích” về thỏa thuận mà ông và Tổng thống Joe Biden đạt được tối 27/5. Ảnh: Bloomberg
Ngoài ra, một số thành viên của đảng Cộng hòa cũng tỏ ra cởi mở đối với thỏa thuận. Hạ nghị sĩ Dusty Johnson, một trong những nhà đàm phán hàng đầu của đảng Cộng hòa về thỏa thuận này cho biết, chỉ có những người bảo thủ nhất mới phản đối thỏa thuận này, và những phiếu bầu đó chưa bao giờ thực sự có tác dụng.
Thỏa thuận này cần 218 phiếu bầu tại Hạ viện gồm 435 thành viên để được thông qua, sau đó nó sẽ được chuyển tới Thượng viện trước khi tới bàn làm việc của ông Biden.
Sự phản đối của các đảng viên bảo thủ nhất tại Hạ viện không phải là điều nằm ngoài dự kiến. Do đó, Nhà Trắng cho rằng có thể cần tới 100 phiếu bầu của đảng Dân chủ tại Hạ viện để thỏa thuận trần nợ có thể tiến triển.
Theo ông Biden, liệu thỏa thuận có được Quốc hội thông qua hay không vẫn là một câu hỏi mở. “Tôi không biết liệu ông McCarthy có thu thập đủ phiếu bầu hay không. Tôi hy vọng ông ấy sẽ làm dược”, vị Tổng thống cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận