Thị trường ngày 19/7: Dầu tiếp tục rớt giá thảm hại, vàng cao nhất 2 tuần
Chốt phiên giao dịch đêm 18/7, dầu tiếp tục rớt giá thêm gần 3%, khí đốt tự nhiên Mỹ thấp nhất trong hơn 20 năm trong khi vàng lên mức cao nhất 2 tuần, bạc cao nhất 5 tháng, bạch kim cao nhất 2 tháng, niken phá vỡ mức cao kỷ lục 15.000 USD/tấn...
Dầu tiếp tục rớt thảm hại thêm gần 3%
Giá dầu tiếp tục giảm thêm 2,7% do thị trường chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 3 liên tiếp và kỳ vọng sản lượng dầu thô sẽ hồi phục ở Vịnh Mexico sau cơn bão tuần trước trong khu vực.
Chốt phiên giao dịch đêm qua 18/7, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 9/2019 giảm 1,73 USD, tương đương 2,7% còn 61,93 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 8/2019 giảm 1,48 USD/thùng, tương đương 2,6% xuống 55,30 USD.
Sản xuất dầu ngoài khơi của Mỹ tiếp tục khôi phục trở lại sau bão Barry đi qua Vịnh Mexico vào tuần trước. Royal Dutch Shell RDSa.L, nhà sản xuất hàng đầu vùng Vịnh, cho biết họ đã nối lại khoảng 80% sản lượng trung bình hàng ngày trong khu vực.
Giá khí đốt tự nhiên Mỹ thấp nhất trong hơn 20 năm
Giá khí đốt tự nhiên Henry Hub chuẩn của Hoa Kỳ trong mùa hè này đã có xu hướng thấp nhất kể từ năm 1998 do thời tiết tương đối ôn hòa vào tháng 6, theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA).
EIA dự báo giá khí đốt tự nhiên Henry Hub sẽ đạt trung bình 2,37 USD/mmBtu vào tháng 6,7 và 8, giảm mạnh so với mức 2,92 USD trong mùa hè năm 2018 và mức 3,07 USD trung bình 5 năm (2014-2018). Giá trung bình hè 1998 là 2,06 USD.
EIA dự báo giá khí đốt tự nhiên Henry Hub giao ngay sẽ đạt trung bình 2,50 USD/mmBtu trong nửa cuối năm 2019 và 2,77 USD vào năm 2020.
Giá khí đốt tự nhiên tại New York và Chicago đều ở mức thấp 2,12 USD/mmBtu trong tháng 6, giảm lần lượt 25% và 23% so với tháng 6/2018, EIA cho biết.
Vàng cao nhất 2 tuần, bạc cao nhất 5 tháng, bạch kim cao nhất 2 tháng
Giá vàng ổn định quanh mức cao nhất trong hai tuần do USD giảm và kỳ vọng gia tăng Fed cắt giảm lãi suất.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,2% đạt mức 1.430,01 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ 3/7 là 1.432,20 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 8/2019 tại Mỹ đã tăng 0,3% đạt 1.432,90 USD/ounce.
Trong khi đó, giá bạc cũng tăng 1,4% lên 16,19 USD/ounce, phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp, chạm mức cao nhất 5 tháng là 16,21 USD/ounce vào đầu phiên giao dịch.
Giá bạch kim giao ngay tăng 0,4% đạt 846,17 USD, sau khi chạm mức cao nhất trong 2 tháng là 852,32 USD.
Niken vượt 15.000 USD/tấn chạm mức cao nhất 1 năm
Giá niken đã chạm mức cao nhất 1 năm do hoạt động mua đầu cơ của người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Giá niken Thượng Hải trong một ngày nhảy vọt thêm 6%, ngày tăng thứ 9 liên tiếp.
Xu Aidong, nhà phân tích niken chính tại Antaike, cho biết giá nickel tăng là do sản lượng thép không gỉ của Trung Quốc tăng 10% trong nửa đầu năm nay. Lệnh cấm xuất khẩu quặng niken của Indonesia cũng đang ảnh hưởng đến giá cả mặc dù sẽ không có hiệu lực cho đến năm 2022.
Giá niken tại sở giao dịch LME chốt phiên đã tăng 2,8% lên 14.850 USD/tấn sau khi đã chạm mức cao nhất 1 năm là 15.115 USD/tấn.
Thâm hụt trên thị trường niken toàn cầu đã lên tới 12.500 tấn trong tháng 5/2019 so với mức thiếu hụt 7.500 tấn trong tháng trước đó.
Tồn kho niken đã giảm 43% trong 12 tháng qua xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2013.
Quặng sắt và thép giảm mạnh
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc giảm do lo ngại nguồn cung tăng từ hai nước xuất khẩu hàng đầu thế giới Australia và Brazil.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Đại Liên chốt phiên giảm 0,6% còn 889 CNY(129,20 USD)/tấn, sau khi tăng 1,3% vào đầu phiên giao dịch.
Giao hàng quặng sắt từ Austraylia sang Trung Quốc đã tăng hơn 11% trong tháng 6/2019 so với một tháng trước đó.
Giá thép cây giao tháng 10 trên Sàn Thượng Hải đã giảm 1,7% xuống còn 3.968 CNY/tấn. Giá thép cán nóng giảm 1,2% xuống còn 3.861 CNY.
Đường thô thấp nhất 8 tuần
Giá đường thô tại Chicago đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tuần do nhu cầu tiêu thụ đường châu Á yếu trong khi triển vọng xuất khẩu mạnh của Ấn Độ.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 giảm 0,24 cent, tương đương 2%, xuống còn 11,55 cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 8 tuần là 11,53 cent/lb. Trong khi giá đường trắng giao cùng kỳ hạn tăng 0,3 USD, tương đương 0,1%, đạt mức 312,60 USD/tấn.
Khả năng Ấn Độ, nước sản xuất và tiêu dùng đường lớn nhất thế giới, có thể xuất khẩu tới 8 triệu tấn, quá đủ để bù đắp lượng thiếu hụt sản xuất của các nơi khác nhưng có thể gây dư cung nếu tiêu thụ yếu.
Cao su tăng giá ngày thứ 3 liên tiếp
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo đã tăng ngày thứ 3 liên tiếp theo xu hướng giá Thượng Hải. Tại Tokyo, giá cao su giao tháng 12/2019 tăng 2,1% lên 184,2 JPY(1,71 USD)/kg. Giá cao su TSR20 giao tháng 1/2020 đạt 153,1 JPY/kg.
Tại Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 đóng cửa tăng 1,3% lên 10.660 CNY/tấn.Tại Singapore, giá cao su giao tháng 8/2019 chốt phiên tăng 1.2% đạt 141,8 US cent/kg.
Gạo xk Việt Nam tăng cao, gạo Ấn Độ và Thái Lan ổn định
Nông dân trồng lúa ở Bangladesh đang vật lộn với lũ lụt và nhu cầu tiêu thụ gạo của họ thấp trong tuần này, trong khi giá xuất khẩu gạo Việt Nam tăng do nhu cầu mới từ Philippines và Châu Phi.
Giá xuất khẩu gạo từ Ấn Độ và Thái Lan ít thay đổi do lo ngại lượng mưa ít có thể làm tổn hại đến mùa màng. Lũ lụt đã giết chết ít nhất 153 người ở Ấn Độ, Nepal và Bangladesh và ảnh hưởng đến hàng triệu người trong năm nay.
Bangladesh cũng không thể đạt được các thỏa thuận kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu gạo được dỡ bỏ vào tháng 5/2019. Tuy nhiên, giới thương gia cho biết, động thái này sẽ không có lợi đối với hầu hết người trồng lúa vì họ buộc phải bán sản phẩm cho các nhà xay xát hoặc người trung gian với mức giá rẻ hơn nhiều.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% đã tăng lên 350 USD/tấn so với mức 335- 340 USD vào tuần trước. Các nhà xuất khẩu đang tích cực mua gạo từ nông dân địa phương cho các giao dịch đã ký trước đó, chủ yếu với khách hàng ở Philippines và Châu Phi.Ngoài ra, vụ thu hoạch mùa hè-thu ở đồng bằng sông Cửu Long sắp kết thúc có dấu hiệu nguồn cung thấp hơn.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 đã giảm 3,6% so với một năm trước đó xuống còn 3,36 triệu tấn, theo số liệu hải quan.
Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm Ấn Độ không đổi ở mức 374- 377 USD/tấn do nhu cầu yếu từ Châu Phi.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giao dịch ở mức 401- 402 USD/tấn, FOB Bangkok so với mức 390- 404 USD vào tuần trước. Xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm 12% trong nửa đầu năm 2019.
Cà phê vững giá
Tại New York, cà phê Arabica giao tháng 9/2019 tăng 1,2 cent, tương đương 1,1%, đạt 1,086 USD/lb. Giá cà phê Robusta giao cùng thời hạn tăng 4 USD, tương đương 0,3%, đạt 1.427 USD/tấn.
Tại Việt Nam, giá cà phê tuần này vững ở mức tuần trước, hoạt động giao dịch trầm lắng, nguồn cung thấp. Nông dân ở Tây Nguyên chào bán cà phê nhân xô giá 34.500 - 35.000 đồng (1,49- 1,51 USD)/kg, không đổi so với tuần trước. Trong khi đó, cà phê robusta 5% đen & vỡ giá cộng 120 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn London, so với mức cộng 90 USD/tấn cách đây một tuần.
Các thương nhân dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam năm 2019/20 sẽ tăng 2% -3% đạt khoảng 1,9 triệu tấn, tương đương 31,67 triệu bao 60 kg. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã giảm 11,5% so với một năm trước đó xuống còn khoảng 920.000 tấn.
Tại Indonesia, nguồn cung đang tăng lên nhờ vụ thu hoạch lớn ở Sumatra. Cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào giá cộng 150- 180 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 9/2019 trên sàn London, so với mức 150-200 USD/tấn trong tuần trước.
Giá tỏi tiếp tục tăng cao
Giá tỏi và các sản phẩm từ tỏi đang tăng cao tại Trung Quốc, trái ngược với mong đợi của thị trường cho rằng giá sẽ giảm sau tết Nguyên Đán.
Nguồn cung tỏi mới đang vào thị trường dự kiến giá tỏi sẽ giảm nhẹ trong vài tháng tới. Tỏi sau khi thu hoạch được chế biến thành các chế phẩm khác nhau và bảo quản trong môi trường – 18 độ. Với nhiệt độ này, tỏi sẽ giữ tươi trong 2 năm. Tỏi sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu sang châu Âu trong các thùng lạnh.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 19/7
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận