Thị trường kim loại quý đối diện với điều gì sau mức lạm phát kỷ lục tại Mỹ?
Sau 3 đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhằm kiềm chế lạm phát kể từ đầu năm đến nay, đồng dô-la Mỹ liên tục tăng cao và tạo sức ép tới thị trường kim loại quý. Tuy nhiên, lạm phát tại Mỹ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt và tiếp tục lập đỉnh trong tháng 6, đã đặt giá bạc và bạch kim vào thách thức mới trong thời gian sắp tới.
Thị trường kim loại quý lao dốc trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), chỉ số MXV-Index kim loại đã đánh mất gần 400 điểm xuống còn 1.503,76 điểm kể từ đầu năm cho tới nay, tương đương với mức giảm 20%. Kể từ khi FED tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm vào giữa tháng 3 sau 2 năm duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, giá bạc và bạch kim đã đánh mất lần lượt khoảng 28% và 25% giá trị. Hiện tại, giá bạc đang dao động quanh mức 18 USD/ounce, trong khi bạch kim suy yếu xuống khoảng 817 USD/ounce. Cả hai mặt hàng này đều đang ở vùng giá thấp nhất trong vòng 2 năm qua.
Cuộc chiến thắt chặt tiền tệ liên tiếp của FED đưa chỉ số Dollar index tăng vọt ngay cả khi đã tạo mức đỉnh cao nhất trong 2 thập kỷ vào giữa tháng 5. Sức hấp dẫn của đồng bạc xanh đã làm xói mòn nhu cầu nắm giữ bạc và bạch kim, vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ dao động quanh mức 3%, mức cao nhất kể từ năm 2018 cũng đã gây áp lực cho những tài sản không sinh lời như kim loại quý.
Trong vòng 4 tháng trở lại đây, dấu hiệu hạ nhiệt của giá bạc và bạch kim cùng các mặt hàng kim loại khác khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng lạm phát đã đạt đỉnh vào hồi tháng 5. Tuy nhiên, chỉ số CPI tháng 6 của Mỹ mới được công bố tiếp tục cho thấy mức tăng kỷ lục 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ, đánh bại dự đoán tăng 8,8% của các chuyên gia kinh tế. Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 6 cũng vượt kỳ vọng của thị trường, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực chất, dấu hiệu lạm phát tại Mỹ đã bắt đầu nhen nhóm từ hồi tháng 4/2021, khi chỉ số CPI tăng lên mức 4,2% và không ngừng leo thang sau hơn 1 thập kỷ duy trì dưới mức 3%. Tuy nhiên, cho tới tận tháng 3 năm nay, các đợt tăng lãi suất mới chính thức bắt đầu được hiện thực hoá. Nhiều chuyên gia kinh tế đang cho rằng FED đã hành động khá chậm chạp.
Mức lạm phát kỷ lục mới trong tháng 6 làm dấy lên lo ngại rằng tiến tình tăng lãi suất là một hành trình dài và do đó, giá bạc và bạch kim vốn nhạy cảm với lãi suất và đồng USD sẽ gặp nhiều biến động trong thời gian sắp tới.
Cuộc chiến dài hơi của FED sẽ tạo áp lực lên giá nhóm kim loại quý
Trước khi dữ liệu giá trong tháng 6 được công bố, nhiều nhà đầu tư tin rằng 50 hoặc 75 điểm cơ bản sẽ được bổ sung vào cuộc họp cuối tháng 7 sắp tới. Tuy nhiên, thị trường đã có những phản ứng mạnh mẽ ngay lập tức sau khi mức lạm phát đạt kỷ lục. Theo công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group, niềm tin vào mức bổ sung 100 điểm cơ bản tăng vọt từ 0% vào cuối tuần trước lên mức 45%. Trong khi đó, tỷ lệ ý kiến cho rằng FED sẽ tăng 50 điểm cơ bản đã bị xóa sạch.
Thực tế, các quan chức tại Ngân hàng Trung ương lớn nhất thế giới luôn cam kết mạnh mẽ về mục tiêu đẩy lùi lạm phát. Trong khi đó, dữ liệu bảng lương phi nông của Bộ Lao động Mỹ vào cuối tuần trước vẫn đang cho thấy một thị trường lao động vẫn ở mức tương đối tích cực. Biên chế việc làm ngoài ngành nông nghiệp tăng 372.000 so với tháng trước, vượt xa dự đoán chỉ tăng 268.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức 3,6% trong vòng 4 tháng liên tiếp. Điều này giúp cho không gian thắt chặt tiền tệ của FED được nới rộng và do đó, mức tăng 1 điểm phần trăm hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngoài ra, lãi suất còn có thể tăng thêm 50 đến 75 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 9 nếu như chỉ số giá CPI vẫn neo ở mức cao. Thị trường kim loại quý trước áp lực thắt chặt mạnh mẽ hơn vào nửa cuối năm nhiều khả năng sẽ còn dư địa lao dốc.
Bên cạnh đó, với vai trò công nghiệp không kém phần quan trọng trong các hoạt động sản xuất, đặc biệt là ngành chế tạo ô tô, linh kiện điện tử, nhu cầu tiêu thụ về bạc và bạch kim cũng có thể suy yếu khi đối diện với rủi ro suy thoái kinh tế. Thực tế, đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đang có xu hướng đảo ngược kể từ ngày 6/7, khi mức lợi suất 2 năm cao hơn mức lợi suất 10 năm. Đây được coi là một chỉ báo cho thấy suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong vòng 1 - 2 năm nữa. Tăng trưởng chậm lại sẽ đe dọa tới việc thu hẹp hoạt động sản xuất và do đó, tạo áp lực kép lên thị trường kim loại quý như bạc và bạch kim trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận