Thiếu vốn tứ bề!
Một trong những chủ đề nóng nhất đang được bàn luận là thị trường trái phiếu với các cuộc thương thảo trả nợ hay tìm nguồn vốn mới để đảo nợ trái phiếu, bên cạnh khó khăn của doanh nghiệp trong huy động vốn cho các hoạt đầu tư trung và dài hạn.
Dưới áp lực của chính sách và dư luận thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã phải thanh toán trái phiếu trước hạn theo nguyện vọng của bên mua. Việc mua lại trái phiếu trước hạn nằm nhiều ở nhóm các doanh nghiệp có khả năng trả nợ, còn tiền để trả nợ chứ không phải ở nhóm doanh nghiệp vay nợ cao và rất cao.
Có thực tế là bên cho vay không đòi được các doanh nghiệp gặp khó khăn nên phải đòi trước hạn các doanh nghiệp còn có sức khỏe tài chính tốt để giảm dư nợ cho vay hoặc chỉ để thu hồi vốn về cho yên tâm. Tác động tiêu cực của thị trường trái phiếu là khá rộng và câu chuyện “quít làm cam chịu” là có thật.
Theo số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tổng số hơn 200.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2023, so với tháng 3 thì lượng trái phiếu đến hạn sẽ tăng cao hơn trong tháng 5, tháng 6 và đỉnh điểm vào tháng 9, sau đó là tháng 12.
Áp lực từ thị trường trái phiếu sẽ tăng dần và chưa có dự báo với độ tin cậy cao về ảnh hưởng của các đợt trái phiếu đến hạn này trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang ở mức cao và thị trường trái phiếu đang thiếu vắng bên mua vì đổ vỡ niềm tin.
Tuần qua, lãi suất huy động ngắn hạn trên thị trường vốn đã bớt nóng thể hiện qua việc các công ty kinh doanh nguồn vốn đã hạ lãi suất vay kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng xuống dưới 10%, duy trì hơn 2 tháng trước đó, nhưng kỳ hạn 3 tháng vẫn trên mức 10%. Tại các ngân hàng thương mại cổ phần lãi suất huy động cho kỳ hạn 6 tháng trở lên vẫn khoảng 10%/năm tính cả khuyến mãi.
Thiếu vốn, ngay cả các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính lành mạnh cũng phải tạm dừng dự án, hoãn giải ngân. Mặc dù room tín dụng cho các ngân hàng cho năm 2023 đã được cấp đợt 1 nhưng điều đó không làm cho TTCK hào hứng hơn bởi trong bối cảnh thị trường trong nước và thế giới suy giảm thì những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian tới không hề nhỏ. Tăng trưởng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tăng trưởng của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng.
Thông tin mà Đầu tư Chứng khoán thu nhận được từ các thành viên thị trường và phản ánh đậm nét trong Tiêu điểm số báo này cho thấy, thị trường đang rất mong ngóng một giải pháp căn cơ từ cơ quan quản lý để giảm bớt các tác động tiêu cực của hiệu ứng “thiếu vốn tứ bề” hiện nay, khi mà nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt cũng phải thu mình vì nguồn vốn vay bị rút về phần nhiều bởi lý do khách quan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận