Thị trường vừa ấm lên, 'cò' đất đã rục rịch trở lại với đủ chiêu trò
Những tia sáng dần hé lộ trên thị trường bất động sản, không ít nhà đầu tư đã sẵn sàng nguồn tiền đón sóng. Tuy nhiên, trong giai đoạn tranh tối tranh sáng, không ít môi giới chớp cơ hội tung “bánh vẽ”, thổi giá, gây nhiễu thị trường.
Sốt đất đấu giá có lẽ là một trong những câu chuyện gây chú ý với những người quan tâm đến thị trường bất động sản thời gian qua. Một hiện tượng dễ thấy là sau các phiên đấu giá nóng hầm hập, đội “cò” lập tức đổ về các khu vực lân cận, dựng rạp tư vấn, bán đất.
Gây nhiễu thị trường
Như ở Thanh Oai (Hà Nội), sau khi kết thúc phiên đấu giá gây sốc vào cuối tháng 8 vừa qua, hàng loạt ki ốt tạm bợ được các công ty bất động sản dựng lên dọc các tuyến đường lân cận.
Không ít lô đất vừa trúng đấu giá gấp 6-8 lần khởi điểm đã nhanh chóng được đưa vào danh sách bán hàng, với giá rao chênh 300-500 triệu đồng. Môi giới kẻ ra người vào, tiếp hàng chục lượt khách mỗi ngày. Giá các lô đất được cho là “đắc địa”, tiềm năng sinh lời kép, được thổi giá lên chót vót.
Việc môi giới đổ về các khu vực đang gây chú ý là chuyện thường tình, và không thể đánh đồng tất cả đều có mục đích xấu. Tuy nhiên, theo giới quan sát, có không ít “cò” đất, nhà đầu cơ chuyên nghiệp đang tìm đến khu vực đấu giá với mục đích “mượn nước đẩy thuyền”, tăng giá đất ở vùng lân cận, gây nhiễu, thậm chí làm loạn thị trường chung.
Không riêng Hà Nội, ở hầu hết các địa phương, tình trạng môi giới rục rịch trở lại tung “chiêu trò” hút khách đang ngày càng nhiều. Như ở TP.HCM, khu vực phường 13, quận Tân Bình - nơi có công trình nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất sắp hoàn thành, đang trở thành điểm nóng, ngày nào cũng có hàng chục lượt khách được môi giới đưa đến xem nhà, đất.
Anh Võ Đăng Quang, một nhà đầu tư có hơn 10 năm kinh nghiệm, cho biết vào đầu tháng 9 vừa qua, sau thời gian đi khắp các tỉnh vùng ven “săn” hàng, anh trở lại khu vực Tân Bình để tìm hiểu, với kỳ vọng có thể mua được 1-2 lô đất đẹp đón sóng thị trường.
Gọi điện vào số điện thoại trên một tờ rơi khu vực đường Hoàng Hoa Thám, anh Quang được môi giới nhận cuộc gọi cho biết giá nhà đất mặt tiền đường Hoàng Hoa Thám và các trục đường xương cá xung quanh hiện có giá bình quân 160-220 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
“Điện thoại tôi thời gian này gần như cháy máy, mỗi ngày cả trăm cuộc gọi, rồi dẫn khách đi xem nhà, xem đất. Mức giá sẽ tăng ít nhất 20-40 triệu đồng/m2 trong thời gian tới, nếu không xuống tiền nhanh là có người nhảy vào ngay”, anh Quang thuật lại lời môi giới quảng cáo.
Tin lời môi giới, anh Quang đến gặp mặt trực tiếp và cái kết là bị đưa đến xem một lô đất nằm sâu trong ngõ nhỏ, đường rộng chưa đầy 2m, diện tích cũng không được như quảng cáo, mức giá lại siêu “ảo” gần 180 triệu đồng/m2, khiến anh ngã ngửa.
Cẩn trọng để tránh “sập bẫy”
Không chỉ có chiêu “nói một đằng, đi một nẻo”, không ít môi giới đang áp dụng kiểu tư vấn mập mờ, thật giả lẫn lộn, khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” sau khi xuống tiền.
Trên một diễn đàn nhà đất đình đám, chị Hà Thu chia sẻ câu chuyện sau khi nghe tư vấn của môi giới, chị quyết định xuống tiền đầu tư một căn hộ cao cấp ở quận 9 (TP.HCM) cách đây hơn 1 năm, với cam kết đầy màu hồng, nhưng đến nay dù chấp nhận “cắt lỗ” 500 triệu đồng vẫn không thể bán ra.
“Môi giới tư vấn chỉ cần bỏ ra 15% để nhận nhà, nhận xong nhà ở 6 tháng mới phải tất toán, trong thời gian đó bán chênh 100% có lãi. Nhưng đời không như mơ, giờ bán không được, cho thuê không xong, nợ ngân hàng đè nặng hàng tháng”, chị Thu tâm sự và thừa nhận đã vì một phút “nhẹ dạ” mà lâm vào tình cảnh bi đát như hiện tại.
Có một sự thật dễ thấy là giữa nhà đầu tư cá nhân và môi giới địa ốc luôn tồn tại hai mặt của một đồng xu, một mặt cộng sinh, còn một mặt đối đầu. Hai bên cần nhau để tìm ra một sản phẩm tốt, nhưng một bên cố gắng bán giá cao nhất, còn một bên cố mua giá rẻ nhất.
Cần phải nhấn mạnh, việc tung ra “bánh vẽ” về một dự án để “lùa” nhà đầu tư nhẹ dạ mà không có cảnh báo rõ ràng về rủi ro là lỗi của môi giới nhà đất, không thể biện bạch. Nhưng ở chiều ngược lại, nhiều người trong nghề cho rằng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
Anh Việt, một “siêu cò” có gần 10 năm buôn bán nhà đất, cho rằng những nhà đầu tư có hàng tỷ đồng để đi đầu tư thì chắc chắn là những người có khả năng tư duy, suy nghĩ chín chắn, đủ nhận thức để hiểu được “cơ hội luôn đi cùng rủi ro”. Vì vậy, quyết định xuống tiền hay không là ở khách hàng.
“Sale (môi giới) thị trường thì 90% sẽ chỉ nói về điểm mạnh, về cái hay cái đẹp của một dự án, không chỉ bất động sản mà ngành nào cũng thế, đó là nghệ thuật bán hàng. Quan trọng là cách người mua tiếp nhận thông tin, cái nào hay thì ghi nhận, ảo quá thì bỏ. Nguyên tắc là đầu tư thì luôn có được và mất, nếu xét thấy cái được nhiều hơn cái mất thì có thể rót tiền”, anh Việt phân tích.
Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang biến động mạnh, bên cạnh những môi giới vừa có tâm vừa có tầm, một bộ phận không nhỏ “cò” nhà đất hám lợi đang tận dụng thời cơ để “lùa” khách hàng, đặc biệt là những nhà đầu tư mới sẵn tiền nhưng kiến thức còn non.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (VARS), cho biết nhìn vào tình hình vĩ mô có thể thấy thị trường bất động sản vẫn chìm trong khó khăn. Việc môi giới tung chiêu hô hào thị trường bất động sản đã "ấm" lên xưa nay không hiếm nhằm tạo sóng ảo.
Vì vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước các chiêu trò của môi giới để tránh rơi vào tình trạng mất thêm tiền hay bị “mắc kẹt”, nhất là trong lúc thị trường mới chỉ đang ở thời kỳ đầu hồi phục như hiện nay.
Để được tư vấn tốt hơn, khách hàng và nhà đầu tư cần tìm đến những văn phòng, trung tâm môi giới có uy tín, đã khẳng định được thương hiệu. Những lời tư vấn quá “bùi tai” là một chỉ dấu cần thận trọng. Đặc biệt, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ lưỡng, đề phòng những khu vực “cò” dựng rạp, người ra người vào như con thoi, nhạc loa ầm ĩ...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận