Thiệt hại ngàn tỉ đồng vì nhà không phép
Xây dựng không phép, sai phép đang nóng tại nhiều địa phương, nhất là các quận, huyện ngoại thành TP.HCM.
3 năm thiệt hại 1.260 tỉ đồng
TS Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu Quản lý đô thị - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, mới đây đã công bố đề tài “Nhà ở xây dựng không phép và sai phép trên địa bàn vùng ven TP.HCM trong quá trình đô thị hóa - những vấn đề đặt ra và các giải pháp đề xuất” cho biết kết quả tổng hợp từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2018 tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9 và Thủ Đức đã đưa ra một bức tranh tổng thể về tình hình xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn TP khi ước khoảng 6.500 căn nhà, trong đó 5.000 căn xây dựng không phép.
Nếu định giá một căn nhà 250 triệu đồng thì số nhà không phép bị tháo dỡ trị giá 1.250 tỉ đồng, nhà nước cũng mất khoảng 10 tỉ đồng cho chi phí cưỡng chế. “Thiệt hại đối với địa phương, cụ thể là tốn nhiều thời gian, công sức để kiểm tra, xử lý, cưỡng chế; tốn ngân sách nhà nước cho công tác cưỡng chế do không thu hồi được kinh phí sau cưỡng chế. Một số thiệt hại khác cũng vô cùng to lớn không thể lượng hóa được, như cư trú tại nhà không phép, sai phép nên chủ hộ không được chuyển hộ khẩu, ảnh hưởng đến việc học hành của con cái. Môi trường sống tệ hại khi nhà cửa không thể sửa chữa và lúc nào cũng ở trong tâm trạng hồi hộp, chờ cưỡng chế. Sự tồn tại của nhà không phép, sai phép đã góp phần làm tăng dân số cơ học, quá tải cơ sở hạ tầng, dẫn đến tình hình an ninh trật tự phức tạp”, TS Tân đúc kết.
Theo lý giải của nhiều địa phương, tình trạng xây dựng nhà không phép, sai phép “bùng nổ” một phần do quản lý lỏng lẻo của địa phương, tiêu cực của cán bộ quản lý và một phần do ý thức chấp hành luật pháp của người dân. Như mới đây tại khu nhà ở Đại học Bách Khoa, phường Phú Hữu, quận 9, khi cơ quan chức năng cưỡng chế một công trình xây dựng không phép, chủ căn nhà đã lăm lăm con dao trên tay và tự xích mình vào một chiếc ghế ở công trình, trước mặt người này cũng thắt sẵn một dây thòng lọng, nhằm tạo áp lực cũng như chống đối việc cưỡng chế của cơ quan chức năng. Thậm chí, trong quá trình vận động, một nữ cán bộ của phường Phú Hữu bị chủ công trình đánh vào mặt, gây rách môi, chảy máu phải may hơn 10 mũi.
Hồ sơ do Thanh tra Sở Xây dựng lập cho thấy, công trình này do Nguyễn Ngọc Minh Trí xây dựng sai quy hoạch xây dựng được duyệt (xây kho trên đất quy hoạch làm nhà ở) có tổng diện tích hơn 330 m2 còn lấn khoảng lùi trước, khoảng lùi sau và khoảng lùi hông. Từ cuối năm 2018 đến nay Thanh tra Sở Xây dựng đã liên tục ra quyết định xử phạt, buộc đình chỉ thi công toàn bộ công trình và yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ toàn bộ công trình vi phạm nhưng ông Trí không chấp hành, buộc Thanh tra Sở Xây dựng phải thực hiện biện pháp cưỡng chế.
Tại huyện Bình Chánh, để xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp, người dân lừa cơ quan chức năng bằng cách quây tôn bên ngoài, bên trong âm thầm xây dựng. Đến khi dỡ lớp tôn này ra, phía trong đã hình thành một ngôi nhà.
Các địa phương ra quân
Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND quận 9, quận đang quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn, nhất là tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Cụ thể, UBND quận có kế hoạch liên tịch với Sở Xây dựng để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý các công trình vi phạm xây dựng. 13 phường trên địa bàn quận cũng đều thành lập tổ công tác (do Chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng) nhằm huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, cùng phối hợp với Thanh tra Xây dựng phụ trách địa bàn lập lại trật tự xây dựng. “Cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý, cưỡng chế các công trình xây dựng không phép, sai phép. Do áp dụng đồng loạt các giải pháp nên tình hình vi phạm trật tự xây dựng ở quận 9 trong quý 1/2019 giảm so với cùng kỳ và năm 2018 và giảm gần 45% so năm 2017”, ông Tuấn Anh cho biết.
Ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, cho rằng muốn xử triệt để việc xây dựng không phép, sai phép, việc cắt điện, nước là cần thiết. Đây được x là giải pháp hiệu quả nhất, không có giải pháp nào khác. Bởi cán bộ phường quận, thanh tra sở giám sát 24/24 giờ, nhưng không có mặt thì ngay tức khắc công trình xây dựng vẫn triển khai, vì có điện có nước. “Việc cắt điện, nước vì thế là nhằm ngăn chặn hoạt động xây dựng không phép, sai phép tiếp tục diễn ra. Nếu không làm thế, không chỉ tại TP.HCM mà cả nước đều không ngăn chặn được việc xây dựng không phép”, ông Long cho hay.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho rằng mặc dù nhà xây dựng thô sơ nhưng có đồng hồ điện, nước thì người dân vẫn yên tâm nhận chuyển nhượng. Do đó, việc cắt điện nước đối với những công trình đang xây dựng sai phép, không phép là cần thiết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận