menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dung Phạm

Thị trường M&A 2023: Lạc quan thận trọng

Dù hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) vẫn diễn ra khá sôi động, nhưng dấu hiệu của sự cẩn trọng đã xuất hiện nhiều hơn trong các thương vụ.

Nốt trầm xao xuyến

Sau năm 2021 bùng nổ mạnh mẽ với con số kỷ lục 60.000 giao dịch, giá trị hơn 5.000 tỷ USD trên toàn cầu, thị trường M&A trong năm 2022 đã có sự “tiết chế” cần thiết và tính cẩn trọng đã được đề cao hơn.

Theo báo cáo về thị trường M&A toàn cầu của PwC, nửa đầu năm 2022, thị trường M&A đã trở nên kém sôi động hơn trong bối cảnh kinh tế chung xuất hiện nhiều trở ngại, bao gồm lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng nhanh, thị trường cổ phiếu suy giảm và khủng hoảng năng lượng…

Tính đến tháng 10/2022, thị trường toàn cầu chứng kiến khoảng 33.000 thương vụ, với giá trị khoảng 3.000 tỷ USD.

Đánh giá về xu hướng thương vụ, chuyên gia từ PwC cho rằng, kinh tế vĩ mô hiện tại đang ảnh hưởng đến quá trình thực hiện thương vụ. Với lạm phát ở nhiều quốc gia đạt mức cao nhất trong 40 năm, các nhà giao dịch thương vụ cần thẩm định doanh nghiệp bằng cách tiếp cận mới - dự báo các kịch bản lạm phát khác nhau và xem xét các tác động đối với thị phần, độ co giãn của giá cả, mối quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp, lương thưởng và duy trì nguồn nhân lực. Nói cách khác, các nhà đầu tư đã trở nên cẩn trọng hơn trong bối cảnh vĩ mô có nhiều biến động lớn.

Một số ngành đã và sẽ tiếp tục “chiếm sóng” trên thị trường thời gian tới là: Công nghệ, truyền thông và viễn thông; Dịch vụ tài chính; Thị trường tiêu dùng; Sản xuất công nghiệp và ô tô; Năng lượng, tiện ích và khai thác; Y tế…

Ông Tiong Hooi Ong, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn giao dịch, PwC Việt Nam đánh giá, bất chấp những trở ngại về kinh tế vĩ mô, hoạt động M&A năm 2022 tại Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng của các quyết định chiến lược nhằm tối ưu hóa danh mục đầu tư, khi các nhà giao dịch thoái vốn nhằm tập trung nguồn lực vào việc nâng cao năng lực doanh nghiệp và chuyển đổi các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thông qua M&A”, ông Tiong Hooi Ong nói.

Một trong những nhân tố hỗ trợ là sự phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn mạnh mẽ, với mức tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%. Ngoài ra, với các quy định và chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư, nửa cuối năm 2022 sẽ là cơ hội để các nhà kinh doanh đánh giá lại chiến lược và hành động.

Các nhà giao dịch thương vụ đang thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Trong đó, biến động ngắn hạn trên thị trường tài chính, áp lực lạm phát, lãi suất tăng nhanh, gián đoạn chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị đều có khả năng phát triển thành xu hướng dài hạn. Đây là thời điểm để các nhà lãnh đạo có năng lực thực hiện các bước đi táo bạo và tạo tiền đề cho 5 năm tới, đạt được các mục tiêu quan trọng nhất đối với doanh nghiệp hoặc danh mục đầu tư của họ. Hoạt động M&A có thể là cách để theo đuổi các cơ hội mang lại giá trị trong một nền kinh tế đầy thách thức.

Bản chất thương vụ thay đổi mạnh

Theo Ernst & Young, hoạt động M&A trên phạm vi toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm 27% so với nửa đầu năm 2021, nhưng vẫn tăng 35% so với mức trung bình giai đoạn 2015 - 2019.

Dù có nhiều lợi thế, Việt Nam khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực khi vốn đầu tư từ các nước phát triển vào các thị trường mới nổi suy giảm, căng thẳng địa chính trị và lạm phát cao trên toàn thế giới. Ông Trần Vinh Dự, Lãnh đạo bộ phận Chiến lược và Giao dịch Tài chính, Ernst & Young Đông Dương.

Đặc biệt, M&A có xu hướng diễn ra tại các quốc gia có mối quan hệ liên thuộc và công nghệ nổi lên như một lĩnh vực hấp dẫn đầu tư, chiếm gần 1/3 tổng giá trị các giao dịch M&A toàn cầu.

Theo phân tích của Ernst & Young, bản chất các thương vụ M&A xuyên biên giới đang thay đổi nhằm phản ánh mức độ căng thẳng địa chính trị trên toàn thế giới. Trong khi số lượng giao dịch M&A xuyên biên giới giảm xuống 24% trong nửa đầu năm 2022 so với 30% giai đoạn 2015 - 2019, thì số thương vụ xuyên biên giới giữa các quốc gia liên thuộc lại tăng trưởng đáng kể lên 51% trong năm 2022 so với tỷ lệ trung bình 42% trong giai đoạn 2015 - 2019.

Phân tích của Ernst & Young cũng cho thấy, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm từ con số kỷ lục 27 tỷ USD trong nửa đầu năm 2016, xuống chỉ còn 1,9 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, trong khi đầu tư của Bắc Mỹ vào châu Âu lại tăng từ 60 tỷ USD lên 149 tỷ USD trong cùng giai đoạn.

Ông Andrea Guerzoni, Phó chủ tịch Ernst & Young Toàn cầu, Lãnh đạo bộ phận Chiến lược và Giao dịch Tài chính cho biết, nếu loại bỏ các thương vụ M&A theo kiểu mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) diễn ra tương đối sôi động trong nửa đầu năm 2021, hoạt động M&A luôn phải trải qua giai đoạn điều chỉnh trước diễn biến thị trường.

Không giống như khi Covid-19 bùng phát (thời điểm hoạt động M&A chững lại), thời điểm này đa phần các doanh nghiệp vẫn có tâm thế lạc quan, tiếp tục tìm kiếm cơ hội tăng trưởng thông qua các thương vụ M&A.

Trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu thực hiện các giao dịch M&A xuyên quốc gia vẫn rất lớn, nhưng các CEO ngày càng thận trọng hơn khi lựa chọn đối tác cho các thương vụ. Họ ưu tiên mở rộng hoạt động sản xuất và theo đuổi các giao dịch tài chính trong biên phí thấp hơn, thay vì thực hiện chiến lược mở rộng toàn cầu một cách thuần túy.

Ông Trần Vinh Dự, Lãnh đạo bộ phận Chiến lược và Giao dịch Tài chính, Ernst & Young Đông Dương đánh giá, tại Việt Nam, hoạt động đầu tư từ quỹ đầu tư tư nhân (PE) và quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022, bất chấp những bất ổn trên thị trường vốn và thị trường nợ. Theo nghiên cứu của Ernst & Young, tổng giá trị thương vụ giao dịch nửa đầu năm 2022 gần bằng cả năm 2021 (4,97 tỷ USD).

Tuy nhiên, theo ông Dự, hoạt động M&A có thể sẽ giảm nhiệt trong giai đoạn cuối năm 2022 do các nhà đầu tư thận trọng hơn trước các xu hướng vĩ mô, có tác động đến nền kinh tế Việt Nam.

“Dù có nhiều lợi thế, Việt Nam khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực khi vốn đầu tư từ các nước phát triển vào các thị trường mới nổi suy giảm, căng thẳng địa chính trị và lạm phát cao trên toàn thế giới. Đây là những yếu tố làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam”, ông Dự nhận định.

Một điểm đáng lưu ý nữa, theo ông Dự, đó là tại Việt Nam, hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ chưa được như kỳ vọng dù đây vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Theo chuyên gia này, chỉ có 4 thương vụ M&A liên quan đến công nghệ trong nửa đầu năm nay, so với 7 thương vụ của cùng kỳ năm 2021.

Nhìn sang năm 2023, các chuyên gia đều cho rằng, với bối cảnh vĩ mô có những diễn biến phức tạp, khó lường, tâm lý của các nhà đầu tư sẽ chi phối nhiều đến việc thực hiện các thương vụ. Dù có thể lạc quan với diễn biến thị trường, nhưng tâm lý thận trọng vẫn sẽ là nét chính của thị trường năm 2023

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại