Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền lớn đã trở lại
VN-Index nhích hơn 8 điểm; Ngân hàng nào sẽ được nới room tín dụng?; Lợi nhuận quý II dần hé lộ; Doanh nghiệp dược “nương” theo Covid; Chứng khoán châu Á tiếp tục giảm; Các nhà kinh tế dự đoán ít nhất hai lần tăng lãi suất của Mỹ vào cuối năm 2023… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 1/7 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,30 – 56,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 9,1 USD lên 1.770,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi lên 1.755 USD/ounce vào gần như đi ngang cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,06% lên 92,49 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 1/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.182 đồng, tăng 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.910 - 23.110 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,85 USD (+1,16%), lên 74,32 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,85 USD (+1,14%), lên 75,45 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua xoay quanh 34.000 USD và đến gần 36.000 USD, đã tụt áp và giảm mạnh xuống quanh 33.000 USD/BTC vào cuối giờ chiều nay.
Chứng khoán trong nước
VN-Index lên trên 1.415 điểm
Sau phiên sáng nhích nhẹ nhưng thanh khoản gia tăng trở lại đã mang kỳ vọng lực cầu sẽ gia tăng trong phiên chiều.
Đúng như kỳ vọng, sau giờ nghỉ trưa, thị trường tiến bước với động lực đến từ nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán và dòng tiền chảy mạnh giúp số mã tăng chiếm ưu thế trở lại và kéo VN-Index lên trên 1.415 điểm khi đóng cửa.
Nhóm chứng khoán nổi bật với AGR, CTS tăng kịch trần, SSI +4,5%, HCM +5,7%, APG +4,2%, VCI +4,2%, VDS +6,8%, FTS +6,8%...
Nhóm cổ phiếu thị trường đáng kể có sắc tím tại cặp đôi mẹ con FIT – TSC, TGG, TID, VPH. Trong khi DAH và VOS vẫn nằm ở mức giá sàn, trong đó, VOS còn dư bán giá sàn hơn 6,76 triệu đơn vị.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall duy trì đà tăng điểm trong phiên ngày thứ Tư (30/6), kết thúc tháng 6 và quý II với các dữ liệu kinh tế lạc quan.
Báo cáo việc làm do ADP công bố hôm thứ Tư cho thấy, khu vực tư nhân đã có thêm 692.000 việc làm trong tháng 6, cao hơn kỳ vọng 600.000 việc làm mới mà các chuyên gia kinh tế đặt ra trước đó. Báo cáo việc làm toàn diện hơn sẽ được Bộ Lao động công bố vào thứ Sáu (2/7).
Trong tháng 6, chỉ số Dow Jones giảm 0,28%, chỉ số S&P 500 tăng 2,12%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 5,43%.
Trong quý II, chỉ số Dow Jones tăng 4,61%, chỉ số S&P 500 tăng 8,27%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 9,49%.
Kết thúc nửa đầu năm 2021, chỉ số Dow Jones tăng 12,73%, chỉ số S&P 500 tăng 14,41%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 12,54%.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, bị đè nặng bởi lo ngại sự bùng phát trở lại của các nhiễm Covid-19 sẽ dẫn đến việc gia hạn các quy định giãn cách xã hội và làm chậm sự phục hồi kinh tế.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,29% xuống 28.707,04 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,22% xuống 1.939,21 điểm.
Thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường là việc Nhật Bản có khả năng sẽ gia hạn thêm hai tuần hoặc nhiều hơn các biện pháp giãn cách để ngăn ngừa sự lân lan của Covid-19 ở khu vực quanh Tokyo, khi chỉ chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra Thế vận hội mùa hè.
Ngành vận tải biển giảm 3,84% và là ngành mất điểm nhiều nhất với Kawasaki Kisen giảm 4,63%, Mitsui OSK Lines giảm 3,93% và Nippon Yusen giảm 3,73%.
Chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi, do sức bật của nhóm bất động sản và ngân hàng đã bù đắp gần hết do đà giảm của các công ty công nghiệp.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,07% xuống 3.588,78 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,11% lên 5.299,66 điểm.
Điểm sáng là lĩnh vực bất động sản và ngân hàng với chỉ số phụ theo dõi tăng lần lượt 4,32% và 1,96%.
Nhóm cổ phiếu công nghiệp suy yếu, sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng của khu vực công nghiệp đã chậm lại trong tháng 6, do nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc yếu đi, trong khi các nút thắt cổ chai trên chuỗi cung ứng khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng không nhỏ.
Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch nhân Ngày thành lập Đặc khu Hành chính Hồng Kông.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm điểm, chịu áp lực bởi những lo lắng về sự lây lan biến thể Delta của Covid-19.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,44% xuống 3.282,06 điểm.
Trong số các cổ phiếu lớn, hai gã khổng lồ chip Samsung Electronics và SK Hynix giảm lần lượt 0,74% và 2,35%, trong khi LG Chem giảm 0,59% và và Naver giảm 1,08%.
Các thông tin đáng chú ý khác
- 6 chính sách mới về bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 01/07
Từ ngày 1/7/2021, nhiều chính sách mới về bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ có hiệu lực thi hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi tham gia BHYT..
- Lợi nhuận quý II dần hé lộ
Một số doanh nghiệp thuộc nhóm chứng khoán, vận tải, thủy sản, dệt may đã chia sẻ thông tin về kết quả kinh doanh quý II/2021, với những con số lợi nhuận khả quan..
- Ngân hàng nào sẽ được nới room tín dụng?
Nhiều nhà băng đã sớm cạn hạn mức (room) tín dụng được cấp và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới thêm room..
- Doanh nghiệp dược “nương” theo Covid
Cũng như nhiều ngành, lĩnh vực khác, ngành dược cũng chịu tác động của Covid-19, buộc các doanh nghiệp ngành này phải thích nghi nhanh với “bình thường mới” để duy trì đà tăng trưởng..
- Các nhà kinh tế dự đoán ít nhất hai lần tăng lãi suất của Mỹ vào cuối năm 2023
Theo một cuộc thăm dò mới của các nhà kinh tế học hàng đầu mà Financial Times tiến hành, lạm phát tăng cao sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất ít nhất hai lần vào cuối năm 2023..
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận