Thị xã có cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam sẽ được đề xuất lên thành phố
Với lợi thế từ sự thu hút đầu tư từ cảng Cái Mép - Thị Vải cũng như tiềm năng phát triển kinh tế, thị xã Phú Mỹ được hoạch định lên thành phố công nghiệp và cảng biển vào năm 2025.
Với nhiều lợi thế như cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, kinh tế đa dạng, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang dần chuyển mình mạnh mẽ để trở thành thành phố công nghiệp và cảng biển vào năm 2025 - Theo báo Bình Phước
Cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam
Nằm giữa các tuyến đường biển và đường bộ quan trọng, thị xã Phú Mỹ có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế. Lợi thế lớn nhất phải kể đến là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam hiện nay Cái Mép - Thị Vải. Được xây dựng dọc theo sông Cái Mép - Thị Vải với độ sâu 15-20m và rộng 600m - lý tưởng cho các loại tàu quay đầu và cảng có thể đón nhận những tàu lớn nhất trên thế giới.
Cảng quốc tế Cái Mép được thiết kế để tiếp nhận tàu container có trọng tải lên đến 80.000 DWT, với công suất thông qua đạt 600.000-700.000 TEU mỗi năm. Cảng Cái Mép - Thị Vải cũng có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp có tải trọng lên đến 75.000 DWT. Công suất thông qua cảng đạt 1,6-2 triệu tấn mỗi năm. Tổng diện tích của cảng là 27 ha.
Đầu thập niên 1990, nhận thấy những hạn chế của cụm cảng Sài Gòn, Chính phủ Việt Nam bắt đầu quan tâm xây dựng một cảng nước sâu mới phục vụ khu vực Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ. Thị Vải - Cái Mép được chọn vì có độ sâu, nằm gần khu vực hội tụ sản xuất ở miền Đông Nam Bộ, lại nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế từ Hồng Kông tới Singapore.
Cảng Thị Vải - Cái Mép được kết nối với các khu công nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và các tỉnh khác bằng tỉnh lộ 965 và quốc lộ 51. Nhờ cảng sâu cho phép tàu lớn vào cảng, thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa miền Nam Việt Nam với các nước đã được rút ngắn đáng kể vì đỡ phải quá cảnh ở Singapore.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong 23 cảng biển trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 250.000 tấn. Hơn nữa, cảng cũng thuộc nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới. Cảng cũng được Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence xếp hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu.
Phú Mỹ - thành phố công nghiệp và cảng biển trong tương lai
Tọa lạc tại vị trí cửa ngõ ra biển Đông, cách TP. Hồ Chí Minh chưa đến 50km, phía Tây Phú Mỹ được bao trọn bởi dòng sông Thị Vải với hệ thống luồng lạch sâu, thuận lợi để phát triển cảng nước sâu, nổi bật là cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ chở container đi trực tiếp châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ 3) với 35 bến cảng, nằm trong top 19 cảng biển lớn nhất thế giới.
Với lợi thế từ sự thu hút đầu tư từ cảng Cái Mép - Thị Vải cũng như tiềm năng phát triển kinh tế, thị xã Phú Mỹ được hoạch định lên thành phố công nghiệp và cảng biển vào năm 2025.
Để thực hiện điều đó, Phú Mỹ đang ráo riết thực hiện nhiều dự án để nâng cấp hạ tầng. Tiêu biểu là tuyến đường quy hoạch với chiều dài 6,2km, chạy song song với quốc lộ 51. Dự án này sẽ hoàn thành vào tháng 10-2023, góp phần làm giảm lưu lượng phương tiện cho quốc lộ 51. Thị xã cũng đang đầu tư xây dựng nhiều tuyến giao thông kết nối nội vùng và liên vùng quan trọng như: Đường 991B, Long Sơn - Cái Mép, đường liên cảng, cầu Phước An nối Vũng Tàu - Đồng Nai, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…
Bên cạnh đó, Phú Mỹ cũng tập trung quy hoạch đô thị. Theo định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Phú Mỹ sẽ gồm các khu chức năng như: khu công nghiệp cảng dọc theo sông Thị Vải; khu dân cư với 6 khu đô thị có tổng quy mô 6.644 ha.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận