Thị trường ngà voi Nhật Bản trước sức ép đóng cửa
(TBKTSG Online) - Nhật Bản là thị trường ngà voi hợp pháp lớn nhất thế giới do nhu cầu các con dấu cá nhân mà người nước này sử dụng để thay chữ ký.
Tuy nhiên, những lời kêu gọi đòi đóng cửa thị trường ngà voi Nhật Bản đang gia tăng trong và ngoài nước vì nhiều ý kiến chỉ trích nói rằng, thị trường này là một phần nguyên nhân của nạn săn bắn voi bất hợp pháp ở châu Phi để lấy bộ ngà quý giá của chúng.
Sau khi Trung Quốc đóng cửa thị trường ngà voi trong nước vào cuối năm 2017, các nước châu Phi đã kêu gọi Nhật Bản và Liên minh châu Âu tham gia một liên minh cấm buôn bán ngà voi toàn cầu.
Đơn kiến nghị của họ sẽ được trình bày tại một hội nghị quan trọng của Công ước Buôn bán quốc tế về các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) khai mạc vào ngày 23-5 tới ở Sri Lanka.
Dù vậy chính phủ Nhật Bản vẫn từ chối hành động vì cho rằng thị trường ngà voi trong nước đã được hạn chế và kiểm soát bằng cách sử dụng các vật liệu ngà voi được nhập khẩu cách đây nhiều thập kỷ.
262.000 con voi bị giết hại để cung cấp ngà cho Nhật Bản
Con dấu cá nhân được sử dụng thịnh hành ở Nhật Bản trong hàng thế kỷ qua. Tuy nhiên mãi đến thập niên 1970, việc sử dụng làm con dấu bằng ngà voi mới bắt đầu phổ biến vì nhiều người tin rằng ngà voi mang lại may mắn.
Khi nền kinh tế bùng nổ, Nhật Bản nhập khẩu hàng trăm tấn ngà voi mỗi năm, chủ yếu để khắc con dấu cá nhân.
Cơ quan Điều tra môi trường (EIA), có văn phòng hoạt động ở London và Washington, ước tính 262.000 con voi bị giết hại để cung cấp ngà cho thị trường Nhật Bản kể từ năm 1970. Phần tốt nhất để đẽo con dấu cá nhân là phần trung tâm của ngà voi. Đó là phần ngà cứng nhất là không có vết nứt, theo Hideki Arami, thợ điêu khắc của một cửa tiệm khắc dấu ở quận Shibuya, Tokyo.
Nhu cầu lấy phần trung tâm cứng nhất của ngà voi buộc những tên săn trộm phải nhắm đến những chú voi lớn với bộ ngà to nhất và đó thường là những con voi đầu đàn.
Khi số lượng đàn voi giảm nhanh, CITES nhất trí thông qua một lệnh cấm buôn bán ngà voi trên thị trường quốc tế vào năm 1989, song lệnh cấm này không ảnh hưởng đến các thị trường ngà voi nội địa.
Nhật Bản không bỏ cuộc, ráo riết vận động CITES cho phép tiến hành hai thương vụ mua ngà voi với số lượng lớn từ các nước ở miền nam châu Phi vào năm 1999 và 2008. Các nhà bảo tồn hoang dã cho rằng thương vụ thứ hai, bao gồm 108 tấn ngà voi được bán cho Trung Quốc và Nhật Bản, là một tai họa.
Tượng trâu và chú bé điêu khắc từ ngà voi được bán tại một cửa hiệu ở Tokyo. Ảnh: Washington Post. |
Peter Sand, Tổng Thư ký thứ nhất của CITES, cho biết thương vụ này rõ ràng là bình phong cho việc mở rộng các hoạt động buôn bán ngà voi bất hợp pháp ở Trung Quốc và làm gia tăng nạn săn bắn voi trộm.
Năm 2016, CITES tuyên bố rằng bất cứ thị trường ngà voi hợp pháp nào cũng cần phải đóng cửa khẩn cấp nếu góp phần dẫn đến nạn săn bắn trộm hay buôn lậu ngà voi.
Nhật Bản lập tức lập luận rằng nước này được miễn trừ khỏi tuyên bố trên vì thị trường ngà voi Nhật Bản sử dụng dụng các nguồn ngà voi nhập khẩu từ trước. Nhật Bản khẳng định không có ngà voi mới nào từ nguồn săn bắn trộm voi được bán vào thị trường Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia buôn bán động vật hoang dã từ tổ chức phi lợi nhuận TRAFFIC, có bằng chứng quan trọng cho thấy ngà voi ở Nhật Bản được xuất khẩu lậu sang Trung Quốc với số lượng lớn. Nói cách khác, thị trường ngà voi Nhật Bản đang góp phần làm gia tăng nạn buôn lậu ngà voi, làm suy yếu lệnh cấm buôn bán ngà voi ở Trung Quốc.
Các quy định giám sát còn lỏng lẻo
Các chủ sở hữu ngà voi nguyên chiếc ở Nhật Bản phải đăng ký với các cơ quan chức năng trước khi bán chúng nhưng trên thực tế, động thái này đơn giản là nhờ một người bà con hay một người bán gửi ký đơn xác nhận nói rằng chiếc ngà này thuộc sở hữu của chủ nhân trước khi CITES cấm buôn bán ngà voi trên thị trường quốc tế vào năm 1989.
Trong một nỗ lực tránh các chỉ trích về quy định lỏng lẻo này, chính phủ Nhật Bản yêu cầu các chủ sở hữu ngà voi phải tiến hành định tuổi ngà voi bằng đồng vị carbon để ngăn chặn các ngà voi mới tuồn vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, yêu cầu mới không áp dụng cho các ngà voi đã bị cắt nhỏ. Do vậy, các tay buôn lậu ngà voi dễ dàng tránh sự giám sát bằng cách cắt nhỏ những chiếc ngà voi.
Hideki Arami, thợ điêu khắc con dấu ngà voi đang làm việc ở cửa hàng của ông ở quận Shibuya, Tokyo. Ảnh: Washington Post |
Masayuki Sakamoto, Giám đốc điều hành Quỹ bảo tồn hổ và voi Nhật Bản, cho biết có 113 phi vụ xuất khẩu ngà voi từ Nhật Bản sang Trung Quốc với khối lượng nặng trên hai tấn mỗi vụ bị bắt giữ trong giai đoạn 2011-2016. Song chỉ phía Nhật Bản chỉ bắt giữ bảy vụ và Trung Quốc bắt giữ tất cả các vụ còn lại.
Hệ thống thông tin buôn bán voi, có nhiệm vụ theo dõi nạn buôn bán lậu ngà voi cho CITES, cho biết vấn đề thực thi luật liên quan đến buôn bán ngà voi bất hợp pháp ở Nhật Bản tệ ngang với Congo.
Các chuyên gia cho biết khi cảnh sát Nhật Bản phát hiện các vụ buôn bán ngà voi bất hợp pháp, họ ít khi khởi tố và chỉ xử phạt rất nhẹ.
Quan điểm của Nhật Bản đối với vấn đề ngà voi cũng giống như vấn đề săn bắt cá voi, rằng: các động vật hoang dã cần phải được khai thác bền vững và không nên cấm săn bắt tuyệt đối với bất kỳ động vật hoang dã nào.
Tuy vậy, một số quan chức ở Bộ Môi trường Nhật Bản đang muốn Nhật Bản đóng cửa thị trường ngà voi.
Học kinh nghiệm thành công ở Trung Quốc, nơi cựu ngôi sao bóng rổ của Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) Yao Ming tiên phong dẫn dắt cuộc vận động cấm buôn bán ngà voi, các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã ở Nhật Bản đang tập hợp những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong xã hội tham gia cuộc vận động tương tự. Những người này bao gồm danh thủ bóng chày Yoh Daikan, người mẫu thời trang Rola, người dẫn chương trình truyền hình Christel Takigawa.
Hãng bán lẻ AEON và trang thương mại điện tử Rakuten cũng đã cấm bán ngà voi từ năm 2017. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán ngà voi trực tuyến ở Nhật Bản vẫn đang bùng nổ.
Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Hideka Morimoto ghi nhận vấn đề ngà voi đang gây xấu xí hình ảnh Nhật Bản nhưng bộ này lên tiếng, liệu các quy định thắt chặt giám sát gần đây có hiệu quả hay không trước khi cân nhắc hành động cứng rắn hơn.
Theo Washington Post
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận