24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoa Thanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường khách sạn vẫn ảm đạm

Và trong bất kỳ trường hợp nào, năm 2020 cũng sẽ chứng kiến sự sụt giảm chưa có tiền lệ về lượng khách du lịch, dẫn đến việc suy giảm trầm trọng công suất phòng ở thị trường khách sạn. Ngoài ra, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cự

Dịch Covid-19 đã gây ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế, ngành du lịch và thị trường khách sạn của Việt Nam. Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính, thiệt hại cho ngành du lịch trong giai đoạn từ tháng 2 - tháng 4/2020 có thể lên đến 5,9-7,7 tỷ USD. Các khách sạn, công ty lữ hành và công ty du lịch đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong giai đoạn này. Nhiều khách sạn đã phải đi từ rút ngắn thời gian làm việc của nhân viên, giảm bớt số lượng nhân viên, thậm chí phải tạm thời đóng cửa khi quá trình vận hành không thể mang lại mức hòa vốn tối thiểu.

Và trong bất kỳ trường hợp nào, năm 2020 cũng sẽ chứng kiến sự sụt giảm chưa có tiền lệ về lượng khách du lịch, dẫn đến việc suy giảm trầm trọng công suất phòng ở thị trường khách sạn. Ngoài ra, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Thức - Phó Giám đốc CBRE Hotels Việt Nam cho rằng: “Những biến động lớn cũng mang đến cơ hội cho những biến đổi lớn: đây sẽ là giai đoạn quan trọng để sàng lọc những chủ đầu tư có thực lực và có khả năng thích ứng, giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ hơn khi đại dịch kết thúc”.

Báo cáo tiêu điểm thị trường khách sạn quý I/2020 của CBRE Việt Nam cho thấy, trong năm 2019, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh, đạt kỷ lục mới về lượng khách quốc tế với 18 triệu lượt du khách và tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao nhất khu vực. Tuy nhiên, đến cuối quý I/2020, khi thị trường đang chịu tác động lớn từ Covid-19, các giao dịch sẽ bị chững lại. Ông Robert McIntosh - Giám đốc Điều hành của CBRE Hotels Asia Pacific nhận xét: “Khi tình hình hoạt động trong ngắn hạn của thị trường khách sạn giảm xuống mức thấp kỷ lục, cùng với việc không thể biết chắc chắn phải mất bao lâu để thị trường phục hồi hoàn toàn, kỳ vọng về giá trong các thương vụ mua bán khách sạn sẽ giảm xuống. Cùng với đó, các khách sạn vốn phụ thuộc nhiều hơn vào phân khúc khách du lịch quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với những khách sạn có nguồn khách nội địa mạnh”.

Đầu quý II/2020, trên thị trường khách sạn, CBRE Việt Nam nhận thấy có sự gia tăng nhu cầu đến từ bên mua từ các đơn vị tìm kiếm tài sản đang gặp khó khăn về dòng tiền, trong khi số lượng tài sản có nhu cầu bán ở phân khúc 4- và 5-sao là không đáng kể, vì chủ sở hữu/chủ đầu tư ở các phân khúc này thường là những tập đoàn lớn có đủ dự trữ vốn để vượt qua đợt khủng hoảng này. Một số khách sạn cao cấp đang được chào bán hiện nay thực ra đã được mở bán từ trước khi dịch bệnh xảy ra.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Hà Nội dự kiến sẽ có thêm một khách sạn 4 sao với 343 phòng trong quý I/2020, và hai dự án khác trong năm 2020. Tuy nhiên, những diễn biến khó lường của dịch bệnh có thể sẽ ảnh hưởng đến việc khai trương ba dự án trên trong năm 2020. Kết thúc quý I/2020, thị trường khách sạn 4-5 sao ở Hà Nội có tổng cộng 7.882 phòng với 35 dự án. Trong quý I/2020, tổng lượt khách quốc tế đến Hà Nội giảm mạnh khoảng 36,9% so với quý I/2019. Mặc dù hiện nay, việc giãn cách xã hội đã được nới lỏng nhiều, nhưng vẫn còn đó tâm lý e ngại di chuyển, nên ngành du lịch dự kiến sẽ cần khá nhiều thời gian để hồi phục. Giá phòng bình quân trong quý I/2020 đạt 115,2 USD, giảm 6,6% so với quý I/2019. Công suất phòng bình quân đạt 51,2%, giảm 28,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2019. Nhìn chung tình hình thị trường khách sạn tại Hà Nội vẫn khả quan hơn so với thị trường TP.HCM.

Trong quý I/2020, TP.HCM có thêm một dự án mới, nâng tổng số lượng phân khúc 4–5 sao lên 50 khách sạn với 10.945 phòng. Thị trường được dự báo sẽ chào đón nguồn cung mới với khoảng 3.000 phòng từ 15 dự án trong giai đoạn 2020 – 2023. Ngành kinh doanh khách sạn hiện đang trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng kéo dài từ đại dịch Covid-19 và nhiều công trình khách sạn cũng phải tạm ngưng hoạt động xây dựng, do vậy việc khai trương các khách sạn mới có thể sẽ bị trì hoãn. Trong quý I/2020, TP.HCM chỉ đón tiếp khoảng 1,3 triệu lượt khách quốc tế, giảm 42,3% so với cùng kỳ 2019.

Hầu hết các khách sạn trên địa bàn TP.HCM đều ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong đại dịch. Giá phòng bình quân tại TP.HCM đạt 110,3 USD trong quý I/2020, giảm 12,7% so với cùng kỳ 2019 và công suất phòng chỉ ở mức 42,0%, giảm 28,4 đpt so với cùng kỳ. Tuy các khách sạn vẫn được lấp đầy khoảng 50% vào tháng Hai, công suất phòng tháng 3 đã giảm mạnh 56,2 đpt so với cùng kỳ 2019 khi các biện pháp giãn cách xã hội ngày càng được thắt chặt.

Theo CBRE Việt Nam, do các chuyến bay quốc tế sẽ bị tạm ngưng đến sớm nhất là cuối tháng 5, nên lượng khách nước ngoài sẽ rất hạn chế trong quý II, trong khi nhu cầu du lịch từ khách nội địa chưa tăng mạnh. Sự hồi phục của thị trường được dự báo diễn ra tương đối chậm và phụ thuộc nhiều vào những diễn biến trên thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả