Thịnh vượng của nước Mỹ đến từ đâu?
Ngoài những yếu tố nội sinh, năng lực đổi mới sáng tạo, nguồn tài nguyên phong phú và giàu có, nền tảng công nghiệp vững mạnh, thể chế năng động... thì một nguồn quan trọng và giờ đây hơn lúc nào hết lại càng lúc càng quan trọng, thậm chí đóng vai trò sống còn đối với sức mạnh của nền kinh tế Mỹ đó là giá trị của đồng USD.
Trong suốt một thời gian dài kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và đặc biệt từ nửa cuối thập kỷ 70, đồng USD đã giúp cho Mỹ củng cố vị thế bá quyền và tạo nên sự thịnh vượng đột phá cho nước Mỹ ở cấp độ toàn cầu. Về điều này, có rất nhiều tài liệu nghiên cứu, giải thích và chi tiết dữ liệu chứng minh, nên tôi xin phép chỉ nêu ra.
Sức mạnh của đồng USD, có nhiều quan điểm tiếp cận, nhiều cách kiến giải, tuy nhiên có 3 trụ cột cơ bản mang tính quyết định mà mọi quan điểm tiếp cận và cách kiến giải đều không thể bỏ qua được, đó là:
+ Khả năng Mỹ chi phối giá dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm liên quan đến nguồn năng lượng này – giá cả càng thấp đồng USD càng có giá trị.
+ Giá vàng – giá cả càng thấp đồng USD càng có giá trị.
+ Độ phổ biến của đồng USD trong các giao dịch toàn cầu và tương ứng là tỷ lệ dự trữ ngoại hối của các quốc gia – mức độ phổ biến càng cao và tỷ lệ dự trữ càng cao thì đồng USD càng có giá trị.
Sức mạnh của đồng USD phụ thuộc vào 3 trụ cột này rất lớn. Xét trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt từ sau khủng hoảng 2008 đến nay, sự thịnh vượng của Mỹ đang được duy trì dựa phần lớn vào việc in tiền và đẩy đồng USD ra thị trường thế giới để duy trì vị thế tài chính của Mỹ. Sự dư thừa tiền quá mức và tỷ lệ lạm phát tăng cao, kể cả khi đã đẩy lạm phát ra thị trường thế giới, đang thực sự làm cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung như một quả bóng đang bị bơm căng đến mức tối đa, nguy cơ sụp đổ của đồng USD là hiện rõ và khó tránh khỏi.
Xét trong cuộc chiến Nga – Ukraine hiện nay, đối với những người hiểu rõ các nền tảng vận hành của thế giới, hiểu rõ xu thế của cục diện trật tự thế giới và những bước chuyển biến của địa chính trị toàn cầu, đặc biệt là bước ngoặt của trật tự tài chính toàn cầu, đây là một điểm nổ rõ ràng để khởi đầu cho một trật tự toàn cầu mới định hình và tiếp đó là trật tự tài chính toàn cầu mới.
Có thể thấy rõ điều này qua cách Mỹ và EU phản ứng với Nga bằng việc cuồng loạn trong cấm vận, bằng mọi cách, bằng mọi kiểu, bất chấp mọi giá trị, thậm chí không kịp xem xét một cách cẩn trọng những thiệt hại của chính mình do cấm vận gây ra. Mỹ và EU đang thực sự hoảng hốt trước diễn biến mới này. Cũng chính trong cơn hoảng loạn này, Mỹ đang lại tự tạo cho mình một tình thế lưỡng nan đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của đồng USD.
+ Thị trường dầu mỏ và khí đốt, Mỹ hoàn toàn không kiểm soát được, dù có thể hưởng lợi trong việc gia tăng bán khí đốt cho EU, nhưng sự sụp đổ của đồng USD sẽ đem lại hệ quả nghiêm trọng hơn rất nhiều lần lợi ích mà Mỹ đang có được, đặc biệt các hành động này lại đồng thời đe dọa luôn đồng euro.
+ Giá vàng đang tăng cao và nhu cầu vàng vật chất đang rất lớn cho thấy mức độ khủng hoảng nghiêm trọng. Các nước như Nga, Trung Quốc đang nắm rất nhiều dự trữ vàng vật chất trong tay, và với tiềm năng tài nguyên nắm được của mình, họ có thể tạo ra các hiệu ứng duy trì giá vàng vật chất ở mức cao, điều rất có lợi cho các nước này, đặc biệt đảm bảo giá trị của đồng nội tệ và mức độ phổ biến của đồng Rub đồng CYN khi Trung Quốc - Ấn Độ - Nga cùng phối hợp vận hành hệ thống thanh toán mới của mình.
+ Việc ngăn chặn Nga về SWIFT cùng với việc Mỹ lạm dụng việc cấm vận trên khắp nơi trên toàn cầu, đặc biệt, lại nhắm vào các quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng và nắm giữ nhiều nguồn tài nguyên cơ bản khiến cho vị thế của Mỹ ngày càng suy giảm và tạo ra một cơ hội lớn cho hệ thống tài chính toàn cầu mới có cơ hội vượt qua và thay thế các hệ thống hiện hành để đảm bảo an toàn, tránh phụ thuộc vào Mỹ và các nước phương Tây. Những khó khăn mà các nước này phải chịu đựng trong suốt một thập kỷ qua, chắc chắn các nước này sẽ không bỏ qua cơ hội này để xác lập lại vị thế của mình trong trật tự toàn cầu mới.
Những phân tích này có tính gợi mở cho chính Việt Nam chúng ta để tái định vị lại vị thế của mình trong cuộc chơi, nương theo được đúng xu thế mới và có những hành động phù hợp. Chúng ta nên nhớ cần phù thịnh chứ không ai phù suy. Và một nước còn yếu như Việt Nam cần phải học cách đi lên bằng những cách mà các nước từ yếu trở thành mạnh, chứ không phải bắt chước cách của những nước đã mạnh rồi và giờ đang xu thế suy thoái để hy vọng mình mạnh lên được. Đó là một ảo tưởng mang tâm thức nô lệ và phụ thuộc.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận