Thỏa thuận Brexit sẽ "chết" nếu tiếp tục bị Hạ viện Anh bác bỏ
Theo Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh Stephen Barclay, thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đạt được với EU cuối năm ngoái sẽ "chết" nếu như dự luật rút khỏi EU này tiếp tục bị Hạ viện bác bỏ.
Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London, ngày 28/3/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN
Ngày 15/5, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, ông Stephen Barclay cảnh báo thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May đạt được với EU cuối năm ngoái sẽ "chết" nếu như dự luật rút khỏi EU này tiếp tục bị Hạ viện bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tháng 6 tới.
Phóng viên TTXVN tại London dẫn lời Bộ trưởng Barclay cho biết, dự luật - mở đường cho Brexit - sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện Anh vào ngày 3/6 tới.
Nếu như dự luật này lại tiếp tục bị bác bỏ, nước Anh sẽ đối mặt với hai khả năng: Hoặc "xứ sở sương mù" sẽ rời EU mà không có thỏa thuận hoặc Anh sẽ rút lại điều khoản 50 - điều này đồng nghĩa sẽ không có Brexit nữa. Nếu thất bại, thỏa thuận Brexit sẽ không có thêm cuộc bỏ phiếu nào nữa.
Trong khi đó, cùng ngày, ông Frans Timmemans, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), hiện cũng đang là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Chủ tịch EC trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tới đây, cho rằng vấn đề Brexit của Anh chẳng khác gì "trò chơi vương quyền" (một bộ phim giả tưởng của Mỹ).
Theo ông Frans Timmemans, những hỗn loạn chính trị đang diễn ra tại Anh sẽ là lời cảnh báo cho những ai đang bị chủ nghĩa dân túy cám dỗ.
Trong bối cảnh nhiều phong trào dân túy và dân tộc đang gia tăng ở châu Âu, ông Timmemans cho rằng các chính đảng lớn của châu Âu cần nỗ lực hơn nữa để thuyết phục các cử tri hiểu sâu hơn về những giá trị của hội nhập châu Âu. Ông cảnh báo rằng các cử tri theo chủ nghĩa dân túy có thể sẽ thất bại.
Ông Timmemans nói: "Hãy nhìn vào những sự chia rẽ mà do Brexit gây ra với Vương quốc Anh. Hôm nay, Vương quốc Anh giống như bộ phim "Trò chơi Vương quyền", và đó chính là lý do dẫn đến những chia rẽ chính trị".
Gần 3 năm sau khi sau cuộc bỏ phiếu "gây sốc", với kết quả cử tri đồng ý để nước Anh rời khỏi "ngôi nhà chung" hồi tháng 6/2016, Anh vẫn là thành viên EU, chính giới nước này vẫn chia rẽ sâu sắc, thậm chí bế tắc khi không thể nhất trí chi tiết cho thỏa thuận "li dị".
Dự kiến, các nghị sĩ Anh sẽ lại tiến hành bỏ phiếu đối với thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May trong tuần đầu tiên của tháng 6 tới, cùng thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến thăm Anh.
Thỏa thuận này từng bị bác bỏ 3 lần tại Quốc hội Anh, buộc bà phải xin gia hạn Brexit hai lần và hạn chót là ngày 31/10 tới Anh sẽ phải chính thức rời EU.
Người phát ngôn của Thủ tướng May đã từ chối bình luận về khả năng nữ chính khách này phải từ chức nếu văn kiện trên tiếp tục gặp thất bại, song nhấn mạnh bà May đang tập trung nỗ lực để thỏa thuận Brexit được thông qua.
Tháng trước, bà May quyết định tổ chức đàm phán với Công đảng đối lập với hy vọng tìm ra lối thoát cho những bế tắc hiện tại song chưa đạt kết quả do phía Công đảng đặt điều kiện tiên quyết là chỉ ủng hộ giải pháp Brexit của chính phủ một khi chấp nhận việc nước Anh tiếp tục tham gia liên minh thuế quan với EU.
Trong khi đó, đây được coi là giới hạn đỏ với Thủ tướng May, bởi sau khi rời khỏi EU, Chính phủ Anh muốn được tự do ký kết các hiệp định thương mại với nhiều đối tác trên thế giới, điều không thể thực hiện nếu Anh tiếp tục ở lại trong liên minh thuế quan. Đây chính là một trở ngại rất lớn với mục tiêu kể trên.
Chính lãnh đạo Công đảng cũng luôn hoài nghi về khả năng Thủ tướng May có thể vận động nội bộ đảng Bảo thủ ủng hộ bất kỳ thỏa hiệp nào mà hai bên đạt được sau đàm phán./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận