Thị trường viên nén gỗ "nóng" lên khi EU "khát" năng lượng
Lĩnh vực này đang tăng trưởng và phát triển, sản lượng dự kiến sẽ tăng một triệu tấn vào năm 2024 và gấp đôi vào năm 2028.
Theo nghiên cứu được công bố gần đây của FMI, đơn vị báo cáo và phân tích thị trường, nhu cầu dành cho viên gỗ nén dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 11% trong giai đoạn 2022-2032, đạt tổng cộng 26,15 tỉ USD trong năm 2032. Từ năm 2017 đến năm 2021, đã có sự tăng trưởng đáng kể trong doanh số của mặt hàng này, đạt tốc độ CAGR là 8%.
Viên nén gỗ là một nguồn năng lượng sinh học, có lợi cho môi trường, bền vững và có thể tái tạo. Nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu về năng lượng tái tạo đang thúc đẩy việc sử dụng viên nén gỗ để cắt giảm nhiên liệu hóa thạch, vốn góp phần làm trái đất nóng lên. Điều này được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành trong giai đoạn dự báo.
Giá viên nén gỗ đang tăng cao ở châu Âu do sự thiếu hụt khi người dân chuẩn bị sớm cho mùa đông và ngày càng nhiều hộ gia đình ưa chuộng mặt hàng này. Những người phụ thuộc vào nó có thể phải đối mặt với một mùa đông “đắt đỏ” nếu xu hướng này tiếp tục, khi tình trạng hàng tồn kho hiện đang thiếu hụt.
Tại sao trữ lượng thiếu hụt?
Nhu cầu tăng sớm hơn bình thường trong năm nay, ngay cả trước đợt sản xuất đầu tiên của năm 2022. Một phần vì người dân chuẩn bị sớm cho mùa đông, một phần vì nỗi sợ chi phí năng lượng tiếp tục leo thang.
Liên đoàn hệ thống sưởi của Pháp, FFCCC, cho biết: “Việc lắp đặt bếp và máy sưởi đang tăng nhanh hơn khả năng sản xuất nhiên liệu của quốc gia”.
Dẫn đến một số cửa hàng đã buộc phải hạn chế bán hàng và những nơi khác khác gần như hết sạch.
Một người quản lý của một cửa hàng ở Fleurance, Pháp, chia sẻ: "Chúng tôi nắm được số lượng, ngày hàng đến thậm chí là giá cả. Hiện lượng cầu đang rất cao. Nếu lô hàng không đến được, tiệm sẽ chịu khá nhiều tổn thất. ”
Theo FFCCC, tình hình sẽ ổn định trong những tháng tới, nhưng sự thiếu hụt nguồn cung có thể lên tới 5-15% tùy thuộc vào thời tiết, vì thời tiết ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu người dùng.
Giải pháp duy nhất trong trường hợp mùa đông quá lạnh là nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng FFCCC cho rằng giải pháp này cũng chưa hẳn là tối ưu, vì nhiều nước khác cũng đang gặp phải tình trạng thiếu hụt tương tự.
Tuy nhiên, lĩnh vực này đang tăng trưởng và phát triển, sản lượng dự kiến sẽ tăng một triệu tấn vào năm 2024 và gấp đôi vào năm 2028.
Cơ hội cho Việt Nam
Tại châu Á, thị trường viên gỗ cũng đang ngày càng lớn mạnh, có thể kể đến Trung Quốc với số lượng sản xuất cũng như xuất khẩu lên đến cả trăm ngàn tấn.
Từ năm 2013 đến 2014, lượng xuất khẩu viên gỗ của Trung Quốc đã nhảy vọt, từ 3,293 lên đến 165,654 tấn. Tuy nhiên vào năm 2015 con số này đã tụt xuống còn 52,025 tấn, phần lớn là vì sự cạnh tranh giá đến từ Việt Nam, cụ thể là sang thị trường Hàn Quốc. Theo ông Gordon Murray, Giám đốc điều hành của Hiệp hội viên nén gỗ Canada, Hàn Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 743.000 tấn gỗ nén nói chung và 1,03 triệu tấn từ Việt Nam nói riêng, trong năm 2014 và 2015.
Tính đến năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 3,2 triệu tấn viên gỗ nén các loại và, trở thành nước xuất khẩu sản phẩm này lớn thứ hai thế giới, theo Tổng cục Hải quan.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết viên nén của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc để làm nguồn cung đầu vào cho sản xuất nhiệt điện của hai nước này.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế suất xuất khẩu đối với viên gỗ nén và viên than gỗ về mức 2% hoặc 0%. Hiện viên than gỗ được áp thuế xuất khẩu 10%, mặt hàng được sản xuất từ viên gỗ nén hiện có thuế suất xuất khẩu 0%.
VCCI cho rằng mức thuế suất như vậy là bất hợp lý vì khi thuế xuất khẩu của thành phẩm cao hơn thuế xuất khẩu của nguyên liệu thì quá trình sản xuất trong nước sẽ không được khuyến khích.
Nếu được thông qua, đây sẽ là một lợi thế cực lớn cho các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam, bởi thị trường châu Á và cả trên toàn thế giới đang có rất nhiều dư địa cho Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận