Thị trường nhà ở Hà Nội được quan tâm, người mua thực thêm cơ hội sở hữu nhà
Hà Nội vốn là một thị trường đông dân, giá nhà đắt đỏ song với nhiều chính sách khuyến khích phát triển, cùng với việc nhà đầu tư quay trở lại, thị trường nhà ở Hà Nội đang có nhiều điểm sáng.
Trong tầm nhìn 5 năm từ 2015 - 2020, thị trường nhà ở Hà Nội trải qua 2 giai đoạn chính với những biến động mạnh mẽ. Giai đoạn đầu tiên kéo dài từ năm 2015 đến cuối năm 2018, thị trường đã có sự phục hồi mạnh mẽ trên tất cả các phân khúc và các loại hình sản phẩm nhà ở, đặc biệt với thị trường nhà ở thấp tầng. Sức hấp thụ trong giai đoạn này rất khả quan của cả giao dịch trong và ngoài nước.
Giai đoạn hai có thể tính từ năm 2019 đến 2020, thị trường trở nên trầm lắng, nguồn cung hạn chế. Chính sách tài chính thắt chặt, đặc biệt là sự tác động của dịch Covid-19 đã khiến thị trường nảy sinh nhiều khó khăn và thách thức. Nhu cầu nhà ở và số lượng giao dịch bị ảnh hưởng rõ rệt.
Bước sang nửa đầu năm 2021, thị trường nhà ở tại Hà Nội vẫn tiếp tục chịu nhiều tác động từ đại dịch. Tuy nhiên, thực tế khan hiếm nguồn cung sơ cấp tại một số thị trường đã khiến các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và những rào cản pháp lý, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.
UBND TP. Hà Nội vừa ra Quyết định về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ lập chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2040. Theo đó, Hà Nội sẽ chủ động điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng nhà ở hiện nay trên địa bàn thành phố như nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ, nhà ở riêng lẻ khu vực đô thị và nông thôn. Đồng thời, dự báo mục tiêu phát triển nhà ở đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 và nhu cầu về nhà ở của các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà xã hội theo quy định. Từ đó, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhà ở của người dân, đồng thời gắn với phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững, hiện đại.
Hà Nội có thêm mục tiêu xây dựng hệ thống giải pháp phù hợp với tình hình phát triển của thành phố, đảm bảo phát triển nhà ở bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, làm cơ sở để quản lý công tác phát triển nhà ở và triển khai thực hiện các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển nhà và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản…
Một báo cáo mới được công bố bởi Batdongsan.com.vn cho thấy đã có sự thay đổi đáng kể trong dòng tiền của giới đầu tư Hà Nội. Nếu như năm 2019, các thị trường được nhà đầu tư quan tâm gồm Hà Nội (53%), TP.HCM (17%), Bình Dương (5%), Đà Nẵng (4%) thì bước sang quý I/2021 xu hướng mua bất động sản tại Hà Nội chiếm 86%, TP.HCM chỉ còn 2%, các tỉnh khác như Hoà Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Hải Phòng chỉ chiếm 1 - 2%.
Điều này không khó hiểu bởi từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản Hà Nội được hỗ trợ bởi nhiều thông tin quy hoạch như Đề án quy hoạch sông Hồng... Mức độ quan tâm của nhà đầu tư đã tập trung vào những khu vực như Đông Anh, Gia Lâm, Từ Sơn (Bắc Ninh), Thanh Trì, Nam Từ Liêm…
Cùng với mức độ quan tâm gia tăng, giá rao bán đất nền tại các khu vực như Thanh Trì đã tăng 28% so với thời điểm năm 2020. Tại Đông Anh giá tăng 13%, Gia Lâm tăng 10%, đặc biệt, Văn Giang (Hưng Yên) giá đất đã tăng đến 41%.
Giá rao bán chung cư tại Hà Nội có xu hướng ổn định hơn khi chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Giá căn hộ bình dân trên 28 triệu đồng/m2, giá trung cấp 28 - 35 triệu đồng/m2, giá cao cấp 35 - 80 triệu đồng/m2. Một số khu vực giá rao bán chung cư tăng đáng kể hơn như Hà Đông tăng 3%, Long Biên tăng 3%, Hoàng Mai tăng 2%…
Nhận định về thị trường nhà ở Hà Nội năm 2021, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá, năm 2021 sẽ khó có biến động lớn cho thị trường căn hộ. Hà Nội sẽ không có tình trạng khan hiếm nguồn cung giống như TP.HCM. Có thể thấy sự thay đổi tích cực về chất lượng của nhiều dự án nhà ở khác nhau, ví dụ như nhà ở trong phân khúc tầm trung. Việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ đóng vai trò quan trọng cho việc “cởi trói” nguồn cung, vì đây là điều kiện cần để mở rộng các khu vực dự án ra các khu vực lân cận.
Vị chuyên gia này cho hay: “Năm 2021, thị trường căn hộ Hà Nội sẽ không xảy ra "bong bóng" bất động sản khi kinh tế đang tăng trưởng tại mức được ghi nhận là tốt, lực cầu vẫn mạnh và giá có thể kiểm soát được. Một số các dự án đang kỳ vọng mức giá quá cao sẽ phải xét lại về tổng thể, giá bán và điều kiện thực tế của dự án để giảm áp lực cho chính dự án khi tung sản phẩm ra thị trường”.
Còn chuyên gia từ đơn vị nghiên cứu Colliers cho hay, trong khi quỹ đất ở khu vực trung tâm ngày càng khan hiếm, phần lớn nguồn cung trong tương lai sẽ đến từ các khu vực ven trung tâm, chủ yếu ở phía Tây và Bắc Hà Nội, sau đó là phía Nam và Đông Hà Nội. Năm 2021, thị trường chung cư của Thủ đô được dự báo sẽ đón khoảng 25.000 căn hộ mới, tập trung chủ yếu ở khu phía Đông và Tây, đặc biệt khi các khu vực này đang trên đà phát triển mạnh mẽ về kinh tế và hạ tầng.
Ông Peter Dinning, Chủ tịch Colliers Việt Nam cho biết thêm: “Nhiều chính sách điều tiết về nhà ở và tăng trưởng thị trường bất động sản đã được hoàn thiện và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng và kinh doanh. Luật Xây dựng 2020 đã thống nhất với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Bảo vệ môi trường về phê duyệt đề xuất đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư hoặc công nhận nhà phát triển, do đó tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch hơn đồng thời giảm thiểu đầu cơ và các hoạt động thao túng giá bất động sản. Với bệ đỡ này, phân khúc căn hộ chung cư trong năm 2021 tiếp tục có những triển vọng tích cực”. Kỳ vọng trong thời gian tới, nguồn cung nhà ở tại Hà Nội sẽ được cải thiện để các chủ đầu tư gia tăng cơ hội sở hữu nhà vừa túi tiền./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận