Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: "Bức tranh chung là gam màu xám, nhưng chậm lại là để chắc"
Giá trị phát hành của trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm mạnh trong năm qua đã làm giảm quy mô tổng dư nợ trái phiếu và dẫn tới rủi ro tái cấp vốn tăng cao, nhất là với ngành bất động sản vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu phát hành toàn thị trường.
Đánh giá trên được chuyên gia từ FiinRatings đưa ra tại Toạ đàm: “Điểm sáng đầu tư năm 2023” do FiinGroup phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức chiều nay (ngày 15/2).
“Chìa khóa” của TPDN là chủ động minh bạch thông tin
Các chuyên gia tại Tọa đàm nhận định, điều kiện kinh doanh không thuận lợi và mức độ đòn bẩy tài chính cao, nhất là một số ngành có dự nợ trái phiếu lớn bao gồm bất động sản, đã khiến cho số lượng doanh nghiệp mất vi phạm nghĩa vụ nợ gia tăng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn tiếp tục huy động được vốn trên thị trường nội địa, hoặc được giải ngân vốn vay bởi ngân hàng và thị trường nợ quốc tế, mặc dù lãi suất có phần cao hơn so với thời gian trước.
Đặc điểm chung của các doanh nghiệp đó là: sự minh bạch thông tin về năng lực tín dụng bao gồm phương án và mục đích sử dụng vốn; những ảnh hưởng và tác động có tính chất tạm thời và có cơ hội phục hồi cao trong 12-24 tháng tới; quản trị doanh nghiệp tốt và rủi ro pháp lý thấp; có mức độ đòn bẩy phù hợp với mô hình kinh doanh và dự phóng về dòng tiền về để đáp ứng nghĩa vụ nợ.
Về triển vọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia tại Tọa đàm đã chỉ ra những giải pháp chính, “chìa khóa” là chủ động minh bạch thông tin, nhất là khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn đang ở giai đoạn đầu phát triển cần phải cải thiện hơn nữa. Nhà đầu tư cần trang bị thêm thông tin và làm quen với khái niệm rủi ro khi tham gia đầu tư cũng như làm quen với việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán bởi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.
Còn với cơ quan quản lý, các giải pháp đồng bộ cần được đưa ra nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách bài bản hơn, bao gồm việc xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thứ cấp tập trung, tạo thanh khoản giúp thị trường trở nên cân bằng hơn, bên cạnh đó là công tác xây dựng công cụ hỗ trợ đầu tư, tạo cơ chế phân loại và khuyến khích phát hành cơ sở nhà đầu tư không chỉ với tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư mà nhiều hình thức định chế đầu tư khác.
“Giải pháp tháo gỡ trước mắt được được kỳ vọng là quy định triển khai tái cơ cấu nợ TPDN khi sửa đổi Nghị định 65 đi vào hiệu lực. Cùng với điểm mấu chốt là tháo gỡ pháp lý dự án bất động sản, các chuyên gia kỳ vọng việc luân chuyển giữa kênh tín dụng ngân hàng và TPDN sẽ diễn ra theo khuôn khổ quy định mới này”, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRatings nhận định.
Cũng trong diễn biến có liên quan, việc triển khai đồng bộ giữa tín dụng bất động sản và tái cơ cấu TPDN được dự báo sẽ góp phần giải quyết một phần áp lực đáo hạn 205 ngàn tỷ đồng TPDN trong năm 2023, trong đó có 104 ngàn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn là của các doanh nghiệp bất động sản.
Giá bất động sản cần giảm đủ sâu để kích thích nhà đầu tư quay lại
Trao đổi sâu hơn tại tọa đàm về vấn đề của ngành bất động sản, các chuyên gia cũng cho rằng, việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay bất động sản là rất khó để có thể thực hiện trên phạm vi rộng.
Nguyên nhân là bởi lãi suất cho vay được quyết định bởi chất lượng tín dụng của dự án và của doanh nghiệp. Hơn nữa, trong bối cảnh lãi suất đầu vào của các ngân hàng chưa giảm được ngay và vẫn neo cao trong khoảng 9-10% cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, thì lãi suất cho vay các dự án bất động sản lên tầm 14-16% có thể là mức bình thường trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Bên cạnh đó còn phải kể đến thực tế lợi nhuận gộp của ngành bất động sản là khá cao, do đó việc tăng chi phí đầu vào vẫn có thể ở mức các doanh nghiệp chấp nhận được trong một khoảng thời gian nhất định. Trong tình huống tiêu cực hơn, các doanh nghiệp cũng có thể chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc chấp nhận lỗ một số dự án để duy trì thanh khoản cho doanh nghiệp.
Ông Đào Phúc Tường, CFA, Chuyên gia Chứng khoán cho biết, thị trường bất động sản đảo chiều trong 18 tháng qua, nguyên nhân sâu xa, cốt lõi đó là giá tăng quá nhanh trong thời gian quá ngắn tại tất cả các phân khúc. Các doanh nghiệp bất động sản cung cấp cho nhà đầu tư công cụ đòn bẩy quá lớn như hỗ trợ lãi suất, ân hạn… khiến người dân “say” đầu tư quá nhiều.
“Điều gì cần phải đến sẽ đến, trước sau cũng xảy ra. Và câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã thúc đẩy những gì cần phải diễn ra diễn ra nhanh hơn”, ông Tường nói.
Để vực dậy thị trường bất động sản, theo ông Tường, giá bất động sản cần giảm đủ sâu để kích thích nhà đầu tư quay lại thị trường. Khi có dòng tiền mới tham gia sẽ giúp giảm đòn bẩy tài chính xuống. Và để kích thích nhà đầu tư, đầu cơ tham gia thị trường bất động sản trở lại thì lãi suất cần phải giảm.
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế - Vĩ mô, Giảng viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần cởi bỏ các vướng mắc về pháp lý, giấy phép xây dựng. Hiện đã có tín hiệu, dư địa hạ lãi suất để hỗ trợ chung cho nền kinh tế, theo đó, kênh đầu tư bất động sản sẽ hấp dẫn hơn do lợi tức cho người mua nhà tăng…
Ông Lê Hồng Khang nhận định, điểm nghẽn pháp lý là một trong những vấn đề trọng yếu đối với các doanh nghiệp và dự án bất động sản hiện nay. Do đó, việc rà soát và tháo gỡ pháp lý nhất là cho Bất động sản sẽ là chìa khóa cho sự khôi phục của không chỉ thị trường TPDN, tín dụng bất động sản mà cả hoạt động tự điều tiết như chuyển nhượng dự án/ M&A. Bởi khi yếu tố pháp lý bất động sản chưa được giải quyết, doanh nghiệp không thể mở bán cho dù chấp nhận giảm giá bán và dẫn tới nguồn thu lớn nhất là từ khách hàng mua nhà chưa được khơi thông.
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 với bức tranh chung là gam màu xám, nhưng chậm lại là để chắc và tôi kỳ vọng lạc quan hơn nếu có hỗ trợ chính sách”, ông Khang nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận