Thị trường tivi tại Việt Nam đang bị chi phối bởi 'ông lớn' nào?
Theo Viện nghiên cứu thị trường GfK, thị trường TV tại Việt Nam đang được nắm giữ chủ yếu bởi 3 ông lớn gồm Samsung, Sony và LG.
Tính đến tháng 9/2020, ba vị trí này không có sự thay đổi. Tuy nhiên, thị phần của thương hiệu Sony đã bị thu hẹp lại, trong khi cả Samsung và LG đều có sự tăng trưởng nhẹ.
Samsung vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 44,7% thị phần, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Thị phần của Sony sụt giảm 6,7%, xuống còn 25,9%. Đứng ở vị trí thứ 3 là LG với 17,6% thị phần, tăng 3,8%.
Số liệu của GfK cho thấy từ năm 2017 đến nay, thị phần tivi màn hình lớn từ 55 inch trở lên là phân khúc duy nhất tăng trưởng mạnh. Trong khi thị phần các phân khúc màn hình khác đều sụt giảm, thị phần tivi màn hình từ 55 inch trở lên tăng từ 18% năm 2017 lên 44% trong năm 2020 và trở thành phân khúc có thị phần lớn nhất trên thị trường. Thậm chí năm 2020 còn đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng bùng nổ của phân khúc này khi tăng thêm 11% thị phần.
Tăng trưởng mạnh về thị phần cũng giúp doanh số tivi màn hình lớn gia tăng mạnh mẽ trong giai đoạn này. Mức tăng trưởng về doanh số theo từng năm từ 2017 đến 2020 liên tục ở mức 2 con số, tương ứng 85%, 58% và 29%.
Bên cạnh sự tăng trưởng của các tivi màn hình lớn, số liệu của GfK cho thấy sự thắng thế gần như tuyệt đối của tấm nền QLED trước tấm nền OLED. Trong khi vào năm 2018, doanh số TV dùng tấm nền QLED đã cao gấp đôi tấm nền OLED, thì đến năm 2019, cách biệt này đã gia tăng lên gần 6 lần. Còn đối với năm 2020, số liệu GfK cho thấy, doanh số tivi dùng tấm nền QLED hiện cao gấp gần 10 lần so với tấm nền OLED.
Trong năm 2019, Samsung bán được 5,32 triệu tivi QLED, tăng gấp đôi doanh số ghi nhận hồi năm 2018. Đáng chú ý, Samsung chiếm khoảng 50% doanh số tivi trên 75 inch toàn cầu, theo Tecnavio.
Sự thắng thế của tấm nền QLED cũng giúp Samsung, công ty làm chủ công nghệ tấm nền này, củng cố hơn nữa ngôi vị thống trị trên thị trường tivi Việt Nam. Báo cáo của GfK cho thấy, Samsung không chỉ bất bại trong việc nắm ngôi đầu trên thị trường mà còn nới rộng khoảng cách về thị phần đối với hai đối thủ phía sau.
Cụ thể, thị phần của Samsung tăng từ 43% của năm 2019 lên 44,7% của năm 2020. Đối thủ LG cũng chứng kiến sự tăng trưởng về thị phần từ mức 16,5% của năm 2019 lên 17,6% của năm 2020. Trong khi đó, đà đi xuống về thị phần của Sony vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi tiếp tục giảm từ 29,2% của năm 2019 xuống còn 25,9% của năm 2020.
Không chỉ dẫn đầu về thị phần chung trên toàn thị trường, báo cáo của GfK cho thấy ngay cả với phân khúc tivi độ phân giải cao UHD, Samsung cũng đang là người dẫn đầu. Thị phần của Samsung đối với thị trường tivi UHD tăng từ mức 47,8% của năm 2019 lên 48,9% của năm 2020, lớn hơn cả tổng thị phần của Sony và LG trên thị trường này.
Những năm gần đây, AI là từ khóa được nhắc đến mỗi ngày khi nói về công nghệ. Tuy nhiên, không phải hãng nào cũng vận dụng AI sớm và thành công như Samsung trong việc sản xuất tivi.
Năm 2019, hãng giới thiệu các mẫu tivi QLED với chất lượng 8K lớn nhất thế giới sử dụng AI. Về cơ bản, AI sử dụng máy học để phân tích nội dung và tự động nâng cấp hình ảnh độ phân giải thấp lên chất lượng gần tương đồng với 8K.
Mặc thực tế là thị trường tràn ngập các mẫu màn hình có khả năng phát nội dung độ phân giải siêu cao như UHD hay 8K, nhưng không nhiều tivi có thể giúp người dùng trải nghiệm thực sự ở độ phân giải đó do sự thiếu hụt về nội dung độ phân giải cao.
Khi nguồn cấp nội dung có độ phân giải thấp, AI sẽ giúp tivi QLED 8K của hãng chọn bộ lọc tối ưu và chuyển đổi thành hình ảnh chất lượng cao hơn. Ngoài ra, bằng cách tăng khả năng xử lý hình ảnh lên 64 lần, công nghệ này giúp cung cấp hình ảnh tự nhiên hơn, ở độ phân giải cao mà không ảnh hưởng đến màu sắc hiển thị.
Cuối cùng, tivi QLED tích hợp AI có thể phân loại các thành phần của hình ảnh từ nguồn vào theo cảnh để tạo hình ảnh với độ tương phản phong phú, chi tiết hơn. Với tính năng này, cạnh của văn bản hoặc cạnh của vầng trăng sẽ hiển thị rõ ràng hơn, không bị mờ. Ở những chiếc tivi màn hình lớn như mẫu 98 inch của Samsung, tính năng này sẽ càng quan trọng và thể hiện rõ ràng hơn.
Có thể thấy, việc Samsung tạo nên những chiếc tivi 8K với hàng loạt tính năng như nền đen sâu, tái tạo 100% dung lượng màu sắc, tích hợp AI Upscaling để giúp người dùng có thể xem video với chất lượng gần 8K nhất, tích hợp kho nội dung khổng lồ… đều nhằm giải quyết nhu cầu có thật của thị trường và người dùng hiện đại.
Khi Samsung tung ra những chiếc tivi 8K năm 2019, đã có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Trong đó, có quan điểm cho rằng tivi 8K là một sự lãng phí khi mắt người không thể phân biệt được nội dung độ phân giải quá cao, còn nội dung 8K chưa phổ biến. Tuy nhiên đến 2020, thông tin về các mẫu tivi 8K khác xuất hiện ngày càng nhiều và người ta bắt đầu tin rằng cuộc đua tivi 8K đã bắt đầu. Tất nhiên, ở đó Samsung đang nắm lợi thế lớn khi đi trước khá xa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận