menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Hiếu

Thị trường Tết Nhâm Dần 2022: Nguồn cung dồi dào, giá cả khó biến động lớn

Trước thềm Tết Nhâm Dần 2022, giá nhiều mặt hàng đang được giữ ở mức bình ổn. Ngoải ra, giá thịt lợn tại các chợ, siêu thị tuy “neo” ở mức cao nhưng giới chuyên gia nhận định, với nguồn cung cao – cầu thấp, thị trường sẽ khó biến động.

Giá thịt lợn "ngược dòng" nhưng không đáng lo

Hiện tại, trước thềm Tết Nhâm Dần 2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giới chuyên môn dự báo người tiêu dùng sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn. Theo đó, xu hướng chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cơ bản như hàng tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng phục vụ Tết như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu…

Các mặt hàng nói trên đều đang có mức giá phù hợp và được các ngành chức năng lên kế hoạch bình ổn. Số liệu từ Sở Công Thương TP. HCM cho thấy, các doanh nghiệp đã chuẩn bị số lượng hàng Tết lên đến 19.881 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn là 7.221 tỉ. Tỉ lệ dự trữ các mặt hàng thiết yếu chiếm 20%-54% thị phần.

Tại Hà Nội, theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương, dự báo nhu cầu mua sắm Tết của người dân sẽ tăng từ 3% - 20% so với bình thường. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mọi năm. Do đó, ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp phân phối đã lên kế hoạch cụ thể, bảo đảm không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Cụ thể, hiện có 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia với tổng lượng hàng hóa các doanh nghiệp đăng ký thực hiện 18.000 tỷ đồng. Con số này gần gấp 3 lần kế hoạch dự kiến ban đầu (kế hoạch 5.600 tỷ đồng). Ngoài ra, TP.Hà Nội cũng đã chủ động phương án đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán.

Trái ngược với diễn biến trên, thị trường thịt lợn đang xảy ra nghịch lý khi nguồn cung dồi dào, nhu cầu thấp và giá "ngất ngưởng". Cụ thể, hiện tại, giá lợn hơi ở nhiều trang trại, chợ đầu mối đang dao động mức từ 54.000 - 60.000 đồng/kg.

Mức giá này đã tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 2 tháng. Theo nhận định của giới chuyên môn, giá bán thịt lợn thành phẩm ở mức 85.000 - 90.000 đồng/kg thịt là đảm bảo cả hộ chăn nuôi và hộ kinh doanh có lãi.

Tuy nhiên, tại nhiều chợ dân sinh ở Hà Nội như Cầu Giấy, Mỹ Đình, Đồng Xa giá thịt lợn vẫn đang "neo" ở mức cao và được dự báo sẽ trước dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Chị Liêm, một tiểu thương tại chợ Mỹ Đình chia sẻ, hiện tại, giá thịt mông ở mức 100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ, sườn 120.000 đồng/kg, vai 115.000 đồng/kg, thịt thủ 90.000 đồng/kg. Theo đó, giá tất cả các loại thịt, sườn đều có mức tăng khoảng 10.000 đồng so với cuối tuần trước.

"Ảnh hưởng dịch Covid-19, thu nhập người dân thấp nên sức mua giảm nhưng giá thịt lợn vẫn tăng nên chúng tôi cũng phải bán theo giá thị trường", chị Liêm cho hay.

Cũng theo tiểu thương này dự báo, đến cận Tết nguyên đán, giá thì thịt lợn và các loại thực phẩm khác sẽ tiếp tục tăng. Thậm chí nếu thị trường nhu cầu tăng lên, các thương lái có thể "găm hàng, thổi giá".

Không chỉ ở các chợ dân sinh, giá thịt lợn tại một số siêu thị cũng tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể, giá thịt ba chỉ ngày 20/1 là 89.000 đồng/kg; nạc vai, thịt đùi là 149.900 đồng/kg; nạc dăm là 169.900.

Nhận định về tình trạng trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, dù có nghịch lý nêu trên, giá thịt lợn cũng như các mặt hàng sẽ không có biến động quá lớn.

"Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, hiện chúng ta vẫn còn một đàn lợn hơn 20 triệu con. Hiện giá lợn hơi đang có mức tăng dao động trong khoảng 5.000 đến 10.000 đồng/kg. Kéo theo đó, giá thịt lợn ở các chợ cũng sẽ có biến động tương ứng.

Thực tế nhu cầu hàng hóa Tết nói chung cũng như thịt lợn, thịt gà nói riêng không tăng nhiều, chỉ khoảng 5 – 10%. Theo tôi giá lợn hơi sẽ không tăng nhiều nữa, bên cạnh đó, nhu cầu thịt lợn sẽ giảm so với Tết năm ngoái do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến thu nhập giảm. Nếu thời tiết nóng lên, giá thịt lợn thậm chí có thể giảm", Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú phân tích.

Giá cả hàng hóa khó có có biến động lớn

Cũng theo chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định, nguyên nhân khiến thực phẩm tăng giá dịp tết là do người tiêu dùng có tâm lý tích trữ hàng hóa, lo sợ nguồn hàng sẽ không đủ cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, với thực tiễn hiện tại, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, thói quen, phong tục ăn Tết có sự thay đổi, giá cả hàng hóa sẽ không có nhiều biến động.

"Hàng hóa tại các siêu thị, hàng tạp hóa rất nhiều, do đó, giá cả sẽ không thể tăng. Thậm chí, nhiều mặt hàng sẽ giảm giá, tăng cường khuyến mại. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhìn nhận vào câu chuyện lương thưởng Tết năm nay không cao. Do đó, dù nhu cầu cao nhưng khả năng thanh toán thấp dẫn tới thị trường sẽ không quá "nóng".

Trong 5 – 10 năm gần đây, xu hướng chung là người dân đi du xuân nhiều, ít ở nhà ăn Tết như trước. Ngoài ra, các siêu thị chợ hoạt động rất sớm, từ mùng 2, mùng 3 Tết. Vấn đề chính là sự cân đối cung cầu, nguồn cung của chúng ta rất dồi dào. Do đó, không cần tung ra chương trình bình ổn, giá cả hàng hóa Tết vẫn ổn. Vấn đề quan trọng là kiểm soát chất lượng hàng hóa", ông Phú cho hay.

Thị trường Tết Nhâm Dần 2022: Nguồn cung dồi dào, giá cả khó biến động lớn

Các siêu thị điện máy cũng đã chạy chương trình khuyến mại Tết từ khoảng 2 tuần nay. (Ảnh: Thanh Phong)

Bên cạnh nguồn cung trong nước, theo số liệu từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), hết tháng 11/2021, Việt Nam đã chi gần 1,3 tỷ USD để nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt.

Các loại thịt lợn, bò Nga, Đức, Ba Lan, Mỹ,... đang được rao bán phổ biến với giá "siêu rẻ". Điển hình, lõi thăn bò giá chỉ từ 110.000-129.000 đồng/kg, dẻ sườn 115.000-125.000 đồng/kg, bắp bò 169.000 đồng/kg.

Ngoài ra, giá các loại thủy hải sản cũng ở mức thấp. Cụ thể, giá ốc hương loại to 200.000 đồng/kg, ốc hương loại vừa từ 120.000-155.000 đồng/kg; cua thịt Cà Mau loại 5 con/kg chỉ 250.000 đồng/kg; ốc vôi giá 70.000 đồng/kg; bề bề tươi sống loại 12-14 con/kg giá còn 250.000 đồng/kg...

Nguyên nhân giá hải sản thấp được cho là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa. Cùng đó, một số cửa khẩu phía Bắc tạm ngừng thông quan, vận chuyển gặp khó khăn nên tiêu thụ giảm, kéo theo giá nhiều loại hải sản rớt mạnh.

Về hàng điện tử, dịp cuối năm, các siêu thị điện máy như Media Mart, Pico liên tục tung ra nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá sốc nhằm kích cầu mua sắm, xả hàng tồn kho. Nhiều mẫu tivi đến từ các thương hiệu lớn như Samsung, LG, Sony... được mạnh tay giảm giá tới 81%.

Nhiều sản phẩm như máy giặt, tủ lạnh cũng đang được các siêu thị điện máy giảm tới gần 50%. Ngoài ra, các sản phẩm khác như máy lọc nước, đồng hồ, đồ gia dụng khác cũng được các hệ thống siêu thị điện máy giảm giá từ 5-50%.

Tại các siêu thị như Big C, hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+, giỏ quà Tết hàng nội, với các mặt hàng chính là bánh, kẹo, mứt, bia, rượu, trà, cà phê… thường dao động từ 250.000 - 1.000.000 đồng/giỏ tùy từng loại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại