Thị trường tài chính 24h: Lợi nhuận các ngân hàng đang hao hụt
VN-Index tiến sát 1.130 điểm; Lợi nhuận ngân hàng giảm theo lãi suất; Thị trường bất động sản: "Giải cứu" niềm tin; Nỗi lòng cổ đông nhỏ; Sóng cổ phiếu địa ốc: “Vui thôi, đừng vui quá”; Cuộc chiến lạm phát của các ngân hàng trung ương bước vào giai đoạn "đau đớn" mới…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 23/6 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào và hiện đứng ở mức 66,45 – 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 18,8 USD xuống 1.913,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần và lên quanh 1.920 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,04 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 23/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.732 đồng/USD, không đổi so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.350 – 23.690 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 30.400 USD, thì sang phiên hôm nay đã gần như chỉ xoay nhẹ quanh ngưỡng 30.000 USD/BTC cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,14 USD (-1,64%), xuống 68,37 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,07 USD (-1,44%), xuống 73,36 USD/thùng.
VN-Index chạm gần 1.130 điểm
Thị trường xác nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp, tuy nhiên VN-Index một lần nữa chưa thể vượt qua được vùng cản 1.130 điểm và đặc biệt là sự “phụ thuộc” vào nhóm VN30 trong phiên hôm nay, sẽ khiến nhà đầu tư trở nên cảnh giác hơn.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2,31 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là mua ròng 2,04 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 23/6: VN-Index tăng 4,08 điểm (+0,36%), lên 1.129,38 điểm; HNX-Index giảm 0,37 điểm (-0,16%), xuống 231,54 điểm; UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,25%), lên 85,71 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall rung lắc trong phiên thứ Năm (22/6), khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục "đánh trống lảng" về các đợt tăng lãi suất và cho rằng Fed vẫn chưa kết thúc chu kỳ thắt chặt, nhưng đưa ra lời trấn an rằng Fed sẽ tiến hành một cách thận trọng.
Mức tăng của S&P 500 và Nasdaq - vốn nặng về cổ phiếu công nghệ có được nhờ sự thúc đẩy từ các cổ phiếu lớn như Amazon.com Apple Inc và Microsoft Corp.
Nhưng phần lớn thị trường vẫn chịu tác động từ phiên điều trần của Chủ tịch Fed, khi ông nhắc lại quan điểm rằng nhiều khả năng sẽ có thêm những đợt tăng lãi suất trong những tháng tới.
Kết thúc phiên 22/6, chỉ số Dow Jones giảm 4,81 điểm (-0,01%), xuống 33.946,71 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,20 điểm (+0,37%), lên 4.381,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 128,41 điểm (+0,95%), lên 13.630,61 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư chốt lời trước đợt tái cơ cấu dự kiến vào cuối tháng để tái cân bằng danh mục đầu tư.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,45% xuống 32.781,54 điểm. Chỉ số này giảm 2,7% trong tuần và ghi nhận mức giảm tuần đầu tiên trong 11 tuần. Chỉ số Topix giảm 1,38% xuống 2.264,73 điểm.
"Các nhà đầu tư ban đầu mua cổ phiếu sau khi thị trường giảm mạnh trong phiên trước đó. Nhưng lực bán sau đó đã thắng thế do lo ngại khả năng tái cơ cấu vào cuối tháng, khi các quỹ hưu trí cố gắng cân bằng lại danh mục đầu tư của họ”. Shigetoshi Kamada, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Tachibana Securities, cho biết.
Các cổ phiếu lớn như Fast Retailing giảm 2,38% và là lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225, và SoftBank Group mất 2,39%, nhà sản xuất tấm silicon Shin-Etsu Chemical giảm 1,62%.
Các công ty thương mại bị chốt lời và mất 3,38% để trở thành lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số 33 chỉ số phụ ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Chỉ số này đã tăng gần 18% trong tháng này, sau khi tỷ phú Warren Buffett tăng cổ phần trong lĩnh vực này.
Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch ngày Lễ hội thuyền rồng.
Chứng khoán Hồng Kông sụt giảm do nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc, cũng như tâm lý thị trường thận trọng sau khi nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,71% xuống 18.889,97 điểm và giảm 5,8% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises cũng giảm 1,71% xuống 18.889,97 điểm.
Chỉ số công nghệ giảm 2% trong phiên này và mất 8,5% trong tuần, với các cổ phiếu lớn như Tencent giảm 1%, Tập đoàn Alibaba giảm 0,8%, Baidu giảm 1,5%, Meituan giảm 2,3%, JD.com giảm 1,8%, Sun Hung Kai Properties giảm 2,5% và CK Asset mất 2,2%.
“Thị trường đang lo ngại rằng lạm phát và tăng lãi suất sẽ làm tăng áp lực lên nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, những nhà đầu tư không mong đợi thêm kích thích của Trung Quốc sau khi cắt giảm lãi suất cho vay chính sách gần đây” Kenny Ng, chiến lược gia cổ phiếu tại Everight Securities ở Hong Kong, cho biết.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, trong bối cảnh các nhà đầu tư lo lắng rằng chiến dịch thắt chặt tiền tệ toàn cầu sẽ kéo dài hơn và đè nặng hơn đến tăng trưởng kinh tế.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 23,60 điểm tương đương 0,91% xuống 2.570,10 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số này giảm 2,12%.
Phiên này, các cổ phiếu lớn như nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 0,42%, nhưng SK Hynix mất 0,35%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 1,05%.
Kết thúc phiên 23/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 483,34 điểm (-1,45%), xuống 32.781,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 328,38 điểm (-1,71%), xuống 18.889,97 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 23,60 điểm (-0,91%), xuống 2.570,10 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Lợi nhuận ngân hàng giảm theo lãi suất
Mặc dù lãi suất giảm, nhưng tín dụng cũng giảm mạnh nên lợi nhuận các ngân hàng đang hao hụt.
- Thị trường bất động sản: "Giải cứu" niềm tin
Lấy lại niềm tin cho thị trường bất động sản để vực dậy không chỉ thị trường này, mà cả một loạt lĩnh vực, ngành nghề liên quan khác, từ đó thúc đẩy toàn nền kinh tế đang là yêu cầu bức thiết thời điểm hiện tại.
- Nỗi lòng cổ đông nhỏ
Sau khi nghe câu hỏi từ cổ đông cá nhân, lãnh đạo một doanh nghiệp hỏi lại: “Cổ đông đang sở hữu bao nhiêu cổ phiếu?”. Chỉ một câu hỏi cũng phần nào cho thấy, tiếng nói của cổ đông nhỏ vốn đã ở thế yếu càng trở nên “nhạt nhòa”, ngay cả khi các quy định bảo vệ cổ đông nhỏ đã hình thành.
- Sóng cổ phiếu địa ốc: “Vui thôi, đừng vui quá”
Không ít cổ phiếu bất động sản vừa có nhịp tăng giá khá mạnh, mang lại mức sinh lời tốt, nhưng nhà đầu tư được cảnh báo, “vui thôi, đừng vui quá”.
- Cuộc chiến lạm phát của các ngân hàng trung ương bước vào giai đoạn "đau đớn" mới
Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang bước vào một giai đoạn mới trong cuộc chiến kiểm soát lạm phát, khi các nhà kinh tế cảnh báo rằng suy thoái kinh tế sẽ là cái giá phải trả để đạt được mục tiêu chung là 2%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận