Thị trường tài chính 24h: VN-Index sẽ lùi về đâu?
VN-Index có phiên lao dốc mạnh; Băn khoăn ngân hàng yếu tự bơi; Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân chảy mạnh trên thị trường chứng khoán; Liệu VN-Index có tiếp tục điều chỉnh?; Chứng khoán châu Á giảm mạnh… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 24/3 giảm 70.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 30.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 55,10 – 55,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 11,9 USD xuống 1.727,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giằng co và có xu hướng hồi phục về cuối ngày lên gần 1.735 USD/ounce.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,13% lên 92,57 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 24/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.206 đồng, tăng 9 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.990 - 23.170 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,68 USD (+2,91%), lên 59,44 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,76 USD (+2,90%), lên 62,55 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index rơi hơn 20 điểm
Phiên sáng chứng kiến lệnh bán giá thấp ồ ạt khiến VN-Index có thời điểm giảm gần 30 điểm về 1.155 điểm. Lượng lệnh mua bán gia tăng khiến hệ thống giao dịch trên sàn HOSE gặp sự cố và tình trạng loạn giá lại diễn ra.
Bước vào phiên chiều, sau khoảng một giờ đầu thông suốt với lệnh vào và khớp tốt, giúp VN-Index thu hẹp đà giảm, thị trường đã đứng hình và chỉ số gần như đi ngang trong khoảng hẹp 1.161-1.163 điểm cho tới khi đóng cửa.
Điểm nhấn của phiên đến từ FLC và tân binh SSB. Trong đó, FLC +6,6% lên 9.790 đồng, khớp hơn 42,6 triệu đơn vị, còn SSB tăng trần +19,9% lên 20.150 đồng, khớp 6 triệu đơn vị, dư mua giá trần hơn 3,3 triệu đơn vị.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba (23/3) khi lo ngại về chi phí chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và khả năng tăng thuế để chi trả cho dự luật cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden đè nặng lên tâm lý thị trường.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản lao dốc, lo ngại gia tăng về làn sóng phong tỏa mới tại nhiều nước châu Âu để chống lây lan Covid-19 và giá dầu giảm thô đi xuống làm giảm kỳ vọng về sự tăng tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,04% xuống 28.405,52 điểm. Chỉ số Topix giảm 2,18% xuống 1.928,58 điểm.
Takashi Nishizawa, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư tại Nomura Securities cho biết: “Sự sụt giảm của giá dầu là một đòn giáng trực tiếp vào ngành năng lượng, nhưng ngoài ra cũng có thể thấy rằng, các nhà đầu tư đã chọn cách chốt lời nhóm cổ phiếu tăng mạnh gần đây, do họ bắt đầu nhận ra rằng sự lạc quan về triển vọng là hơi quá đáng".
Điểm sáng lác đác tại Nikon Corp, tăng 6,44% do suy đoán rằng sẽ được hưởng lợi từ động thái mở rộng năng lực sản xuất chip của Intel.
Tokyo Electron Ltd tăng 5,06% và Screen Holdings Co Ltd tăng 1,66%, sau khi Nhật báo Nikkei đưa tin rằng, hai công ty này sẽ hợp tác vào một dự án của chính phủ Nhật Bản để đầu tư vào các cơ sở sản xuất chip thế hệ tiếp theo.
Chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng, do khẩu vị rủi ro giảm mạnh bởi những do lo ngại về chính sách thắt chặt và căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và các nền kinh tế phương Tây.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,3% xuống 3.367,06 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 24/12/2020. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,61% xuống 4.928,69 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 11/12/2020.
Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 10 tuần, do lo ngại về khả năng Mỹ tăng lãi suất và chính sách thắt chặt trở lại toàn cầu.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,03% xuống 27.918,14 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 11/1. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,37% xuống 10.847,98 điểm.
Thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi việc Pony Ma, nhà sáng lập Tencent Holdings – công ty game và mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc vừa có cuộc họp với các nhà chức trách về chống độc quyền ở Trung Quốc để thảo luận về tính tuân thủ của tập đoàn này.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ tư liên tiếp, do các cổ phiếu lớn Samsung Electronics và Hyundai Motor kéo lùi.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,28% xuống 2.996,35 điểm.
Gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,34% sau khi đối thủ Intel công bố kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất chip.
Bên cạnh đó, Hyundai Motor, nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Hàn Quốc giảm 2,43%, sau một báo cáo cho biết, Hyundai dự kiến việc sản xuất sẽ bị gián đoạn một phần từ tháng 4 tới vì tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip trên toàn cầu.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Băn khoăn ngân hàng yếu tự bơi
Kinh doanh thuận lợi và giá cổ phiếu ngân hàng cao ủng hộ xu hướng "tự bơi" của ngân hàng yếu, thay vì phải sáp nhập, nhưng tự bơi cũng cần có sức khỏe!..>>
- Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân chảy mạnh trên thị trường chứng khoán
Điểm số đã không còn quá quan trọng với nhà đầu tư, mà tập trung câu chuyện, lựa chọn cổ phiếu nào. Chọn cổ phiếu luôn là “chìa khóa” và tiền không rút ra thị trường mà đang nằm chực chờ cơ hội..>>
- Công ty chứng khoán đặt cược vào miếng bánh thị phần
Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay sẽ chứng kiến làn sóng tăng vốn ở các công ty chứng khoán với nhu cầu “làm mới” nhiều hạng mục..>>
- Liệu VN-Index có tiếp tục điều chỉnh?
Giới chuyên gia chứng khoán cho rằng, việc nhiều công ty chứng khoán hết room cho vay margin là một trong những nguyên nhân chính khiến chỉ số VN-Index không thể vượt đỉnh lịch sử thành công trong giai đoạn trước mắt..>>
- Chủ tịch Fed và Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Định giá thị trường tài chính có thể cao nhưng chưa đáng báo động
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hôm thứ Ba (23/3) đã đồng ý rằng, việc định giá tài sản tăng cao chưa phải là lý do để báo động..>>
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận