Thị trường vật liệu ốp lát: Hàng nội đang chiếm ưu thế
Mặc dù tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến các vụ hoạt động xây dựng, nhưng thị trường vật liệu ốp lát vẫn phát triển sôi động. So với những năm trước đây, vật liệu ốp lát, đặc biệt là sản phẩm sản xuất trong nước tiếp tục có sự cách tân về thiết kế, cạnh tranh về giá thành, mang đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng và đang dần chiếm ưu thế so với sản phẩm nhập ngoại.
Dù dịch bệnh vẫn cạnh tranh lớn
KTS Trần Huy Hoàng - Văn phòng KTS Trần Hoàng cho biết, khác với những năm trước đây, từ đầu năm 2021 đến nay, người tiêu dùng (cả khách hàng cá nhân và dự án) đều có xu thế lựa chọn những sản phẩm vật liệu ốp lát sản xuất trong nước, giá thành thấp hơn nhưng mẫu mã thiết kế và chất lượng không thua kém nhiều so với sản phẩm nhập khẩu.
“Khó khăn về kinh tế do dịch bệnh đã khiến cho nhu cầu mua sắm của người dân thay đổi. Nhưng qua thực tế thi công nhiều công trình, chúng tôi nhận thấy sản phẩm vật liệu ốp lát của DN trong nước với sự thay đổi về công nghệ sản xuất đã đáp ứng tốt với điều kiện môi trường và thẩm mỹ cho mỗi công trình” - KTS Trần Huy Hoàng nói.
Trong lĩnh vực xây dựng nói chung, công nghệ sản xuất vật liệu ngày càng phát triển mạnh, một trong số đó có vật liệu ốp lát, những sản phẩm mới liên tục ra đời với nhiều mẫu mã đẹp, kích thước linh hoạt, tính năng ưu việt. Nguồn cung cấp cũng rất phong phú, từ những doanh nghiệp trong nước, liên doanh, sản phẩm nhập trực tiếp từ nước ngoài, giá thành từ cao cấp đến bình dân.
Khảo sát một vòng tại các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) tập trung trên phố Cát Linh, Láng Hạ, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến… ngoài những DN nội địa như Hoàng Gia, Viglacera, Đồng Tâm, Thạch Bàn, CMC... còn có sự tham gia của DN vốn đầu tư nước ngoài như Taicera, Bạch Mã, Prime... Nhiều DN tư nhân trong nước mới được thành lập không lâu nhưng năng lực sản xuất rất lớn như Catalan, Toko, Vitto, Tasa…
Vật liệu ốp lát phổ biến thường được sử dụng trong các công trình xây dựng hiện nay là gạch Ceramic, Porcelain, Granite. Bên cạnh đó, gạch Cotto là một loại gốm không phủ men, có màu đỏ đất nung, thường được sử dụng để lát sân vườn, lát sàn cho những công trình kiến trúc giả cổ, nhưng do ứng dụng không rộng rãi, nhu cầu gạch cotto là thấp nhất trong số các loại gạch ốp lát.
Theo bà Lý Thục Anh - chủ đại lý VLXD trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), thời gian gần đây thị trường vật liệu ốp lát có sự cạnh tranh khốc liệt từ DN ngoại và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng DN trong nước vẫn đứng vững nhờ sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ. Gạch Trung Quốc đang trực tiếp cạnh tranh với hàng nội địa, ngoài ra gạch ốp lát tới từ Malaysia, Indonesia, Ấn Độ... cũng được nhập khẩu khẩu với số lượng nhỏ.
“Mẫu mã vật liệu ốp lát đang được người tiêu dùng ưa chuộng trong năm nay, tùy vào thiết kế, công năng sử dụng và diện tích công trình người tiêu dùng sẽ lựa chọn theo: kích cỡ, vân đá, vân gỗ, giả bê tông... trong đó gạch kích cỡ lớn đang được ưa chuộng nhất và được áp dụng cho nhiều công trình cao cấp, như khách sạn, trung tâm thương mại...” - bà Lý Thục Anh chia sẻ.
Xu hướng sử dụng gạch kháng khuẩn
Thực tế, nhu cầu xây dựng hiện nay vẫn lớn, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người tiêu dùng chú tâm hơn đến việc tiết giảm chi phí xây dựng. Riêng đối với vật liệu ốp lát thay vì lựa chọn sản phẩm nhập ngoại, người tiêu dùng chuyển sang dùng hàng nội địa, giá cả hấp dẫn hơn nhưng mẫu mã, chất lượng cũng tương đối cạnh tranh. Trong đó, sản phẩm gạch lát nền thương hiệu Việt Nam như Đồng Tâm, Prime, Viglacera… dao động từ 80.000 - 250.000 đồng/m². Gạch lát nền nhập khẩu từ Malaysia, Italia, Tây Ban Nha... có giá từ 400.000 - 1,3 triệu đồng/m².
“Nhu cầu của thị trường hiện nay đang có xu hướng giảm hàng ngoại nhập, đặc biệt là sản phẩm từ Trung Quốc, nên chúng tôi ít nhập hàng về. Người tiêu dùng bây giờ đã quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm gạch ốp lát trong nước, không chỉ bởi giá thành hợp lý, mà chất lượng, mẫu mã ngày càng được cải tiến đa dạng, bắt mắt hơn. Sản lượng bán hàng của chúng tôi thời gian gần đây, vật liệu ốp lát nhập ngoại chỉ chiếm khoảng 15 - 20% ” - bà Lý Thục Anh cho biết thêm.
Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà sản xuất trong nước đã nhanh chóng cải tiến công nghệ, sản xuất ra nhiều loại vật liệu ốp lát mới có tính năng kháng khuẩn và ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Cũng giống những sản phẩm ốp lát thông dụng trước đây, nhưng nhà sản xuất đã sử dụng công nghệ kháng khuẩn trên bề mặt gạch, với ưu điểm nổi bật là tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, loại bỏ rêu mốc trên các bề mặt, bên cạnh đó còn có khả năng tự phân huỷ các chất độc hại khi dính trên bề mặt.
“Mẫu gạch kháng khuẩn công nghệ cao, góp phần trong việc bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Sản phẩm sản xuất được ứng dụng công nghệ Nano TiO2 có khả năng tự làm sạch môi trường thông qua phản ứng quang xúc tác, có thể loại bỏ hoàn toàn rêu mốc trên bề mặt; phân huỷ các chất độc hại bền vững như dioxin, thuốc trừ sâu...” - đại diện công ty Viglacera cho hay.
Theo một số chuyên gia ngành VLXD, DN sản xuất vật liệu ốp lát trong nước đang thắng thế so với hàng ngoại trong nhờ vào việc đi đúng hướng, đó là đi vào thị trường ngách, xây dựng dân dụng tại các địa phương, thậm chí về cả vùng quê. Ngoài ra, việc thị trường bất động sản đang phát triển trở lại cũng tạo cơ hội cho ngành gạch ốp lát trong nước, với sự nỗ lực cải tiến chất lượng, đổi mới mẫu mã của các DN Việt, tới đây, vật liệu ốp lát nội sẽ chinh phục được ngày càng nhiều hơn người tiêu dùng trong nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận