Thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, tín dụng phục hồi
Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021, giải pháp chủ yếu những tháng c
Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định; tín dụng phục hồi; mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) được bảo đảm. Đến ngày 23/6/2021, huy động vốn tăng 3,35% so với cuối năm 2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 5,68% so với cuối năm 2020. So với cùng kỳ năm 2020, huy động vốn tăng 13,59% và tín dụng toàn hệ thống tăng 15,41%.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho các TCTD, đồng thời chủ động kiểm soát tiền tệ, góp phần ổn định thị trường tiền tệ. Trong 6 tháng đầu năm, giữ nguyên các mức lãi suất điều hành. Lãi suất liên ngân hàng tăng trong điều kiện tín dụng phục hồi nhưng vẫn ở mức thấp, thanh khoản thị trường tiền tệ dồi dào giúp TCTD giảm áp lực chi phí vốn, sẵn sàng cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát.
Trong điều hành đã tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Tính đến cuối tháng 4/2021, tín dụng các ngành kinh tế tiếp tục tăng trưởng và có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt tín dụng đối với nhóm ngành thương mại, dịch vụ có mức tăng trưởng (4,46%), cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế và cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2020 (0,86%), cho thấy xu hướng phục hồi tại khu vực này. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đều có mức tăng trưởng khá, có 3/5 lĩnh vực (xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng nền kinh tế, trong đó tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng mạnh (10,13%).
Cùng với đó, NHNN cũng đã kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng. Tính đến cuối tháng 4/2021, tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cần tăng cường quản lý rủi ro vẫn trong tầm kiểm soát, có 03/4 lĩnh vực tăng trưởng so với cuối năm 2020 (trong đó có 01 lĩnh vực bất động sản tăng 4,83% - cao hơn mức tăng tín dụng chung nền kinh tế), riêng tín dụng lĩnh vực BOT, BT giao thông tiếp tục giảm (0,83%).
Đến tháng 5/2021, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay bình quân VND của các tổ chức tín dụng giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất tiền gửi bằng VND ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0-5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các TCTD ở mức 8,5-10,5%/năm. Lãi suất tiền gửi USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.
Nguyên nhân chủ yếu là do tác động trễ của việc điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất trong năm 2020 với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành; giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của TCTD đối với khách hàng với tổng mức giảm là 1,5%/năm; Bên cạnh đó là giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, đồng thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh; Ngoài ra, NHNN cũng chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Về tỷ giá, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, công bố tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày, phù hợp diễn biến thị trường trong và ngoài nước, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, qua đó hạn chế đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và giúp hấp thu các cú sốc đến nền kinh tế. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Từ đầu năm 2021, NHNN ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay và ngừng mua ngoại tệ giao ngay, bắt đầu áp dụng phương án mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang; từ ngày 17/2, NHNN giãn tần suất mua ngoại tệ can thiệp xuống còn 1 lần/tuần, tỷ giá liên ngân hàng đã có xu hướng giảm. Ngày 17/6/2021, tỷ giá trung tâm ở mức 23.114 VND/USD, giảm 0,07% so với cuối năm 2020; tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng giao động quanh mức 22.954 VND/USD, giảm 0,59% so với cuối năm 2020; tỷ giá niêm yết mua-bán của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương ở mức 22.850/23.050 VND/USD, giảm 0,80%/0,71% so với cuối năm 2020.
Với thị trường vàng, mặc dù giá vàng quốc tế có nhiều biến động, thị trường vàng trong nước vẫn diễn biến ổn định. Đến ngày 17/6/2021, giá vàng trong nước ở mức 56,46/57,01 triệu đồng/lượng, giá bình quân giữa mua và bán giảm 340 nghìn đồng so với đầu tháng (tương đương 0,6 %); giá vàng miếng SJC bình quân tăng 580 nghìn đồng/lượng (tương đương 1,03%) so với đầu năm 2021 và tăng khoảng 16,97% so với cùng kỳ năm 2020; giá mua bình quân vàng miếng SJC trong nước cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi (chưa tính phí) 5,77 triệu đồng/lượng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận