Thị trường IPO thế giới chứng kiến nhiều “bom xịt” trong năm nay
Năm 2021, thị trường chứng khoán thế giới ghi nhận giá trị các thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đạt mức kỷ lục. Nhiều thương vụ IPO, đặc biệt ở các lĩnh vực công nghệ như hãng gọi xe Grab, Công ty thương mại điện tử Coupang (Hàn Quốc), ứng dụng giao đồ ăn Deliveroo (Anh)… có mức định giá cao ngất ngưỡng. Giá của những cổ phiếu IPO này tăng vọt trong phiên giao dịch đầu tiên, để rồi sau đó, phần lớn chúng bị bán tháo, khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ.
Cổ phiếu IPO: Từ nóng chuyển sang lạnh
Trong năm nay, giá trị các thương vụ IPO trên toàn cầu, bao gồm cả các thương vụ được thực hiện thông qua công ty thâu tóm vì mục đích đặc biệt (SPAC), đạt mức kỷ lục 594 tỉ đô la, theo dữ liệu của Dealogic. Ngành công nghệ và chăm sóc y tế chiếm đến hơn 40% tổng số tiền thu về trong các thương vụ IPO trên toàn cầu.
Hàng loạt công ty từ các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ đến các công ty SPAC đã chạy đua IPO để tận dụng cơn phấn khích của các nhà đầu tư khi các mức lãi suất thấp và tiến trình tái mở nền kinh tế tăng tốc nhờ vaccine Covid-19 thúc đẩy khẩu vị tài sản rủi ro của họ. Các cổ phiếu IPO này thường tăng giá ấn tượng trong phiên giao dịch đầu tiên nhưng khiến giới đầu tư thất vọng vì đà giảm giá kéo dài của chúng trong những tháng sau đó.
Chỉ số Renaissance IPO, theo dõi mức biến động giá của các cổ phiếu IPO mới niêm yết lên sàn tại Mỹ, giảm khoảng 8% trong năm nay, so với mức tăng 25% của chỉ số S&P 500. Nhiều cổ phiếu IPO nhanh chóng trở thành “bom xịt” sau khi thu hút sự hào hứng của giới đầu tư lúc mới lên sàn.
Công ty sản xuất sữa yến mạch Oatly Group (Thụy Điển) đã huy động thành công 1,4 tỉ đô la dựa trên mức định giá lên đến 10 tỉ đô la trong đợt IPO hồi tháng 5. Giá cổ phiếu Oatly tăng 18% trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Nasdaq của Mỹ. Nhưng vào thời điểm thị trường đóng cửa vào hôm 28-12, giá cổ phiếu Oatly đã giảm đến 54% so với giá IPO. Ứng dụng giao đồ ăn Deliveroo đã huy động được 2,1 tỉ đô la khi niêm yết trên sàn chứng khoán London hồi tháng 3. Hiện nay, giá cổ phiếu Deliveroo đã giảm hơn 40% so với giá IPO.
Công ty Kuaishou Technology (Trung Quốc), chủ sở hữu ứng dụng tạo và chia sẻ video ngắn Kuaishou, đã huy động được 5,4 tỉ đô la trong đợt IPO để niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hồng Kông hồi tháng 2. Trong phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu công ty này đã tăng 160%, lên mức 338 đô la Hồng Kông, nhưng giảm nhanh kể từ đó, và đến nay, đã rơi về mức 68,1 đô la Hồng Kông, thấp hơn cả mức giá IPO (115 đô la Hồng Kông)
Công ty thương mại điện tử Coupang (Hàn Quốc) đã thu về 4,6 tỉ đô la trong đợt IPO ở sàn chứng khoán New York hồi tháng 3. Giá cổ phiếu công ty này đã tăng 40% trong phiên giao dịch đầu tiên nhưng hiện tại, đang giao dịch thấp hơn 16% so với giá IPO.
Các công ty công nghệ lớn khác ở châu Á tiến hành IPO trong năm nay cũng không khá hơn. Cổ phiếu của hãng gọi xe Grab (Singapore), Công ty thương mại điện tử Bukalapak (Indonesia) và Công ty kho vận JD Logistics (Trung Quốc) đều đang giao dịch ở mức giá thấp hơn rất nhiều so với mức giá IPO.
Hồi đầu tháng này, tức chưa đầy 5 tháng sau khi tiến hành IPO, hãng gọi xe Didi Chuxing của Trung Quốc thông báo hủy niêm yết ở Sàn giao dịch chứng khoán New York để chuyển về niêm yết ở Hồng Kông do sức ép từ Bắc Kinh. Giá cổ phiếu Didi Chuxing đang giao dịch thấp hơn 61% so với giá IPO.
Hôm 30-12, Didi Chuxing công bố báo tài chính quý 3 chưa kiểm toán với mức lỗ ròng 30,6 tỉ nhân dân tệ (4,7 tỉ đô la), nâng mức thua lỗ trong 9 tháng đầu năm lên con số 6,3 tỉ đô la. Hoạt động kinh doanh của Didi Chuxing sa sút nghiêm trọng sau khi giới chức trách yêu cầu các kho ứng dụng trong nước gỡ bỏ hàng chục dịch vụ của Didi Chuxing hồi cuối tháng 6 vì cho rằng công ty này đã vi phạm luật bảo vệ thông tin cá nhân. Động thái này diễn ra chỉ ít ngày sau khi Didi Chuxing huy động được 4,4 tỉ đô la để niêm yết cổ phiếu tại Mỹ.
Được định giá quá cao dù đang thua lỗ
Trong năm nay, khi cổ phiếu IPO giao dịch lần đầu trên sàn Nasdaq hoặc sàn giao dịch chứng khoán New York, chúng thường tăng giá bùng nổ trong ngày đầu tiên nhưng cơn hưng phấn của giới đầu tư nhanh chóng tắt ngúm trong thời gian sau đó.
Theo dữ liệu của Dealogic, trong số 36 công ty tiến hành IPO ở Mỹ huy động được từ 1 tỉ đô la trở lên trong năm nay, có 20 công ty đang có cổ phiếu giao dịch dưới mức giá IPO.
Jay Ritter, giáo sư tại Đại học bang Florida, người chuyên nghiên cứu về các thương vụ IPO, nói: “Sau cú tăng giá trong ngày giao dịch đầu tiên, nhìn chung, cổ phiếu IPO trong năm nay đều hoạt động kém hiệu quả hơn so với thị trường tổng thể. Tôi cho rằng điều đó chủ yếu là do mức định giá quá cao của những công ty mới lên sàn”.
Giáo sư Jay Ritter lưu ý đa phần các công ty tiến hành IPO trong năm nay đều đang lỗ. Chẳng hạn, hãng sản xuất sữa yến mạch Oatly (Thụy Điển) được định giá 10 tỉ đô la khi IPO dù chưa có lợi nhuận. Ứng dụng hẹn hò Bumble (Mỹ) đang thua lỗ nhưng vẫn được định giá hơn 7 tỉ đô la. Tính đến hôm 28-12, cổ phiếu Bumble đã giao dịch thấp hơn 22% so với giá IPO.
Một số ngân hàng đầu tư lưu ý cổ phiếu của một số công ty tiến hành IPO trong năm 2021 vẫn đang được định giá cao, ngay cả khi đã giảm giá sau IPO. Điều này là nhờ nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao để mua cổ phần ở các công ty này trong các vòng gọi vốn trước IPO.
Paul Aahimzadeh, đồng Giám đốc thị trường vốn cổ phần phụ trách Bắc Mỹ tại Ngân hàng Citigroup, nói : “Vấn đề là những người mua cổ phiếu của họ trong các đợt IPO này cũng như những người mua sau khi cổ phiếu lên sàn đang chịu thua lỗ”.
Tuy nhiên, cũng có một số quyết định đặt cược cổ phiếu IPO mang lại lợi nhuận đáng kể cho giới đầu tư. Những ai đã mua cổ phiếu của Affirm Holdings, một startup cho vay để mua trước trả sau được PayPal hậu thuẫn tài chính, hồi tháng 1 đã chứng kiến tài sản nhân hơn gấp đôi. Với hơn 12 tỉ đô la huy động được trong đợt IPO hồi tháng 11, hãng xe bán tải điện Rivian (Mỹ) trở thành công ty có thương vụ IPO lớn nhất tại Mỹ kể từ thương vụ IPO của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba hồi năm 2014.
Hiện nay, giá cổ phiếu Rivian vẫn cao hơn 32% so với giá IPO. Giới đầu tư kỳ vọng Rivian sẽ trở thành Telsa tiếp theo, dù hãng xe này thua lỗ hơn 2 tỉ đô la trong 3 quý đầu năm nay.
Khi giới đầu tư đối mặt với viễn cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào năm tới, họ buộc phải đánh giá lại các khoản đầu tư vào các tài sản rủi ro cao, bao gồm các cổ phiếu mua từ các đợt IPO.
Các ngân hàng đầu tư cho rằng hiệu quả tài chính ảm đạm của các khoản đầu tư cổ phiếu IPO trong năm nay báo hiệu làn sóng IPO nóng sốt trong năm nay khó có thể lặp lại vào năm 2022, đặc biệt nếu thị trường chứng khoán điều chỉnh vì lạm phát và các lo ngại kinh tế khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận