Thiết bị giúp tiết kiệm đến 45% điện năng tiêu thụ: Sự thật bất ngờ
Được giới thiệu có thể tiết kiệm đến 45% điện năng tiêu thụ, các thiết bị tiết kiệm điện tiếp tục “làm mưa làm gió” trên thị trường trong những ngày hè nắng nóng. Tuy nhiên, trái ngược với những lời quảng cáo hoa mĩ, nhiều người đã thất vọng khi bỏ tiền mua sản phẩm. Thậm chí sản phẩm này đang bị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo sẽ “tiền mất tật mang“ nếu niềm tin người mua đặt nhầm chỗ.
Bước vào những tháng hè nóng bức, hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình đã tăng mạnh lên 1,5 đến 2 lần, thậm chí nhiều gia đình tăng gấp 3-4 lần so với bình thường. Với những người đi thuê trọ, vấn đề tiền điện càng trở nên nan giải bởi họ đang phải trả từ 3.500-5.000 đồng cho mỗi số điện sử dụng. Do đó, thời gian qua nhiều người đã tìm mọi biện pháp để giảm lượng điện tiêu thụ, giảm chi phí tiền điện hàng tháng bằng những thiết bị tiết kiệm điện gắn ngoài, phía sau đồng hồ.
Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường hiện nay tiếp tục xuất hiện hàng loạt các quảng cáo, giới thiệu về các sản phẩm tiết kiệm điện cho các hộ gia đình với tên gọi “Thiết bị tiết kiệm điện” hay “Hộp tiết kiệm điện - Electricity Saving Box”. Các đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội Facebook, Website bán hàng để tiếp cận người mua.
Vào một trang bán hàng trực tuyến, một thợ điện giới thiệu có 14 năm kinh nghiệm xưng tên Trần Minh Đức chia sẻ cách tiết kiệm tới 40% điện mỗi tháng mà không vi phạm pháp luật nhằm quảng cáo cho sản phẩm Electricity Saving Box. Sản phẩm này được giới thiệu có nguồn gốc xuất xứ từ Đức, sản xuất và lắp ráp hoàn toàn từ nước ngoài, nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam. Theo giới thiệu, sản phẩm này có thể tiết kiệm 50% điện năng tiêu thụ của máy giặt, máy rửa bát, quạt điện; tiết kiệm 45% điện năng tiêu thụ với bàn là, máy sấy tóc, bình nóng lạnh; tiết kiệm 43% điện năng với tủ lạnh, điều hòa,....
Ngoài những bằng chứng được đưa ra, người bán hàng cũng hút người mua bằng cách khuyến mãi sâu đối thiết bị này. Theo đó 50 người đầu tiên đặt mua thiết bị tiết kiệm điện Electricity Saving Box, sẽ được hưởng khuyến mãi lên đến 43%. Giá niêm yết của sản phẩm là 920.000đ, giảm còn 520.000đ, cùng với đó, người bán còn miễn phí giao hàng cho khách hàng trên toàn quốc.
Bên cạnh việc được quảng cáo và rao bán tràn lan trên các trang web và hội nhóm online, các loại thiết bị tiết kiệm điện cũng đang được rao bán nhiều trên các sàn thương mại điện tử với giá dao động từ 50.000đ đến tiền triệu mỗi sản phẩm. Chị Huyền ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết từng đặt mua một chiếc thiết bị tiết kiệm điện với giá 490.000đ trên một trang web bán hàng thế nhưng, sau 1 tháng sử dụng thì tiền điện nhà chị dùng vẫn dao động như những tháng trước đó, không hề có một chút tiết kiệm nào.
Tương tự anh Hùng ở Hà Đông (Hà Nội) sau khi sử dụng thiết bị tiết kiệm điện được bán trên sàn thương mại điện tử với giá chỉ 45.000đ cũng cho biết sản phẩm này không hiệu quả như lời quảng cáo của người bán hàng. Bởi hóa đơn tiền điện nhà anh không những không giảm mà còn tăng hơn sau khi cắm thiết bị này vào mạng lưới điện của gia đình.
Tò mò về cấu tạo của thiết bị này, anh Hùng đã tháo phần vỏ ngoài thì thấy bên trong vô cùng đơn giản. Sản phẩm gồm hai dây nhỏ nối từ phích cắm vào một bo mạch có gắn một đèn LED, từ bo mạch này sẽ có dây nối vào một tụ điện nhỏ. “Với cấu tạo đơn giản như vậy thì làm sao có thể giảm được gần nửa điện năng tiêu thụ của một hộ gia đình. Rõ ràng là lừa đảo!” anh Hùng thất vọng. Trong phần phản hồi về chất lượng sản phẩm tiết kiệm điện được bán trên các sàn thương mại điện tử, nhiều khách hàng cho biết đường điện nhà mình thậm chí đã bị sự cố chập điện do sử dụng thiết bị này.
Trước việc hàng loạt người dân bị lừa đảo mua phải những thiết bị tiết kiệm điện rởm được bán tràn lan trên các trang web, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, đại diện của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cùng Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã lên tiếng cảnh báo. Theo đại diện của EVN, đây chỉ là chiêu trò lừa bịp khách hàng đánh trúng vào tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Các thiết bị trên hoàn toàn không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng khuyến cáo người tiêu dùng tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua bán, sử dụng các thiết bị được quảng cáo có chức năng tiết kiệm điện. Đối với các loại thiết bị có khả năng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm công tơ điện chạy chậm lại đồng nghĩa với việc đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, vi phạm quy định sử dụng điện, có thể vẫn bị truy thu tiền điện, đồng thời bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Người dân nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm điện bằng các giải pháp như: tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng…), khi bật điều hoà làm mát chỉ đặt ở mức 26-27 độ C trở lên và sử dụng quạt kết hợp,...
Với những khuyến cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng như EVN thì rõ ràng, các thiết bị tiết kiệm điện đang được quảng cáo với các tác dụng thần kỳ hoàn toàn không hiệu quả, không có cơ sở khoa học. Các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý thị trường cần vào cuộc để quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn loại mặt hàng này, góp phần làm lành mạnh thị trường và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận