24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phương Tùng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thiếu hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn

Xu hướng chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang ngày càng trở nên thịnh hành và được ưa chuộng trên thế giới. Đây không phải là mô hình kinh tế mới với Việt Nam, mà đã được triển khai từ lâu trong cả lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay, các mô hình này mới chỉ phát triển một cách tự phát, chưa có sự hướng dẫn, hành lang pháp lý nào để thúc đẩy phát triển.

Rào cản phát triển kinh tế tuần hoàn

Đối với việc phát triển các mô hình KTTH, theo ông Nguyễn Quang Huy - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), hiện có 2 rào cản lớn, cả về chính sách và nhận thức.

Hiện nay, trên thế giới, các sản phẩm sinh thái có giá cả rất cao. Tại Diễn đàn KTTH thế giới được tổ chức tại Đức mới đây, một chiếc cốc uống nước làm bằng bã cà phê/cốc sinh thái có giá tới 20 eur. Hay một ví dụ khác, một chiếc giày được sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài và được mô tả kỹ thuật là sử dụng nhựa tái sinh lại được người tiêu dùng ưa chuộng hơn so với những chiếc giày thông thường. Thực tế, nhiều người tiêu dùng vẫn chấp nhận chi trả với giá cao và ưu tiên lựa chọn sản phẩm sinh thái, vì họ cảm thấy tự hào về trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Theo ông Huy, cách gọi sản phẩm theo xu hướng thịnh hành là rất quan trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Luật Tài nguyên và Môi trường vẫn đang gọi các sản phẩm trên là “sản phẩm tái chế”. Tư duy này ảnh hưởng lớn tới tâm lý xã hội, cũng như nhà sản xuất sản phẩm từ vật liệu tái chế. Người tiêu dùng thường có thái độ miệt thị, kém ưu tiên, nên thị trường KTTH không thể lớn lên được.

Thậm chí, doanh nghiệp (DN) không dám dán nhãn, công khai hay lờ đi việc mô tả sản phẩm có nguồn gốc sử dụng vật liệu tái chế. Do đó, đã đến lúc cần phải thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng và tư duy xây dựng chính sách để làm sao cho DN sống được trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh này.

Bà Mai Hà Thanh Uyên - Giám đốc Phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á của Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam cho biết: Sở dĩ Công ty tham gia Dự án Thử nghiệm làm 1,4 km đường giao thông từ phế thải nhựa mềm của DEEP C Hải Phòng (còn gọi là Khu công nghiệp Đình Vũ) là do sức ép rất lớn của cộng đồng về vấn đề rác thải nhựa, đối tác và khách hàng. “Là một DN sản xuất các sản phẩm nhựa (chiếm 60% tổng doanh thu hàng năm), Dow Chemical Việt Nam cam kết với cộng đồng, chung tay với các đối tác, khách hàng về công nghệ và kỹ thuật để hướng đến sản xuất cho một nền KTTH, hạn chế phát thải ra môi trường”, bà Uyên nhấn mạnh.

Về phía DEEP C, ông Erwann Rio - Giám đốc điều hành cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn khu công nghiệp (KCN) sinh thái để đầu tư xây dựng nhà máy. Để đáp ứng nhu cầu này, DEEP C đang hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện rác...), xử lý nước thải KCN tập trung, tối đa hóa sử dụng phế thải của ngành này làm vật liệu tái sản xuất cho ngành khác. DEEP C cũng đang xin cấp phép để được sử dụng nước thải đã qua xử lý để làm sản phẩm đầu vào của các ngành công nghiệp khác như làm mát thanh thép trong các nhà máy sản xuất thép...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Hiển - Trưởng phòng Phát triển KCN sinh thái của DEEP C - cho rằng, mô hình KCN sinh thái, phát triển KTTH này là khá mới mẻ tại Việt Nam. Do đó, DEEP C gần như là đơn vị đi tiên phong, gặp rất nhiều khó khăn. Do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, nên DN phải dò dẫm từng bước, từ vận động chính quyền, đối tác, cho đến khách hàng... Mặc dù dự án nêu trên nhận được ủng hộ của chính quyền địa phương, đối tác và cộng đồng, nhưng đây mới chỉ là bước thử nghiệm.

Cần xây dựng Luật Kinh tế tuần hoàn

Để thúc đẩy phát triển KTTH, mới đây, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất Quốc hội cần ban hành Luật về thúc đẩy phát triển KTTH. Đây là cơ sở pháp lý để đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình KTTH trong cộng đồng dân cư và DN.

Tuy nhiên, trước mắt, một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên chọn một số nhóm ngành ưu tiên phát triển KTTH. Chẳng hạn như tái sử dụng các sản phẩm nhựa, giấy... Hiện có một số nước trên thế giới chọn 5 - 6 ngành, lĩnh vực, nhưng một số nước như Malaysia lại ưu tiên chọn một ngành để khuyến khích phát triển KTTH. Việc phát triển KTTH không giới hạn trình độ và công nghệ phát triển, cũng như giữa DN lớn hay DN nhỏ và vừa. Thậm chí, càng là DN nhỏ thì càng cần phải tận dụng triệt để nguyên vật liệu, nâng cao giá trị sản phẩm với nhãn hiệu sinh thái hay organic...

Muốn nhân rộng mô hình KCN sinh thái hay phát triển KTTH trong các ngành, lĩnh vực, theo ông Hiển, cần phải có một hệ thống chính sách đồng bộ, có bộ tiêu chuẩn riêng cho từng ngành và cơ chế hỗ trợ cho các DN tiên phong.

Hơn nữa, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững - cho rằng, để thúc đẩy phát triển KTTH, rất cần sự dẫn dắt của thị trường chi tiêu công.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả