Thịt giả đang thành trào lưu
Không biết do đâu phong trào quảng bá cho thịt giả bùng lên trong thời gian qua. Thịt giả có hai loại chính: thịt có nguồn gốc từ thực vật như kiểu đồ chay giả làm đồ mặn và thịt nhân tạo làm trong phòng thí nghiệm. Loại thịt nhân tạo chưa phổ biến, hiện đang bùng một cách sôi động trên thị trường là loại đồ chay giả mặn, thường không gọi thẳng là thịt giả mà bằng các cụm từ khá hoa mỹ như “thịt thay thế”.
Đầu tiên, hãng Impossible Foods cho ra mắt Impossible Burger 2.0, một loại bánh mì kẹp “thịt” làm từ thực vật nhưng mùi vị, màu sắc nhìn y như thịt thật. Sau đó nơi này hợp tác với Burger King giới thiệu Impossible Whopper cũng ngon lành không kém. Đến tháng 5, Beyond Meat, một hãng chuyên sản xuất thịt giả lên sàn chứng khoán, lúc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, giá mỗi cổ phiếu chỉ 25 đô la Mỹ, nay tăng vọt lên 162 đô la. Như thế thị giá của Beyond Meat lên đến trên 9 tỉ đô la. Hãng Impossible Foods chưa lên sàn nhưng cũng vừa hoàn tất một đợt gọi vốn, thu hút thêm 300 triệu đô la của nhà đầu tư mạo hiểm. Hiện nay, hàng của Beyond Meat làm ra không đủ bán.
Theo Vox, điểm khác biệt của thịt giả đợt này với thịt giả kiểu đồ chay ngày trước nằm ở chỗ đối tượng nó nhắm đến. Thịt giả ngày xưa chỉ nhắm bán cho người ăn chay còn thịt giả ngày nay nhắm đến tất cả người tiêu dùng, kể cả người muốn ăn thịt nhưng ngại ăn thịt thật. Vì vậy thịt giả đợt này nhìn giống thịt, ăn cũng giống thịt hơn, ngay cả việc nấu nướng cũng xử lý y như với thịt thật. Sự ồn ào trong thời gian qua có lẽ vì thịt giả từ phân khúc thị trường ngách rất nhỏ đang dần thành một sản phẩm tiêu dùng đại trà, có tiềm năng thay đổi cả ngành chăn nuôi.
Một câu hỏi quan trọng được đưa ra trong thời gian này: ăn thịt giả có tốt cho sức khỏe hơn ăn thịt thật? Nói chung ăn rau củ quả tốt cho sức khỏe nhưng ăn thịt có nguồn gốc từ rau củ quả thì chưa chắc. Trước tiên, thịt giả hoàn toàn an toàn vì ở Mỹ, thức ăn bán cho người phải qua nhiều công đoạn kiểm tra chặt chẽ. Nhưng ăn thịt thực vật khác với ăn một đĩa xà lách vì thịt thực vật là thực phẩm đã qua chế biến, sẽ đi kèm với các vấn đề của thực phẩm chế biến như xúc xích, thịt xông khói. Tuy nhiên, ăn thịt thực vật sẽ giúp tránh các vấn đề của thịt thật như bị nhiễm hormon tăng trưởng hay kháng sinh mà người chăn nuôi cho gia súc ăn.
Thế còn ăn thịt thực vật có giúp bảo vệ môi trường như nhiều người nói không? Cũng theo Vox, đây chính là ưu điểm nổi bật của thịt giả vì để sản xuất ra thịt thật, ngành chăn nuôi phải sử dụng nhiều nước, đất đai, thải ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thậm chí trong một bức thư Bill Gates gửi cho công chúng hồi đầu năm nay, ông bảo có hai lĩnh vực chiếm đến 21% và 24% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính mà thế giới bỏ qua: ngành sản xuất vật liệu xây dựng và ngành chăn nuôi. Nếu ngành sản xuất thịt thực vật cất cánh, thế giới giảm tiêu thụ thịt chăn nuôi, lượng khí thải sẽ giảm đi một cách đáng kể. Một chiếc bánh Impossible Burger 2.0 có mức thải khí carbon thấp hơn bánh mì kẹp thịt thật đến 89%. Ngoài ra, nó dùng ít nước hơn đến 87% và dùng ít đất hơn đến 96%.
Đó là nói trên lý thuyết chứ thật ra toàn ngành sản xuất thịt có nguồn gốc từ thực vật hiện chỉ chiếm 1% sản lượng thịt trên toàn cầu, dù quy mô có tăng cũng không đáng kể. Trong khi đó, nhu cầu ăn thịt thật trên thế giới lại tăng mạnh do các nước đang phát triển ngày càng có tiền để ăn thịt nhiều hơn trước. Mức tăng này đang dẫn tới nhiều nguy cơ, trong đó rõ nhất là nguy cơ ngày càng có nhiều loại vi khuẩn kháng lại kháng sinh bởi người chăn nuôi đang sử dụng kháng sinh bừa bãi.
Ở đây có một điểm rất lạ: cứ tưởng các nước đang phát triển sẽ dị ứng với thịt giả nhiều hơn các nước phát triển như Mỹ, đã từng ăn nhiều thịt rồi nay ngán muốn chuyển khẩu vị. Một khảo sát gần đây với người tiêu dùng ở ba nước Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc cho thấy số lượng người Mỹ không sẵn sàng mua thịt giả từ thực vật lại cao hơn ở hai nước kia. Cụ thể với câu hỏi “Bạn có định mua thịt có nguồn gốc thực vật không?”, đến 25,3% người Mỹ trả lời không trong khi nói không như thế chỉ có 4,4% người Trung Quốc và 5,5% người Ấn Độ.
Dù sao thị trường thịt giả vẫn đang sôi động, thêm nhiều hãng thực phẩm tuyên bố sẽ cho ra mắt sản phẩm thịt thực vật mới. Và các tỉ phú Mỹ như Jeff Bezos, Richard Branson hay Bill Gates vẫn đang rót tiền đầu tư cho ngành thịt thực vật, có lẽ theo xu thế bảo vệ môi trường hơn là kiếm lợi nhuận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận