Thỏa thuận giá dầu bị bỏ lửng
Sau nhiều tuần kèn cựa nhau, Saudi Arabia và Nga đã cùng bỏ qua bất đồng để chấm dứt cuộc chiến giá dầu, tìm kiếm giải pháp để ổn định thị trường dầu mỏ thế giới.
Cuộc họp trực tuyến kéo dài 9 tiếng diễn ra ngày 9-4 giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã khép lại bằng thỏa thuận cắt giảm khoảng 10% sản lượng.
Giá dầu ngày 10-4 đã giảm mạnh trong khi chờ đợi một thỏa thuận chính thức của các nước OPEC+. Theo đó, giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giảm 9,3%, còn 22,76 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 4,1%, còn 31,48 USD/thùng.
Cả Saudi Arabia và Nga dù thế nào cũng sẽ cắt giảm và việc này giúp họ ghi điểm chính trị.
Amrita Sen, chuyên gia trưởng về phân tích dầu mỏ của Hãng tư vấn Energy Aspects, nhận định.
Còn chờ... Mexico
Theo Reuters, thỏa thuận mới đề ra cam kết cắt giảm 10 triệu thùng/ngày từ tháng 5 đến tháng 6-2020 cho toàn OPEC+. Saudi Arabia và Nga, hai nhà sản xuất lớn nhất của OPEC+, mỗi bên sẽ cắt giảm khoảng 2,5 triệu thùng/ngày, trong khi Iraq cắt giảm hơn 1 triệu thùng/ngày. Các thành viên còn lại đồng ý giảm 23% sản lượng.
Sau đó, mức cắt giảm sẽ được hạ xuống còn 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến tháng 12-2020 và 6 triệu thùng/ngày từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2022.
Thỏa thuận mới của OPEC+ được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ sụt giảm do tác động của hàng loạt giới hạn đi lại, nhằm hạn chế dịch bệnh từ virus corona chủng mới (COVID-19) lây lan.
Saudi Arabia và Nga không đi đến điểm đồng thuận dễ dàng. Mỹ và cụ thể là Tổng thống Donald Trump đã liên tục can thiệp và khích lệ hai bên cùng dẹp bỏ bất đồng và ngồi lại với nhau, vì chính ngành dầu mỏ của Mỹ cùng chịu tác động nặng nề từ COVID-19 cũng như cuộc chiến giá dầu kéo dài. Những nỗ lực đó đã đem tới mức thỏa thuận cắt giảm thấp nhất trong gần 2 thập kỷ qua.
Tuy nhiên, thỏa thuận lịch sử này đang đối mặt với nguy cơ đổ vỡ khi vấp phải sự phản đối từ Mexico. Đây là khúc mắc khiến giới quan sát tỏ ra nghi ngờ hiệu quả những nỗ lực khôi phục thị trường dầu mỏ đang lao đao vì COVID-19.
Bộ trưởng năng lượng Mexico ngày 9-4 cho biết trong quá trình đàm phán, Mexico đã đề xuất mức tự cắt giảm 100.000 thùng/ngày trong vòng hai tháng tới. Trong khi đó, nước này được yêu cầu cắt giảm 400.000 thùng/ngày.
Công bố xong nội dung thỏa thuận chung, OPEC+ tuyên bố quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào việc liệu Mexico có chấp nhận đặt bút ký hay không.
"Tôi hi vọng (Mexico) sẽ nhận ra lợi ích từ thỏa thuận này không chỉ dành cho Mexico mà còn cho toàn thế giới. Toàn bộ thỏa thuận đang phụ thuộc vào sự đồng thuận từ Mexico" - Thái tử Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman trả lời Reuters qua điện thoại.
Khủng hoảng thừa cung
Tuy vấp phải "vật cản" bất ngờ, nhu cầu cấp bách dành cho thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC và các nước đồng minh vẫn không hề thay đổi.
Bloomberg nhận định giá dầu giảm sâu "ngoạn mục" trong năm nay đã đe dọa sự ổn định của các quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ, ép những hãng sản xuất lớn như Exxon Mobil (Mỹ) phải kiềm chế chi tiêu, đồng thời đe dọa sự tồn tại của những công ty nhỏ.
Trong khi thỏa thuận cắt giảm của OPEC+ tương đương 10% sản lượng toàn cầu, con số này chỉ bằng một phần của nhu cầu sụt giảm. Theo Hãng tin Reuters, nhu cầu nhiên liệu trên thế giới đã giảm khoảng 30 triệu thùng/ngày, tương đương 30% nguồn cung toàn cầu hiện nay.
Giá dầu đã biến động liên tục trong nửa đầu năm 2020 vì cả đại dịch lẫn chiến tranh giá dầu. "COVID-19 là một con quái vật vô hình sẵn sàng tàn phá tất cả những thứ nó quét qua", tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo tuyên bố trong cuộc họp trực tuyến ngày 9-4. Theo ông, tình trạng thừa cung trong quý 2-2020 sẽ "vượt quá những gì chúng ta từng chứng kiến".
Hãng phân tích dữ liệu OilX thống kê vào đầu năm 2020, có khoảng 650 triệu thùng dầu thô đang được cất tại các kho chứa trên cạn và 100 triệu thùng khác trên các tàu chở dầu ngoài khơi. Thế nhưng kể từ đó đến nay, nhu cầu đối với mặt hàng này đã giảm sâu hơn vì dịch bệnh.
Vấn đề đặt ra là mức cắt giảm từ OPEC+ vẫn không thể giải quyết bài toán về khủng hoảng kho chứa khi chưa cân bằng với nhu cầu.
"Vẫn còn một chút ánh sáng nơi chân trời. Trung Quốc dự kiến sắp tới sẽ trở lại bình thường. Các hãng lọc dầu đã mạnh tay cắt giảm đầu vào vì các lệnh phong tỏa trước đó nay có thể lại mua vào", chuyên gia của trang OilPrice Irina Slav viết. Dù vậy, bà Slav cũng cảnh báo còn quá sớm để kỳ vọng vào điều này.
Chờ kết quả họp với G20
OPEC không tiếp tục nhóm họp trong ngày 10-4. Thay vì thế, tổ chức này sẽ tập trung vào các cuộc đối thoại thuộc khuôn khổ nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) diễn ra cùng ngày.
Theo Hãng tin Bloomberg, mọi sự quan tâm đã đổ dồn về cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng G20. Tại đây, các quốc gia ngoài OPEC+, bao gồm Mỹ và Canada, có thể đóng góp bằng cách cắt giảm khoảng 5 triệu thùng/ngày cho mức cắt giảm sản lượng chung của toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận