Thiếu 200.000 tấn thịt lợn dịp Tết Nguyên đán
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu khoảng 200 nghìn tấn.
Cụ thể, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã thống nhất sơ bộ số liệu thiếu hụt mặt hàng thịt lợn các tháng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 là khoảng 200 nghìn tấn, tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70 nghìn tấn thịt hơi trong 3 tháng gần Tết là tháng 11, 12, và tháng 1.
Hiện nay, theo chức năng nhiệm vụ được giao, việc công nhận thị trường được nhập khẩu thịt lợn chính thức vào Việt Nam và việc kiểm soát nhập khẩu mặt hàng thịt lợn do Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện.
Theo đó, hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam, bao gồm: Argentina, Úc, Bỉ, Áo, Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungari, Ấn Độ, Irelen, Litva, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Niuzelan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Mexico.
Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối thực phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt lợn thiếu hụt để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Tại cuộc họp ngày 18/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã chỉ đạo Bộ NN &PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá đầy đủ, thực chất mức độ thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt lợn và có kế hoạch tái đàn.
Đặc biệt là, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn cụ thể từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta để bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, minh bạch thông tin, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ NN&PTNT ban hành hướng dẫn vận chuyển thịt heo qua chế biến, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương phải phụ trách theo địa bàn cụ thể về chống dịch, lưu thông thực phẩm từ thịt heo, có kế hoạch điều hòa cung - cầu. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tích cực tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi để phục vụ nhu cầu của người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận