Thị trường thực phẩm Tết: Trọng tâm là đảm bảo chất lượng
Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng thời điểm hiện tại từ siêu thị cho đến chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội đã tràn ngập các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết. Đây cũng là thời điểm để các sản phẩm không bảo đảm chất lượng có cơ hội tuồn ra thị
Lo ngại về chất lượng
Thời điểm này, không khí Tết bắt đầu nhộn nhịp, tấp nập “kẻ bán người mua”. Các siêu thị, cửa hàng, ki-ốt kinh doanh... trên địa bàn Hà Nội được trưng bày những kệ hàng Tết rực rỡ sắc màu thu hút người tiêu dùng đến tham quan, chọn mua. Theo khảo sát của phóng viên, năm nay hàng hóa Tết được bày bán phong phú về chủng loại, mẫu mã, chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các sản phẩm bánh kẹo được người tiêu dùng chọn mua nhiều chủ yếu là các thương hiệu: Bibica, Kinh Đô, Hải Hà...
Song bên cạnh đó vẫn có những mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng tại chợ truyền thống. Theo quan sát của phóng viên từ bánh kẹo, mứt, ô mai, hạt dưa, hạt dẻ cười, hạt điều cho đến các loại thịt bò khô, gà khô… được bày bán tràn lan và đều có đặc điểm chung “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng. Mỗi sản phẩm được đóng trong túi ni lông to và không có bất kỳ thông tin gì, ngoài mấy chữ: Mứt bí, mứt dừa, hạt dẻ, ô mai… Nhiều loại ô mai, mứt còn được chủ cửa hàng đổ vào khay, phơi trần, không hề được che đậy, gây lo ngại về mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 phối hợp với Phòng 6, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường – Bộ Công an khám 3 xe ô tô đang vận chuyển hàng hóa trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng trăm nghìn sản phẩm bánh kẹo và đồ chơi trẻ em các loại không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Hiện Cục QLTT thành phố Hà Nội (Đội QLTT số 17) đang tích cực phối hợp với lực lượng chức năng để tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý vụ việc.
Ngày 16/12, Quản lý thị trường số 24 cũng tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất mứt Tết Khang Mai tại số 19 xóm Hưng Vượng, La Phù, Hoài Đức, Hà Nội. Qua kiểm tra cơ sở này, lực lượng tiếp tục phát hiện hàng loạt sai phạm. Cụ thể, cơ sở không có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa sản xuất, đóng gói không rõ nguồn gốc. Toàn bộ công nhân của cơ sở không được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Mứt Tết đóng hộp được thực hiện trực tiếp dưới nền nhà. Qua đó, Đội QLTT số 24 đã tiến hành lấy 1 mẫu kiểm nghiệm và tạm giữ 90 kg táo khô, 1020 hộp mứt tết các loại khối lượng 300g.
Không chỉ hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, bánh kẹo nhái cũng đang được bán rộng rãi trên thị trường. Đặc biệt, vào dịp cuối năm loại bánh kẹo nhái lại càng trở nên nở rộ ở các chợ vùng quê, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ.
Tại một cửa hàng trên chợ Đồng Xuân (Hà Nội), phóng viên quan sát thấy có bán các loại bánh nhái của hãng như: Nhãn bánh ChocoPie của Orion bị nhái thành ChocoPai, nhãn bánh Salsa của Hữu Nghị lại được biến tấu lại thành Sahute, nhãn bánh Solite của Kinh Đô thành Salute... Những loại bánh nhái này đều có màu sắc, kiểu dáng giống với bánh thật, nếu người tiêu dùng không “tinh mắt” rất dễ mua phải hàng kém chất lượng.
Quản lý chặt chất lượng
Thời điểm cận Tết, lợi dụng nhu cầu của người dân tăng cao, đặc biệt đối với mặt hàng tiêu dùng trong đó có bánh kẹo, các đối tượng đã cố tình "luồn lách" để nhập lậu các loại bánh kẹo trôi nổi về bán kiếm lời. Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, bên cạnh chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, Tổng cục QLTT khuyến cáo người dân nên tìm đến những địa chỉ uy tín để mua bán hàng hóa, sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tránh mua và sử dụng những sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
Để kiểm soát thị trường, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục triển khai đợt cao điểm về kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết.
Để hạn chế và từng bước đẩy lùi nguy cơ mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, ngoài nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Cùng với việc kiểm soát chất lượng thực phẩm, cần tăng cường thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm theo kế hoạch và đột xuất, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Về phía người dân, kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh, dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận