24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Duyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Không để ‘con sâu làm rầu nồi canh’

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ Quốc gia, để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Việt Nam va cần kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa phải kiểm soát được rủi ro. Trước mắt, cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, cũng như tránh tạo tiền lệ xấu. 

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Không để ‘con sâu làm rầu nồi canh’
Ngoài vốn tín dụng ngân hàng, từ nay đến năm 20230, mỗi năm Việt Nam cần huy động 700.000 - 1 triệu tỷ đồng vốn trung và dài hạn. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 3 quan điểm quan trọng, bao gồm: Thứ nhất, không để “con sâu làm rầu nồi canh”, nghĩa là doanh nghiệp nào làm sai, vi phạm, đương nhiên phải xử phạt rất nặng, còn doanh nghiệp nào làm ăn chân chính thì phải tiếp tục tạo điều kiện để phát triển; thứ hai, không hình sự hóa quan hệ kinh tế; thứ ba, mục tiêu chính của Việt Nam là để lành mạnh hóa thị trường và không ‘bóp nghẹt..."

TS Cấn Văn Lực cho biết: Việt Nam tiếp tục chú trọng phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, vì trái phiếu Chính phủ được dùng làm mốc chuẩn để định giá lãi suất và phát hành TPDN.

Trong các năm qua, thị trường TPDN phát triển tương đối nóng nên cần có giải pháp để kiểm soát. Trong 4 tháng đầu năm nay, quy mô phát hành TPDN đã giảm, đặc biệt TPDN đã giảm, đặc biệt TPDN bất động sản đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Để lành mạnh hóa thị trường, TS Cấn Văn Lực đề nghị cần có quy định về định hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành. Theo đó, cần xác định những trường hợp bắt buộc khi thấy rủi ro. Với doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm quốc tế, có kiểm toán thì không nên bắt buộc mà chỉ khuyến khích có đánh giá xếp hạng tín nhiệm.

“Sau những vụ việc ‘lùm xùm’ trên thị trường tài chính xảy ra vừa qua, các quan điểm về thị trường TPDN đang chuyển từ thái cực mở sang quản lý chặt chẽ. Điều đó là chưa hợp lý với nguyên tắc thị trường và nếu cứ tiếp tục như vậy, Việt Nam sẽ khó có được một thị trường trái phiếu lành mạnh, hay đạt đến mục tiêu 20% GDP như các chuyên gia đề cập”, ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng viện chiến lược, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết.

Vì thế, về cách tiếp cận của thị trường phải rất mở, đảm bảo theo nguyên lý kinh tế thị trường, để cân bằng vốn giữa thị trường dài hạn và ngắn hạn; đồng thời, phải cân bằng giữa rủi ro và phát triển thị trường. Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 có nói đến hạn mức vay nợ của doanh nghiệp không quá 3 lần so với vốn chủ sở hữu, nhưng cách tiếp cận đó theo ông Phạm Xuân Hoè là chưa phù hợp.

“Trước kia, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến nghị, mức vay nợ tổng thể với doanh nghiệp, bao gồm trái phiếu, cổ phiếu, tín dụng vay của các tổ chức khác... mà mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có câu chuyện hệ số vay nợ khác nhau. Ví dụ ngành thương mại được tài trợ 70% còn 30% là vốn tự có, còn lĩnh vực công nghiệp là 50 - 50%. Như vậy, chúng ta phải phân tích theo đặc thù ngành nghề để giới hạn, không nên kéo bằng như nhau”, ông Phạm Xuân Hoè đề xuất.

Bổ sung thêm khuyến nghị về xếp hạng tín nhiệm, vị chuyên gia này đánh giá, doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm trên thị trường hiện nay còn nhiều hạn chế, lực lượng mỏng sẽ không đủ sức đáp ứng yêu cầu khi thị trường tăng cao. Theo đó, cần có dòng vốn cho các doanh nghiệp này phát triển, Chính phủ nên có ngân sách hỗ trợ các công ty xếp hạng tín nhiệm phát triển ổn định, có đủ tiềm lực mạnh mẽ góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu tăng trưởng.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ Ban kinh tế của Quốc hội cho biết: Để phát triển thị trường TPDN hiệu quả và bền vững, việc hoàn thiện khung pháp luật sắp tới có 2 vấn đề. Theo đó, thị trường vốn là kênh có sự chia sẻ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, chứ không thể có an toàn tuyệt đối; trong biện pháp can thiệp thị trường TPDN, việc giám sát để bảo đảm tuân thủ pháp luật là điều phải làm. Nhưng nếu đặt thêm các chính sách, biện pháp can thiệp thì cũng phải tính đến việc "đôi khi thị trường bị vỡ do sự can thiệp", cho nên cần hết sức cân nhắc.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, khi phát hành trái phiếu ở thị trường sơ cấp, số nhà đầu tư là cá nhân tham gia chỉ có 8,6%, sau đó tất cả các trái phiếu ở thị trường sơ cấp lại được bán cho các đầu tư cá nhân ở thị trường thứ cấp. Do đó việc can thiệp, nên tập trung nhiều ở thị trường thứ cấp, ở đó chủ yếu là các nhà đầu chuyên nghiệp.

"Muốn phát triển thị trường trái phiếu mà huy động vốn của các nhà đầu tư cá nhân thì cách tổ chức phải khác. Trên thế giới, để hạn chế bất cập thị trường trái phiếu thì phải quản chặt điều kiện phát hành. Không phải ai cũng vay vốn dễ dàng; phải quản lý dòng vốn mà doanh nghiệp huy động...Những giải pháp này giúp thị trường minh bạch hơn", ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả