24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Nam Trung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường năng lượng toàn cầu chìm vào hỗn loạn

Một cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine có thể làm tăng giá dầu và khí đốt tự nhiên vốn đã ở mức cao, kéo dài tình trạng lạm phát cao trên toàn thế giới và giáng một đòn mạnh vào bất kỳ quốc gia nào phụ thuộc vào Nga về năng lượng.

Giá dầu và khí đốt đã tăng trong nhiều tháng do các nước xuất khẩu như Libya phải vật lộn với các vấn đề sản xuất, trong khi nhu cầu đã nhanh chóng phục hồi sau hai năm xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, theo giới phân tích, tất cả những điều đó đều không thể so sánh với những gì có thể xảy ra nếu một cuộc chiến ở Đông Âu và các lệnh trừng phạt tiềm tàng của phương Tây đối với Nga làm giảm sản lượng của nước này.

Ngày 14/2, giá dầu đã tăng hơn 2% lên mức cao nhất trong hơn 7 năm khi Tổng thống Ukraine kêu gọi “ngày đoàn kết toàn dân” vào ngày 16/2 - cũng là ngày mà một số phương tiện truyền thông phương Tây cho là ngày Nga có thể bắt đầu một cuộc xâm lược.

Nga là một trong những nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới, và mối lo sợ rằng nước này có thể xâm lược Ukraine đã khiến giá dầu lên gần 100 USD/thùng, mức chưa từng thấy kể từ năm 2014. John Kilduff, đối tác của Again Capital ở New York, nhận định: “Thị trường vẫn đặc biệt nhạy cảm với những diễn biến về tình hình Nga-Ukraine. Tình hình đang tăng lên mức độ khủng khiếp. Mọi người đang trong trạng thái: mua ngay bây giờ, thắc mắc sau”.

Nga sản xuất 10 triệu thùng dầu/ngày, chiếm khoảng 10% nhu cầu toàn cầu và là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Âu, một loại nhiên liệu quan trọng cho các nhà máy điện và nhiệt.

Mỹ không phải là nước nhập khẩu lớn dầu của Nga. Họ nhập khoảng 700.000 thùng/ngày, tương đương 3% nhu cầu. Nhưng ngay cả người Mỹ cũng sẽ bị tổn thương vì giá của hàng hóa này được ấn định trên thị trường toàn cầu.

Không ai biết được Tổng thống Nga Putin dự định làm gì ở Ukraine, và hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng một cuộc chiến sẽ gây tổn hại cho đất nước của ông cũng như phần còn lại của thế giới, nếu không muốn nói là nhiều hơn, do nền kinh tế Nga phụ thuộc vào năng lượng. Tuy nhiên, chỉ bằng cách điều động hàng chục nghìn quân gần biên giới Ukraine, Putin đã tạo ra mối đe dọa đối với thị trường năng lượng toàn cầu mà thế giới chưa từng chứng kiến kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

David L. Goldwyn, từng là nhà ngoại giao năng lượng hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Obama, nói: “Các chính phủ từng hy vọng rằng những ngày này đã kết thúc. Không ai muốn Nga cắt giảm dầu và khí đốt đối với thị trường toàn cầu”.

Giá nhiên liệu cao hơn làm ảnh hưởng nhiều nhất đến người tiêu dùng nông thôn và tầng lớp lao động vì họ dành phần lớn thu nhập cho năng lượng và bởi họ thường lái xe quãng đường dài hơn trên những chiếc xe ít tiết kiệm nhiên liệu hơn. Tom Kloza, Trưởng bộ phận phân tích năng lượng toàn cầu của Dịch vụ thông tin giá dầu - cơ quan báo cáo giá, cung cấp thông tin cho các hợp đồng thương mại liên quan đến năng lượng, cho biết cứ mỗi xu mà một gallon xăng thông thường tăng lên, người tiêu dùng Mỹ phải tiêu tốn 4 triệu USD/ngày. Ông Kloza nói: “Tôi lo lắng nhất về động cơ diesel. Nó không gây ra sự phản đối kịch liệt của công chúng như xăng, nhưng nó có thể là kẻ giết người thầm lặng đối với thương mại và lợi nhuận”.

Mối đe dọa trước mắt lớn nhất từ một cuộc xâm lược sẽ là hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga thông qua các đường ống của Ukraine sang châu Âu. Nếu khí đốt ngừng luân chuyển, nhiều người châu Âu có thể phải vật lộn để sưởi ấm cho ngôi nhà của họ. Các công ty tiện ích có thể phải cắt giảm sản lượng điện và các nhà máy có thể phải đóng cửa sớm. Putin cũng có thể tìm cách gia tăng thêm sức ép đối với phương Tây bằng cách hạn chế xuất khẩu dầu sang châu Âu.

Tất nhiên, những động thái đó sẽ gây tổn hại cho Nga, và khiến các lệnh trừng phạt kinh tế mà chính quyền Biden và các đồng minh đã hứa hẹn sẽ trở nên khắc nghiệt hơn. Mối đe dọa đó có thể trở thành lý do chính khiến Putin cuối cùng sẽ tìm kiếm một thỏa hiệp.

Hiện có nhiều lý do để hy vọng một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể được ngăn chặn. Mỹ đã sản xuất nhiều dầu hơn trong những tuần gần đây và chính quyền Biden đang nỗ lực khôi phục một thỏa thuận hạt nhân với Iran để giải phóng tới 1 triệu thùng/ngày trên thị trường thế giới.

Mùa Đông ở châu Âu đã tương đối ôn hòa và gió thổi mạnh hơn nhiều so với năm ngoái, giảm bớt áp lực cho ngành điện gió. Hơn nữa, chính quyền Biden đã đạt được một số thành công trong việc chuyển nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng hơn đến châu Âu bằng cách thuyết phục Nhật Bản và những người tiêu dùng châu Á khác từ bỏ một số lô hàng.

Tuy nhiên, sản lượng dầu toàn cầu đã không theo kịp trong năm qua với sự tăng trưởng của nhu cầu bất chấp đại dịch kéo dài. Sản lượng của một số thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm và đã có những gián đoạn sản xuất bên ngoài nhóm, trong đó bao gồm cả ở Ecuador và Kazakhstan, vì thiên tai và bất ổn chính trị. Căng thẳng chính trị gia tăng cũng có thể đẩy Libya trở lại cuộc nội chiến, vốn có thể gây nguy hiểm tới việc sản xuất 300.000 thùng dầu hoặc hơn thế nữa.

Nishant Bhushan, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp của công ty tư vấn Rystad Energy, khẳng định: “Chỉ đơn giản là mối đe dọa chiến tranh và gián đoạn có thể đủ để đẩy giá lên cao hơn nữa”.

Một số nhà phân tích năng lượng cho rằng mức giá cao có thể không kéo dài lâu như vậy. Điều đó là bởi mọi người có thể tìm cách giảm chi phí của họ, chẳng hạn như lái xe ít hơn hoặc chuyển sang các phương tiện và thiết bị hiệu quả hơn. Một báo cáo hôm 14/2 của các nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư RBC dự báo giá dầu có thể đạt 115 USD/thùng hoặc cao hơn trong mùa Hè này.

Giá xăng tăng vọt gần đây diễn ra vào thời điểm trong năm khi mọi người có xu hướng ít lái xe hơn. Theo một số chuyên gia năng lượng, điều đó thật đáng lo ngại vì giá cả tăng theo mùa cũng sớm xảy ra.Patrick De Haan, Trưởng bộ phận phân tích xăng dầu tại Công ty công nghệ GasBuddy, cho biết: “Không chỉ giá dầu tăng, mà phần lớn nước Mỹ đang bắt đầu quá trình chuyển đổi sang xăng mùa Hè (xăng mùa Hè có giá cao hơn và chứa nhiều năng lượng hơn xăng mùa Đông khoảng 1,7%), càng làm tăng thêm sự gia tăng áp lực tại các trạm bơm xăng.

Tất nhiên, một dàn xếp ngoại giao sẽ giúp giảm bớt áp lực và giá năng lượng sẽ đi xuống. René Ortiz, cựu Tổng thư ký OPEC và cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Ecuador, cho biết: “Giá trung bình năm 2022 có thể thấp hơn năm 2021 với nhiều nguồn cung hơn từ Mỹ và vùng Vịnh, bao gồm cả Iran. Đó là kịch bản tốt nhất, và tôi nghĩ ngoại giao sẽ chiếm ưu thế. Sẽ thật điên rồ nếu Putin tiến hành xâm lược”.

Theo Reuters, New York Times

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả