Thị trường trái phiếu riêng lẻ 2021: Ngưng chào đón cá nhân đầu tư không chuyên
Thị trường mua bán trái phiếu riêng lẻ trong thời gian vừa qua diễn ra khá sôi động, nhưng ngay sau Tết Dương lịch năm 2021, nhiều nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ phải dừng cuộc chơi trên thị trường trái phiếu riêng lẻ vốn dĩ đang rất hấp dẫn; hoặc chỉ có thể đầu tư thông qua việc ủy thác cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Từ 01/01/2021, chỉ có dân chuyên nghiệp mới được tự mình mua trái phiếu riêng lẻ
Một trong những điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 là thu hẹp đối tượng được quyền mua trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng và công ty trách nhiệm hữu hạn (gọi chung là “trái phiếu riêng lẻ”).
Đối tượng được mua trái phiếu riêng lẻ, gồm: (i) nhà đầu tư chiến lược đối với trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ và trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ; và (ii) nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ và loại trái phiếu riêng lẻ khác.
Như vậy, trừ trường hợp là nhà đầu tư chiến lược, cá nhân sẽ không được mua trái phiếu riêng lẻ nếu không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Vậy khi nào một cá nhân đầu tư chứng khoán được xem là chuyên nghiệp? Vấn đề này được quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, cũng có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Doanh nghiệp là ngày 01/01/2021.
Cá nhân được xác định là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán, cụ thể là phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau: (i) có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; hoặc (ii) có nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán; hoặc (iii) có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng theo hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân chi trả.
Vì đâu “cấm cửa” người không chuyên
Với mức lãi suất thường cao hơn so với gửi tiết kiệm, không đối mặt với rủi ro biến động giá cao, có thể được bảo đảm bằng tài sản, nếu cần bán trước hạn thì có thể được ngân hàng, công ty chứng khoán hỗ trợ mua lại, việc đầu tư trái phiếu có vẻ dễ dàng hơn so với đầu tư cổ phiếu và hấp dẫn hơn gửi ngân hàng. Cùng với đó là những lời giới thiệu “có cánh”, nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu với tâm lý chắc thắng.
Tuy nhiên, mua trái phiếu doanh nghiệp là hoạt động đầu tư, mà đầu tư thì luôn có rủi ro. Từ 2018 đến nay, thị trường chứng kiến sự bùng nổ của việc phát hành trái phiếu riêng lẻ bởi điều kiện phát hành khá thông thoáng, phù hợp cho cả những doanh nghiệp có tuổi đời trẻ, quy mô vừa phải.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp ít tên tuổi, không có tài sản bảo đảm cũng gọi vốn thành công qua kênh trái phiếu. Điều này làm dấy lên lo ngại về rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, rủi ro lớn nhất chính là rủi ro mất vốn khi tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán và không có tài sản để xử lý thu hồi nợ cho trái chủ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng nhà đầu tư cá nhân có ít thông tin, khả năng phân tích, đánh giá rủi ro còn hạn chế, khó có khả năng kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu... nên việc đầu tư trái phiếu riêng lẻ tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Từ đó, nhà làm luật đã phải phân loại và chỉ cho các cá nhân đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được tự mình tham gia thị trường.
Không nên loại trừ rủi ro bằng việc hạn chế tham gia thị trường
Ranh giới giữa sự chuyên hay không chuyên để phân loại nhà đầu tư được tự mình đầu tư trái phiếu riêng lẻ nếu xác định bằng giá trị tài sản, bằng thu nhập thì sẽ tạo sự bất công, bất hợp lý.
Dù một người đã tốt nghiệp đại học có chuyên ngành về tài chính, đã tham gia đầu tư chứng khoán nhiều năm nhưng có vốn thấp nên giá trị chứng khoán nắm giữ nhỏ hơn 2 tỷ đồng, năm trước có thu nhập chịu thuế thấp hơn 1 tỷ đồng thì vẫn coi là dân không chuyên.
Ngược lại, nếu một người chưa từng đầu tư chứng khoán, nhưng năm trước có thu nhập chịu thuế là 5 tỷ đồng từ kinh doanh bất động sản thì vẫn có thể được xem là đối tượng đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Việc đặt ra điều kiện về giá trị chứng khoán đang nắm giữ hay thu nhập chịu thuế không phải là bài kiểm tra để có thể đánh giá được sự chuyên hay không chuyên trong hoạt động đầu tư.
Nhu cầu được đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận là một nhu cầu có thật, chính đáng, hợp pháp đáng được khuyến khích. Trong thời gian qua, việc kêu gọi đầu tư bất hợp pháp vào tiền ảo, forex, sàn vàng... đã huy động được một số vốn khủng khiếp từ người dân, tạo ra nhiều hệ lụy.
Ở một góc độ nào đó, việc mở rộng, phát triển các kênh đầu tư hợp pháp, chính thống, có hành lang pháp lý rõ ràng, được pháp luật bảo vệ cũng chính là “cảng trú an toàn” cho nguồn vốn của người dân, hạn chế việc bị lôi kéo, dụ dỗ đầu tư vào những kênh bất hợp pháp, kể cả đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, có số vốn thấp.
Do vậy, thay vì hạn chế những cá nhân đầu tư không chuyên thì có thể nâng cao các tiêu chuẩn của thị trường trái phiếu riêng lẻ như: buộc phải có tài sản bảo đảm nếu giá trị đợt chào bán đạt đến một giá trị nhất định; tăng cường các biện pháp buộc doanh nghiệp phải minh bạch thông tin về năng lực tài chính, hoạt động kinh doanh trước và trong đợt phát hành trái phiếu; có cơ chế để trái chủ được quyền kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn huy động từ trái phiếu một cách chặt chẽ; bổ sung trách nhiệm cảnh báo rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân trước khi đầu tư để họ hiểu rõ các rủi ro có thể gặp phải và có quyết định phù hợp; phát triển xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Đầu tư tìm kiếm lợi nhuận sẽ luôn đi kèm rủi ro. Nhà làm luật tìm cách hạn chế các rủi ro có thể xảy ra đối với đối tượng yếu thế là các cá nhân trong thị trường trái phiếu là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc hạn chế rủi ro cần được xây dựng theo hướng tạo ra một môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch chứ không phải bằng việc tạo ra các rào cản khi tham gia thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận