Thị trường trái phiếu doanh nghiệp “khổ tận cam lai”
Giai đoạn khó khăn nhất của đợt khủng hoảng thanh khoản đã qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới được đánh dấu bởi các quy định chặt chẽ hơn và tâm lý thị trường dần được cải thiện.
Tâm lý thị trường sau giai đoạn khủng hoảng về thanh khoản và chậm trả góc/lãi tăng mạnh từ tháng 9/2022 - 6/2023 đã tốt hơn, chủ yếu nhờ vào sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phát hành. Từ tháng 3/2023, hơn 200 trái phiếu đã thực hiện kéo dài ngày đáo hạn, phần lớn gia hạn thêm khoảng 22 tháng, sau khi đạt được thỏa thuận với nhà đầu tư theo nghị định số 08/2023/NĐ-CP của chính phủ. Có nhiều tổ chức phát hành có mức vay nợ cao và sức khỏe tài chính yếu, nhưng đã tránh được tình trạng chậm trả nhờ nghị định này.
Hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng sôi động hơn, với sự giảm chênh lệch lãi suất giao dịch của trái phiếu của các tổ chức phát hành có chất lượng tín dụng trung bình so với trái phiếu chính phủ trong năm 2024. Tuy nhiên, giao dịch trái phiếu gần đây vẫn cho thấy thị trường còn thiếu nhận thức đầy đủ về rủi ro và cấu trúc nhà đầu tư chưa đủ đa dạng để duy trì hoạt động tài chính qua giai đoạn biến động.
Dự kiến việc thay đổi của luật chứng khoán có thể ban hành vào quý IV/2024, cơ quan quản lý có kế hoạch đưa ra các biện pháp bảo vệ bổ sung để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, ví dụ như hạn chế trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Sự tham gia tích cực hơn của nhà đầu tư tổ chức vào thị trường tài chính là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thị trường. Các nhà đầu tư tổ chức như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và quỹ đầu tư chỉ chiếm 8% tổng số tài sản đang lưu hành tới cuối tháng 6/2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận