Thị trường giao đồ ăn trực tuyến phát triển sôi động
Các chuyên gia dự đoán doanh thu của lĩnh vực dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến toàn cầu toàn cầu có thể lên tới 200 tỷ USD năm 2025.
Trong vài năm gần đây, thị trường giao đồ ăn trực tuyến đang tăng trưởng nhanh trên toàn cầu nhờ sự nhanh chóng, thuận tiện và đa dạng. Nhiều thành phố và khu vực đang là tâm điểm phát triển của thị trường này, đặc biệt là nhờ sự phổ dụng ngày càng tăng của điện thoại thông minh và mạng Internet.
Dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến cung cấp vô số món ăn khác nhau cùng với sự tiện lợi và nhanh chóng cho thực khách thông qua các ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh, thiết bị di động hay trang web. Trong khi đó, các nhà cung cấp (nhà hàng, quán ăn) cũng hưởng lợi từ nguồn khách dồi dào, tiết kiệm nhân công, đơn giản hóa khâu phục vụ, thanh toán …
Theo số liệu mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường IMARC Group, giá trị thị trường giao đồ ăn trực tuyến toàn cầu đã đạt 84,6 tỷ USD năm 2018. Cổng thông tin trực tuyến về thống kê Statista (Đức) ước tính doanh thu của thị trường giao đồ ăn trực tuyến có thể đạt 94,38 tỷ USD năm 2019. Trong khi đó, các chuyên gia dự đoán doanh thu của lĩnh vực dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến toàn cầu toàn cầu có thể lên tới 200 tỷ USD năm 2025.
Còn theo ước tính của Adroit Market Research, thị trường giao đồ ăn trực tuyến toàn cầu dự kiến đạt giá trị lên tới 161,74 tỷ USD năm 2023. Trong đó, giá trị thị trường giao đồ ăn trực tuyến châu Á-Thái Bình Dương dự kiến đạt 90,95 tỷ USD năm 2023. Châu Mỹ là thị trường giao đồ ăn trực tuyến đầy tiềm năng và dự kiến có mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 11,7% trong giai đoạn 2018-2023. Các nền kinh tế lớn trong khu vực như Mỹ, Canada và Mexico (Mê-hi-cô) sẽ là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường này.
Châu Á-Thái Bình Dương cũng là khu vực đang ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường đồ ăn trực tuyến và dự kiến đạt doanh thu 91 tỷ USD và thị phần 56,2% năm 2023, nhờ nhu cầu tăng mạnh đối với các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến nhanh và thuận tiện. Các số liệu dự kiến trên đều vượt trội so với các con số tương ứng 34,31 tỷ USD và 52,1% thị phần trong năm 2017 của khu vực này.
Tuy vậy, sự phát triển công nghệ, mạng Internet, dân số ở các đô thị gia tăng cùng với người tiêu dùng ngày một "mạnh tay" chi tiêu đang góp phần vào sự gia tăng cạnh tranh ở thị trường giao đổ ăn trực tuyến.
Trên phạm vi toàn cầu, lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến đang có sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn như DoorDash, Uber Eats cùng với các công ty nhỏ và vừa như GrubHub, Just Eat, Seamless. Hầu hết doanh nghiệp giao đồ ăn trực tuyến đều khởi nghiệp ở thị trường trong nước.
Tuy vậy, thực tế là không phải quốc gia nào cũng có thể mang lại doanh thu nhiều như các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Italy, Vương quốc Anh và Australia.
Mỹ là thị trường giao đồ ăn trực tuyến lớn nhất thế giới với doanh thu tăng trưởng trung bình 3,9%/năm, tiếp theo là Anh, Italy và Australia. Mỹ là một trong những “địa bàn” chủ chốt ở châu Mỹ của các doanh nghiệp giao đồ ăn trực tuyến khi được coi là trung tâm của các doanh nghiệp khởi nghiệp khởi nghiệp thành công nhất cho đến nay. Mỹ chiếm tới 83,4% doanh thu của lĩnh vực đồ ăn trực tuyến ở châu Mỹ và dự kiến có tỷ lệ CAGR là 8,3% trong giai đoạn 2018-2023.
Trong khi đó, dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến là một trong những dịch vụ được sử dụng nhiều nhất và nhanh nhất ở quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc. Dân số đông và sự phát triển công nghệ đang hỗ trợ sự tăng trưởng của dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến ở Trung Quốc.
Zomato, Deliveroo, Just Eat, Swiggy, Takeaway.com, Delivery Hero, Food panda, dự kiến là những nhân tố mới tiềm năng cho sự phát triển của thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Trung Quốc bên cạnh các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này như Domino’s, Grub Hub/Eat 24, Pizza Hut, Papa John's International, Inc..
Một số ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam
Theo nghiên cứu của The NPD Group, số đơn hàng điện tử của các nhà hàng đã tăng 23%/năm kể từ năm 2013 và sẽ tăng gấp 3 lần vào cuối năm 2020. Trong số các đơn hàng điện tử, 60% là thông qua các ứng dụng di động. Ứng dụng hay trang web của một nhà hàng sẽ chiếm tới 70% số đơn hàng điện tử và phần còn lại sẽ đến từ các ứng dụng của bên thứ ba hay các nền tảng giao dịch, ứng dụng khác.
Bên cạnh dòng vốn đầu tư tiếp tục đổ vào thị trường giao đồ ăn trực tuyến, các thương vụ sáp nhập và mua lại trong lĩnh vực này cũng diễn ra trên toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau đang nỗ lực “xí phần” thị trường đầy riềm năng này.
Theo các chuyên gia xu hướng đặt mua đồ ăn qua các nền tảng, ứng dụng giao đồ ăn sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Nghiên cứu của Restaurant Online cho thấy, 45% khách hàng ở Mỹ đặt mua đồ ăn vì họ không có thời gian nấu ăn tại nhà trong khi 38% khách hàng sử dụng dịch vụ này vì sự tiện lợi. Các chương trình khuyến mãi tại các nhà hàng thu hút 37% khách hàng đặt mua đồ ăn trực tuyến cùng với các ưu đãi dành cho khách hàng thân thiết và điểm thưởng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận