Thị trường tài chính 24h: “Tắc” huy động vốn là tình trạng phổ biến kể từ quý II/2022 đến nay
VN-Index lên trên 1.125 điểm; Ngân hàng điều chỉnh lợi nhuận năm 2023 là cần thiết; Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán; Truyền thông và giá cổ phiếu; Chủ tịch Fed kỳ vọng còn nhiều đợt tăng lãi suất sắp tới…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 22/6 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào và hiện đứng ở mức 66,45 – 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 3,9 USD xuống 1.932,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm xuống dưới 1.930 USD và đi ngang cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,98 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.732 đồng/USD, tăng 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.340 – 23.680 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 30.200 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục tăng nhẹ, nhưng đã trở lại ngưỡng gần 30.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,85 USD (-1,17%), xuống 71,68 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,92 USD (-1,28%), xuống 76,13 USD/thùng.
VN-Index tăng lên trên 1.125 điểm
Sau phiên sáng tăng nhẹ trên nền thanh khoản rất tích cực, thị trường bước vào phiên chiều thêm một lần vượt lên trên 1.125 điểm và tìm lại được vùng giá cao nhất phiên thời điểm mở cửa. Tuy nhiên, nhóm bluechip vẫn không ủng hộ đà đi lên của VN-Index, khiến chỉ số hụt hơi và trở lại gần ngưỡng điểm trên và dao động nhẹ cho đến khi đóng cửa.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã ra bán ròng 2,42 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 420,02 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 22/6: VN-Index tăng 6,84 điểm (+0,61%), lên 1.125,3 điểm; HNX-Index tăng 0,14 điểm (+0,06%), lên 231,91 điểm; UpCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,06%), lên 85,5 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall giảm trong phiên thứ Tư (21/6), sau khi Chủ tịch Fed nói với các nhà lập pháp ở Đồi Capitol rằng việc tăng lãi suất sẽ còn có khả năng tiếp diễn và lo ngại của giới đầu tư về những quy định nghiêm ngặt hơn đối với ngành ngân hàng.
Chủ tịch Fed Powell nói với các nhà lập pháp rằng, cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn "một chặng đường dài phía trước" và mặc dù gần đây Fed đã tạm dừng tăng lãi suất, nhưng các quan chức của Fed vẫn đồng ý rằng chi phí đi vay có thể vẫn cần phải tăng cao hơn.
Kết thúc phiên 21/6, chỉ số Dow Jones giảm 102,35 điểm (-0,30%), xuống 33.951,52 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,02 điểm (-0,52%), xuống 4.365,69 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 165,10 điểm (-1,21%), xuống 13.502,20 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư chốt lời từ sự gia tăng gần đây của cổ phiếu chất bán dẫn.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,92% xuống 33.264,88 điểm. Chỉ số Topix chỉ còn tăng 0,06% lên 2.296,50 điểm, sau khi trước đó tăng 0,76% trong phiên.
Các cổ phiếu lớn ký của ngành công nghiệp chip Advantest và Tokyo Electron lần lượt giảm 6,86% và 4,57%, sau sự sụt giảm của các công ty cùng ngành của Mỹ.
Hiroyuki Ueno, chiến lược gia trưởng của SuMi TRUST, cho biết "đã có một số đợt chốt lời đối với cổ phiếu chip sau đợt tăng giá của nhóm này trong năm nay”.
Chỉ báo kỹ thuật, RSI trong 14 ngày, đứng ở mức 73 điểm khi đóng cửa vào thứ Tư, trên mốc 70 cho thấy thị trường quá nóng.
"Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 10 tuần liên tiếp tính đến thời điểm đóng cửa tuần trước. Điều đó thật bất thường”, nhà phân tích Travis Lundy của Quiddity Advisors, người xuất bản trên nền tảng Smartkarma cho biết.
Panasonic là một công ty nổi bật, tăng 2,25% sau khi đơn vị năng lượng của họ cho biết hôm thứ Tư rằng họ đang đàm phán để cung cấp pin cho xe điện của Mazda Motor.
Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày Lễ hội thuyền rồng.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi giới đầu tư bắt đáy sau khi thị trường giảm ba phiên liên tiếp trước đó.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 11,07 điểm, tương đương 0,43% lên 2.593,70 điểm.
Phiên này, các cổ phiếu lớn nhưng nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 1,13% nhưng SK Hynix mất 0,96%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 1,97%.
Trong số các cổ phiếu lớn khác, Hyundai Motor và nhà sản xuất ô tô anh em Kia Corp lần lượt giảm 0,98% và 0,6%.
Kết thúc phiên 22/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 310,26 điểm (-0,92%), xuống 33.264,88 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 11,07 điểm (+0,43%), lên 2.593,70 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng điều chỉnh lợi nhuận năm 2023 là cần thiết
Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh kế hoạch kinh doanh năm 2023 của hệ thống ngân hàng.
- Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán
“Tắc” huy động vốn là tình trạng phổ biến kể từ quý II/2022 đến nay. Khơi thông những ách tắc trong huy động vốn là yêu cầu cấp thiết để các doanh nghiệp chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, không bỏ lỡ các cơ hội..
- Truyền thông và giá cổ phiếu
Giá cổ phiếu biến động do động thái mua bán của nhà đầu tư. Cơ chế ra quyết định của họ chủ yếu là dựa trên thông tin, mà nguồn gốc hầu hết là từ doanh nghiệp.
- Chủ tịch Fed kỳ vọng còn nhiều đợt tăng lãi suất sắp tới
Hôm thứ Tư (21/6), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã khẳng định rằng, nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa cho đến khi đạt được nhiều tiến bộ hơn trong việc giảm lạm phát.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận