Thị xã có cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam đón thêm dự án từ 'chaebol' Hàn Quốc
Sáng 31/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đã tiếp đại diện Tập đoàn Hyosung nghe báo cáo về đầu tư dự án sản xuất HVO (dầu diesel tái tạo, nhiên liệu hàng không bền vững được sản xuất thông qua xử lý dầu và chất béo từ xúc tác hydro) tại KCN Phú Mỹ 2, Thị xã Phú Mỹ.
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD với diện tích 8,4ha. Sản lượng dự kiến 234 triệu tấn nhiên liệu hàng không bền vững/năm.
Đại diện Hyosung cho biết, đây là một trong những dự án sử dụng công nghệ mới tại Việt Nam, sản xuất ra sản phẩm thân thiện với môi trường do sử dụng nguồn nguyên liệu sinh học tinh chế như dầu ăn đã qua sử dụng, dầu cá, dầu cọ, mỡ động vật.
Công nghệ này giúp giảm 73-84% lượng khí thải carbon so với nhiên liệu thông thường. Đại diện Hyosung cũng đã làm rõ quy trình sản xuất và cam kết về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện và vận hành dự án.
Về nhà máy sản xuất HVO, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, với việc dự án sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm là nguồn nhiên liệu xanh, thân thiện với môi trường, lãnh đạo tỉnh ủng hộ chủ trương thực hiện.
Trước đó, Công ty THHH Hyosung Việt Nam (Tập đoàn Hyosung Hàn Quốc) từng bày tỏ kế hoạch đầu tư dự án nhà máy sản xuất sợi và vật liệu carbon tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 với tổng số vốn gần 1 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư giai đoạn đầu khoảng 160 triệu USD.
Tập đoàn Hyosung được thành lập năm 1962, dẫn đầu Hàn Quốc về sản xuất máy biến áp điện xuất khẩu tới 70 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, tập đoàn này đã đầu tư 3,5 tỷ USD vào các dự án ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tập đoàn Hyosung Việt Nam có dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung đã đi vào hoạt động tại KCN Cái Mép với tổng số gần 1,4 tỷ USD.
Thị xã Phú Mỹ có cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, chiếm 9/15 khu công nghiệp ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thị xã Phú Mỹ được thành lập vào năm 2018 trên cơ sở toàn bộ địa giới hành chính, dân số và hiện trạng của huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thị xã trải dài trên diện tích 333,8km2, dân số 180.000 người (số liệu năm 2019). Thị xã Phú Mỹ có vị trí thuận lợi khi phía Tây giáp TP. HCM, phía Nam giáp TP. Bà Rịa và Vũng Tàu, phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai. Nơi đây được định hướng phát triển 5 mũi nhọn kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong đó, thế mạnh cảng biển được chú trọng. Phía tây Phú Mỹ được bao trọn bởi dòng sông Thị Vải với hệ thống luồng lạch sâu thuận lợi để phát triển cảng nước sâu, nổi bật là cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Đây là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ chở container đi trực tiếp châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ 3; với 35 bến cảng, nằm trong top 19 cảng biển lớn nhất thế giới.
Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) là cảng lớn nhất, chiếm đến gần 53% thị phần trong giai đoạn từ 2011 đến 2021. Cảng có tổng mức đầu tư 100 triệu USD. Khi mới đi vào hoạt động năm 2011, đây là cảng trung chuyển container nước sâu đầu tiên của Việt Nam.
Thị xã Phú Mỹ là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với hệ thống 9 cụm - khu công nghiệp đang hoạt động có quy mô lên đến 50km2. Các khu công nghiệp ở Phú Mỹ tập trung đa dạng ngành nghề, nổi bật là điện - khí - đạm.
Năm 2023, Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo về chủ trương xây dựng đề án thành lập TP. Phú Mỹ và các phường trực thuộc. Sở Nội vụ cho rằng thị xã Phú Mỹ đạt 11/11 tiêu chuẩn thành lập thành phố thuộc tỉnh.
3 xã Tân Hải, Tân Hòa và Tóc Tiên thuộc thị xã đạt 17/17 tiêu chuẩn thành lập phường. Đây là bước đi quan trọng để hiện thực hoá nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thị xã Phú Mỹ lần thứ VI về phấn đấu xây dựng thị xã trở thành thành phố gắn với thế mạnh công nghiệp, cảng biển vào năm 2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận