24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đoan Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thỏa thuận lịch sử về cải cách thuế toàn cầu: Bao giờ cho được công bằng?

G7 đạt thỏa thuận lịch sử về cải cách thuế toàn cầu là một 'khoảnh khắc lịch sử' nhưng nó vẫn là điều rất không công bằng.

Lãnh đạo các nước G7, gồm: Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh, và Mỹ đã ủng hộ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% do Mỹ đề xuất, nhằm tạo sân chơi bình đẳng trong thu hút những tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, với tư tưởng cốt lõi là hướng tới giảm thiểu tình trạng các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận về các thiên đường thuế (nơi có thuế suất thấp, hoặc miễn thuế).

Đồng thời, một số nền kinh tế hy vọng sẽ thu được thêm nhiều tiền thuế hơn khi doanh thu phát sinh ở nước họ.

Điểm khởi đầu hy vọng

Như vậy sau gần 10 năm thảo luận (bắt đầu từ 2013) Mỹ và các nước G7 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử để cải cách hệ thống thuế toàn cầu phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số và quan trọng là đảm bảo công bằng rằng, “doanh nghiệp phải trả thuế tương xứng về đúng nơi quy định”, như cách mà Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak phát biểu.

Theo đó, tiến bộ quan trọng về thuế lần này là “một cách đánh thuế công bằng hơn”. Bởi Thỏa thuận buộc các công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận nhiều nhất sẽ bị đánh thuế ở quốc gia mà họ có hoạt động kinh doanh, chứ không phải nơi đăng ký kinh doanh, hay đặt trụ sở.

Như vậy, với thỏa thuận mới, các công ty phải đóng nhiều thuế hơn ở quốc gia mà công ty trực tiếp bán sản phẩm hoặc dịch vụ, bằng ít nhất 10% lợi nhuận biên. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nói trên, 20% của các khoản lợi nhuận trên mức lợi nhuận biên 10% này, sẽ được phân bổ lại và đánh thuế tại các quốc gia mà công ty đăng ký hoạt động.

Theo đó, tình trạng “hội nhà giàu” như Google, Microsoft, Amazon, Facebook... đang tận dụng “lỗ hổng” đặt trụ sở ở những thiên đường thuế để phải trả rất ít thuế hoặc thậm chí là không mất đồng nào, cần phải được chấm dứt.

Ở khía cạnh khác, G7 muốn thống nhất một mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% để tránh việc các nước cạnh tranh nhau bằng một “cuộc chạy đua xuống đáy”- các nước đua nhau hạ thuế suất để cạnh tranh thu hút các công ty về mở trụ sở nhằm thu được thuế.

Mỹ đã chấp nhận nhượng bộ không ít trong vấn đề này, vì các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn chính là các ông lớn ngành công nghệ của Mỹ. Đổi lại, có thể các nước châu Âu sẽ bỏ đi một số khoản thuế đánh lên các giao dịch số. Mặt khác, với việc đồng ý thỏa thuận thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu giữa các nước G7, Mỹ có thể yên tâm tăng thuế trong nước mà không sợ bị các nước khác hạ thuế quá thấp khiến các doanh nghiệp rời khỏi nước Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng, cam kết của G7 đối với mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% là “điểm khởi đầu”, đồng thời khẳng định “sẽ đấu tranh để đảm bảo rằng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu này càng cao càng tốt”.

Với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, động thái này sẽ “giúp nền kinh tế toàn cầu phát triển mạnh, bằng tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp và khuyến khích các nước cạnh tranh trên những cơ sở tích cực”. Đề xuất của Mỹ tập trung vào hai mục đích chính là thiết lập một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và thay đổi các quy tắc đặc biệt về thu thuế doanh nghiệp và nơi nộp thuế.

Về phía doanh nghiệp, các ông lớn công nghệ như Facebook, Google hay “gã khổng lồ” bán lẻ Amazon đều tỏ thái độ ủng hộ mạnh mẽ việc cập nhật các quy tắc đánh thuế quốc tế, gọi cam kết của G7 là “tiến bộ quan trọng”, bất luận rủi ro phải đóng thuế nhiều hơn và ở các nơi khác nhau.

Nhưng với quan điểm, “mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất phải 25%. Ông Alex Cobham cho rằng, cách G7 đang thực hiện cải cách thuế với mức thuế thấp như vậy… có nghĩa là lợi ích sẽ vẫn nhỏ hơn nhiều so với những gì họ có thể có được.

“Những cánh cửa khó rộng mở”

Theo thống kê, chi nhánh Microsoft tại Ireland đã không trả một đồng thuế nào từ lợi nhuận 315 tỷ USD trong năm 2020 vì đăng ký trụ sở ở Bermuda. Trong khi đó, chính “thiên đường thuế” Ireland sẽ mất hơn 2,4 tỷ USD trong tổng tiền thu thuế doanh nghiệp (gần 14,6 tỉ USD), nếu Thỏa thuận của G7 được hiện thực hóa.

Bởi vậy, trên thực tế, nếu được thực thi thì dù với 15% - Thỏa thuận trên đã là một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực thuế toàn cầu. Tiếc rằng, đồng thuận này của G7 dù rất đáng ghi nhận thì vẫn còn thật sự phức tạp, hiện tại mới chỉ là bước đi đầu tiên.

Đây là một thỏa thuận khó khăn và chắc còn khá xa mới có thể tới đích. Hiện không có gì đảm bảo Thỏa thuận có thể vượt qua “cửa” quốc hội ở nhiều nước. Một trong những cánh cửa lớn chính là Quốc hội Mỹ - nơi nhiều đối tượng sẽ bị ảnh hưởng và cũng là nơi các đại công ty sẽ lobby để các nghị sĩ yêu cầu có những điều chỉnh có lợi hoặc phủ quyết thỏa thuận này.

Thỏa thuận trên hiện còn phải chờ được thông qua nhiều vòng đàm phán nữa, gần nhất là tháng 7/2021 tại hội nghị Nhóm các nước G20.

Hiện nhiều quốc gia không đáp ứng nhu cầu về mức thuế suất tối thiểu 15%. Cũng không lạc quan quá nhiều, rằng tất cả lợi nhuận phát sinh ở một quốc gia thì sẽ được tính thuế. Mà lợi ích lớn nhất của thỏa thuận này có lẽ là việc Mỹ đã sẵn sàng hợp tác với các nước trong vấn đề thuế quan, cũng như về hoạt động của các công ty đa quốc gia. Từ đó, hy vọng các nguy cơ bất hợp tác, gây chiến tranh thương mại và thuế quan giữa các nền kinh tế có thể được giảm dần.

Đối với những nền kinh tế nhỏ, Việt Nam tham gia thỏa thuận này thì có lợi gì? Có thể số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng lên. Tuy nhiên, không đơn thuần chỉ tác động đến kinh tế, Thỏa thuận sẽ nảy sinh các vấn đề quan trọng khác như ổn định công ăn việc làm cho người lao động, môi trường kinh doanh có thể sẽ kém hấp dẫn hơn…

Đối với những nền kinh tế nhỏ, Việt Nam tham gia thỏa thuận này thì có lợi gì? Có thể số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng lên. Tuy nhiên, không đơn thuần chỉ tác động đến kinh tế, Thỏa thuận sẽ nảy sinh các vấn đề quan trọng khác như ổn định công ăn việc làm cho người lao động, môi trường kinh doanh có thể sẽ kém hấp dẫn hơn…

Mặt khác, một loạt các tập đoàn lớn nước ngoài vào Việt Nam đang được hưởng mức thuế ưu đãi, như Samsung, nếu nâng thuế thu nhập cao hơn 10% như đang áp dụng thì có ổn không?...

Phân tích về những tác động với Việt Nam, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh), một gợi ý tốt cho Việt Nam là đàm phán với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore - những quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều tập đoàn đầu tư hoặc hoạt động ở Việt Nam để tránh tình trạng chuyển giá. Tuy nhiên, một câu hỏi khó là Việt Nam có thể ưu đãi thêm những gì để đổi lại một thỏa thuận thuế quan có lợi hơn?, khi chúng ta đã dành nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả