Thị trường trái phiếu là thị trường của niềm tin
Những diễn biến mới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đòi hỏi phải được quản lý chặt chẽ, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán.
Thời gian qua, có rất nhiều đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp, nhưng được chào bán rộng rãi cho các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, ông nghĩ sao về thực tế này?
Theo quy định, các bên liên quan đến đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ không được sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet để chào bán cho các nhà đầu tư.
Khi sử dụng phương thức email, khó có thể kiểm soát được họ gửi cho bao nhiêu người, tương tự là tình trạng “dội bom” email tới các nhà đầu tư, trong khi theo nguyên tắc thì doanh nghiệp chỉ được chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư.
Có không ít công ty chứng khoán, ngân hàng ôm một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp rồi bán lại cho các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Việc làm này có nên tuýt còi không khi trình độ đánh giá rủi ro của nhà đầu tư cá nhân là thấp?
Công ty chứng khoán ôm lượng trái phiếu của doanh nghiệp rồi bán cho nhà đầu tư, tôi cho rằng, chuyện đó bình thường.
Về nghiệp vụ, cần lưu ý là trong cách thức làm cần phải tuân thủ 2 hình thức: phát hành ra công chúng thì được bán công khai, phát hành riêng lẻ thì chỉ được giao dịch trên thị trường thứ cấp sau 1 năm.
Khi đi bán trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân, cần cung cấp thông tin minh bạch, tránh cung cấp thông tin sai lệch, tạo ra kỳ vọng không tốt cho nhà đầu tư. Minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin công bằng là các tiêu chí cần đặc biệt lưu tâm.
Chúng ta đã nói nhiều đến định mức tín nhiệm và nhu cầu cần có tổ chức này trên thị trường trái phiếu Việt Nam, song dường như sự hiện diện của định chế tài chính này còn xa vời?
Thực ra, khung pháp lý thì chúng ta đã có khá đầy đủ, nhưng chưa có đơn vị nào có kinh nghiệm xây dựng, vận hành loại hình dịch vụ này.
Bởi vậy, mình sẽ phải chấp nhận quá trình phát triển từ từ, không chỉ các công ty định hạng tín nhiệm, mà cả nhà quản lý cũng cần thời gian để thích nghi.
Để nâng cao chất lượng của loại hình dịch vụ đặc biệt này, bên cạnh khung pháp lý là rất quan trọng, còn cần các tiêu chí cụ thể như nguồn lực nhân sự, vốn, công tác quản trị, để làm sao đảm bảo các công ty khi thành lập có đủ nguồn lực về tài chính, con người, tri thức và năng lực quản trị, cách thức quản trị để đảm bảo công ty vận hành tốt ngay từ đầu.
Nghị định về lĩnh vực này cũng quy định các điều kiện khá chặt chẽ, đơn cử, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu 25 tỷ đồng.
Cho đến thời điểm này, tiến độ thành lập doanh nghiệp định hạng tín nhiệm theo thông tin của Hiệp hội đang đi đến đâu?
Một số công ty kiểm toán thuộc Big 4 đang trao đổi và xúc tiến việc này. Đồng thời, chúng tôi cũng trao đổi với các nước trong khu vực có kinh nghiệm để có thể đi vào triển khai.
Bất kể nhà đầu tư nào khi bỏ vốn ra đầu tư không ai muốn thất bại, muốn thành công để công ty phát triển, nâng cao chất lượng và tạo được niềm tin.
Nghề định hạng tín nhiệm là kinh doanh uy tín, để thị trường chấp nhận cần có quá trình hình thành, phát triển.
Chúng tôi cho rằng, để thị trường tốt cần cho ra đời 4 - 5 công ty định mức tín nhiệm để cạnh tranh, công ty nào tốt sẽ được thị trường tín nhiệm, chứ không nên để độc quyền trong lĩnh vực này.
Còn tất nhiên, thị trường cần thời gian, không thể cứ lập ra công ty tín nhiệm là phải chuẩn chỉ ngay được.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận